Từ công viên xanh tới công viên số
Từ vai trò ban đầu là những 'lá phổi xanh' cho đô thị, công viên trên thế giới đã phát triển, mở rộng trở thành nơi hội tụ những kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến của tương lai và nhiều nơi áp dụng công nghệ để đưa đến những trải nghiệm tương tác hiện đại.
Kết nối các công viên bằng hành lang xanh tuyến tính
Tại Singapore, xây dựng công viên là một trong những ưu tiên hàng đầu các kiến trúc sư nhắm đến để hiện thực hóa mục tiêu “vườn trong phố”. Với diện tích vỏn vẹn 710km2, Singapore ưu tiên tối đa hóa không gian xanh.
Bên cạnh những hình thức như mái nhà xanh, vườn thẳng đứng xếp tầng hay những bức tường xanh tươi, Singapore dành đất xây dựng hơn 300 công viên và vườn thực vật cùng 4 khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích trên 2.300 ha Có thể kể đến những công viên rất lớn nằm giữa trung tâm như Vườn bách thảo Singapore (74 ha) hay Gardens by the bay (101 ha).
Mạng lưới các công viên, vườn quốc gia và khu bảo tồn được kết nối với nhau nhờ khoảng 370km hành lang xanh tuyến tính trên toàn quốc. Hội đồng Công viên quốc gia (NParks) trực thuộc Bộ Phát triển quốc gia Singapore chịu trách nhiệm quản lý và trồng cây xanh đô thị cho người dân địa phương. Ngoài ra còn có các tổ chức xã hội rộng lớn với vô số hoạt động kết nối khối liên minh Nhà nước - tư nhân - cộng đồng, cùng nhau chung tay phát triển Quốc gia xanh.
Theo NParks, tùy theo quy mô, chức năng và vị trí, các công viên ở Singapore được phân thành nhiều loại như công viên nghệ thuật và di sản, công viên cộng đồng, công viên ven biển hay công viên ven sông. Nhìn chung, tất cả chúng đều mở cửa tự do cho người dân và du khách vào tham quan, vui chơi, thư giãn, tập thể dục thể thao, cắm trại… ngoại trừ một số khu vực nhất định bên trong có thu phí dịch vụ thấp như Vườn lan quốc gia trong Vườn bách thảo Singapore hay Mái vòm hoa, Rừng mây mù và cầu đi bộ trên không OCBC Skyway tại Gardens by the Bay.
Kéo người trẻ đến công viên nhiều hơn
Khi Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ tròn 100 tuổi năm 2016, một chiến dịch mới được triển khai nhằm mục đích làm cho không gian tự nhiên của cả nước trở nên hấp dẫn hơn đối với tất cả người dân, bao gồm mọi lứa tuổi và sắc tộc.
Một trong những cải cách đáng kể xuất hiện tại công viên quốc gia Yosemite ở Californa, với việc xây dựng tòa nhà Trung tâm Khoa học Môi trường Quốc gia - cơ sở giáo dục dành cho giới trẻ. Với ngân sách hơn 35 triệu USD, trung tâm học tập thực hành hiện đại này nhằm trong khuôn khổ Công viên Quốc gia Yosemite tiếp nhận 17.000 sinh viên mỗi năm.
Khuôn viên mang đến cho những người trẻ tuổi - nhiều người trong số họ sống ở các khu đô thị có thu nhập thấp hoặc cộng đồng nông thôn - cơ hội trải nghiệm những điều kỳ diệu của thiên nhiên, cũng như học các kỹ năng thực tế trong cắm trại, đi bộ đường dài và leo núi.
Việc xây dựng trung tâm này trong khuôn khổ công viên nhằm mục đích nâng cao nhận thức về việc làm cho không gian tự nhiên dễ tiếp cận hơn và thu hút tất cả mọi người, bất kể chủng tộc hay sắc tộc, đến công viên để tận hưởng.
Tại Pháp, mới đây, công viên công nghệ và khoa học hình ảnh hàng đầu trên thế giới, Futuroscope (soi rọi tương lai) đã đón vị khách thứ 60 triệu. Không chỉ là điểm vui chơi giải trí, đây còn là nơi du khách có cơ hội tương tác với những kiến thức khoa học công nghệ mới nhất.
