Từ cơn sốt cao 39 độ C, người đàn ông suýt chết vì vi khuẩn tấn công

Bệnh nhân S. được người nhà đưa tới trong tình trạng sốt cao 39 độ C, da, niêm mạc kém hồng, đường huyết tăng.

Nam bệnh nhân L.Q.S nam 66 tuổi thường trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ bị áp xe gan do biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường vừa được khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa được điều trị thành công.

Một bệnh nhân cấp cứu tại BV Nội tiết Trung ương.

Bệnh nhân S. được người nhà đưa tới trong tình trạng sốt cao 39 độ C, da, niêm mạc kém hồng, đường huyết tăng. Theo thông tin hồ sơ từ tuyến dưới chuyển lên và khai thác từ người nhà của bệnh nhân được biết, bệnh nhân S. được chẩn đoán mắc đái tháo đường hơn 8 năm và đang được điều trị thuốc.

Tuy nhiên, cách thời gian vào viện khoảng 6 tuần, bệnh nhân xuất hiện sốt rét run, từng cơn, khoảng 2 - 3 cơn/ngày, nhiệt độ cao nhất 40 độ C, phải dùng thuốc hạ sốt.

Ngoài ra, bệnh nhân còn kèm mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, gầy sút nhanh (4 kg/6 tuần). Mặc dù được điều trị nhưng tình trạng không cải thiện do vậy đã được chuyển lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Tại khoa Điều trị tích cực, bệnh nhân được chỉ định thăm dò chức năng toàn trạng; kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp; kiểm tra gan, lách không sờ thấy kèm theo đau tức hạ sườn phải. Thông qua các kết quả kiểm tra cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan – đái tháo đường type 2. Sau khi hội chẩn nhanh liên khoa bệnh nhân đã được xử trí kháng sinh, kiểm soát đường huyết bằng việc tiêm insulin. Sau 4 ngày điều trị lâm sàng, thể trạng bệnh nhân đã ổn đinh, số cơn sốt và tần suất sốt giảm dần.

Theo ThS.BS. Nguyễn Đăng Quân, Phụ trách Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực cho biết, áp xe gan là sự hình thành ổ mủ nhiễm khuẩn trong tổ chức gan, có thể to hoặc nhỏ, đơn độc hay nhiều ổ mủ khác nhau do tác nhân vi khuẩn gây ra.

Vi khuẩn gây ra tình trạng áp xe gan hầu hết đều là thứ phát và có thể bắt nguồn từ những ổ nhiễm khuẩn trong ổ bụng thông qua đường mật, tĩnh mạch cửa, động mạch gan, chấn thương, xâm lấn từ nhiễm khuẩn do thủng tạng rỗng, đôi khi gặp sau khi chụp đường mật ngược dòng, sinh thiết gan... Tình trạng này thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh đái tháo đường, người lớn tuổi, người mắc bệnh xơ gan

Thường thì dấu hiệu của áp xe gan do vi khuẩn thường khó nhận biết thông qua các biểu hiện lâm sàng, mà cần phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Áp xe gan do biến chứng đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, việc điều trị sớm rất quan trọng để hạn chế nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Sau thời gian điều trị tích cực kết hợp chế độ dinh dưỡng cùng điều trị thuốc hợp lý tình trạng áp xe, chỉ số đường huyết của bệnh nhân S. đã được kiểm soát.

Diệu Thu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-con-sot-cao-39-o-c-nguoi-an-ong-suyt-chet-vi-vi-khuan-tan-cong-a622371.html