Tọa lạc trên diện tích rộng 35ha ở ngoại ô TP Poitiers, thuộc tỉnh Vienne, cách Thủ đô Paris hơn 300km về phía Tây, Futuroscope là công viên giải trí đầu tiên ở Pháp chuyên về công nghệ thông tin, kỹ thuật số và khoa học hình ảnh, nơi đánh thức mọi giác quan của con người trong không gian đa chiều.
Ra đời năm 1987 nhờ ý tưởng của René Monory, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Vienne, Futuroscope được xây dựng để tạo động lực phát triển kinh tế du lịch cho một tỉnh thuần nông, đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng về công nghệ thông tin và truyền thông mới.
Ban lãnh đạo công viên nhắm đến mục tiêu kết hợp giải trí và giáo dục, hướng khách tham quan tới những ngành khoa học của tương lai. Bên cạnh những phòng chiếu phim công nghệ hình ảnh 3D, 4D hiện đại và lớn nhất châu Âu thời điểm đó, Futuroscope đã chuyển hướng sang các trò vui chơi giải trí không chỉ bằng công nghệ hình ảnh, âm thanh và ánh sáng, đồng thời kết hợp với phổ biến kiến thức thông qua các chương trình liên quan đến khoa học môi trường, biến đổi khí hậu, thế giới động thực vật, khoa học Trái Đất, không gian…
Thực tế ảo áp dụng vào phát triển công viên?
Các công viên và điểm tham quan đang dần áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để mang đến cho khách du lịch trải nghiệm độc đáo và hồi hộp - điểm khác biệt so với các điểm tham quan công viên giải trí trước đây.
Công nghệ này thường được áp dụng vào tàu lượn siêu tốc, cầu trượt nước, tháp nước…, với tai nghe VR có màn hình LED đưa người chơi vào một thế giới ảo tương ứng với các chuyển động thu hút. Năm 2003, tàu lượn siêu tốc VR đầu tiên - Galaxie Express - được phát triển tại Space Center Bremen ở Bremen, Đức. Một trong những tàu lượn siêu tốc VR hoạt động lâu đời nhất là Alpenexpress Coastiality, khai trương vào năm 2015 tại Europa-Park ở Đức.
Vào năm 2018, Europa-Park đã khai trương tàu lượn siêu tốc VR “lang thang và đi” đầu tiên - Eurostat Coastality. “Các tay đua” được đeo tai nghe VR và khám phá thế giới thực tế ảo dựa trên bộ phim Valerian và Thành phố ngàn hành tinh.
Việc tích hợp công nghệ VR vào các điểm tham quan hiện có được chứng minh là phương thức ít tốn kém để các công viên giải trí lôi kéo những người thích cảm giác mạnh đến thăm thú. Tuy nhiên, các công viên giải trí khác đã quyết định triển khai công nghệ VR như một điểm tham quan độc lập. Knott's Berry Farm ở California (Mỹ) đã phát triển một trò chơi hấp dẫn mang tên VR Showdown cho phép nhiều người chơi hợp tác cùng nhau để giải cứu "thị trấn ma”.
Trong khi hầu hết các công viên giải trí đang sử dụng công nghệ VR trên các trò chơi hiện có hoặc trải nghiệm độc lập, ngành này đang chứng kiến sự thay đổi lớn. Năm 2018, Trung Quốc đã mở một trong những công viên giải trí VR đầu tiên trên thế giới (VR Star), nằm ở tỉnh Quý Châu. Công viên tổ chức hơn 40 trò chơi tập trung vào VR, từ các điểm tham quan độc lập đến các trò chơi trong công viên giải trí truyền thống với chi phí xây dựng lên đến hơn 1,5 tỷ USD.
Theo hãng công nghệ tương tác Omnico, 89% số khách tham quan công viên được nghiên cứu cho biết họ ưa thích các điểm tham quan có công nghệ VR để tận dụng tối đa trải nghiệm ở công viên giải trí. Du khách Trung Quốc hào hứng nhất với việc tích hợp công nghệ VR, với 98% lựa chọn việc tích hợp với công viên truyền thống.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tu-cong-vien-xanh-toi-cong-vien-so.html