Từ cú sốc mang tên CNY - Thị trường chứng khoán đối diện cuộc chiến tiền tệ?
Đồng nhân dân tệ (CNY) mất giá mạnh so với đồng USD là diễn biến tâm điểm của các thị trường tài chính trong tháng 8/2019. Ngày 5/8, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, thị trường mới lại được chứng kiến mức quy đổi hơn 7 Nhân dân tệ cho mỗi USD.
Kể từ năm 2008 đến nay, thị trường chỉ chứng kiến duy nhất một lần tỷ giá USD/CNY tiến sát tới mức 7 là vào cuối tháng 10/2018. Tỷ giá khi đó vào khoảng 6,97 CNY cho mỗi USD. Thị trường ngoại hối toàn cầu cho rằng việc Trung Quốc có khả năng kiểm soát tỷ giá (bằng cách thiết lập giá tham chiếu trung tâm) cũng đồng nghĩa với việc mức 7 CNY cho mỗi USD là “ranh giới” cuối cùng. Vì vậy không có gì bất ngờ khi thị trường tài chính thế giới hoảng hốt khi Trung Quốc “thả” tỷ giá vượt mức 7.
Từ cuộc chiến thương mại tới cuộc chiến tiền tệ?
Các thị trường tài chính, trong đó bao gồm cả thị trường chứng khoán, đón nhận cú sốc mang tên CNY ở trong bối cảnh hết sức nhiễu loạn. Đó là cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng đi vào ngõ cụt. Ngay sau khi đoàn đàm phán Mỹ rời Bắc Kinh cuối tháng 7 trong lặng lẽ, Tổng thống Trump lập tức tuyên bố sẽ tăng thuế 10% nữa lên hơn 300 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc vào đầu tháng 9. Đó là phát súng đầu tiên báo hiệu cuộc chiến thương mại quay lại tình trạng leo thang căng thẳng hơn.
Trung Quốc, ngay lập tức phản ứng bằng cách dừng mua nông sản của Mỹ và thực hiện hạ giá đồng CNY để hạn chế tác động của thuế quan. Việc Trung Quốc có thể sử dụng biện pháp phá giá đồng nội tệ trong cuộc chiến thương mại đã được nhắc đến từ lâu. Tuy nhiên khi cả Trung Quốc và Mỹ đều tỏ ý muốn đàm phán và đưa ra những lời lẽ ôn hòa, cả thế giới đều mong muốn các biện pháp mạnh sẽ không được sử dụng tới. Cuộc chiến thương mại sẽ được giới hạn.
Thế nhưng khi Trung Quốc chấp nhận giải pháp phá giá tiền tệ, nghĩa là cuộc chiến thương mại có thể chuyển sang giai đoạn cuộc chiến tiền tệ. Điều này không phải là không có căn cứ, vì Mỹ ngay cuối tháng 7 cũng đã thực hiện giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 10 năm, đồng thời Tổng thống Mỹ Donald Trump còn muốn phá giá đồng USD thêm nữa. Hàng loạt nước từ Nam Phi tới Chi lê rồi Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Australia... cũng giảm lãi suất.
Theo lý thuyết kinh tế học thì việc cắt giảm lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương được thực hiện trong bối cảnh kinh tế trì trệ hoặc suy thoái, cần sự kích thích. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại việc giảm lãi suất lại mang tính ứng phó với tình huống mới, là sự căng thẳng thương mại toàn cầu. Tình trạng này chưa từng xảy ra vì chưa lúc nào hai nên kinh tế lớn nhất thế giới lại “quyết chiến” ở mức độ có thể làm suy yếu cả đôi bên và gây nguy hiểm cho cả thế giới. Ngay cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ trong lần cắt giảm lãi suất cuối tháng 7/2019 cũng chỉ đưa ra lý do duy nhất là để đối phó với nguy cơ căng thẳng thương mại, chứ không phải các lý do về tăng trưởng hay việc làm, lạm phát...
Tại Việt Nam từ 1/8/2019 các ngân hàng cũng thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay 0,5% đối với “các lĩnh vực ưu tiên”. Thật ra đây mới chỉ là động thái giảm lãi suất từ các ngân hàng, hơn là chính sách điều hành tiền tệ từ Ngân hàng nhà nước. Động thái duy nhất của Ngân hàng nhà nước là việc giảm lãi suất tín phiếu chào thầu từ 3% xuống 2,75% vào ngày 22/7/2019. Việc giảm lãi suất tín phiếu không phải là bước đi mạnh mẽ như việc giảm lãi suất điều hành, nhưng cũng phát đi tín hiệu mong muốn tăng cung tiền trong hệ thống. Khi lãi suất tín phiếu giảm, các ngân hàng sẽ bớt nhu cầu mua tín phiếu, nghĩa là Ngân hàng Nhà nước sẽ thu về ít tiền mặt hơn và tiền sẽ tăng lên trong các ngân hàng. Lượng tiền đó cũng đồng nghĩa với tăng nhu cầu cho vay ra nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán mắc kẹt
Về lý thuyết, việc các ngân hàng nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất, cho vay nhiều hơn sẽ có lợi cho thị trường chứng khoán vì làm tăng nguồn vốn giá rẻ. Điều này đã xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử thị trường chứng khoán mà mới đây nhất là làn sóng cắt giảm lãi suất để đối phó với khủng hoảng tài chính 2008.
Tiền lưu thông dồi dào, chi phí vay rẻ sẽ kích thích tăng giá tài sản, trong đó có cổ phiếu. Xu hướng tăng của các thị trường chứng khoán suốt từ 2009 đến nay đều dựa trên tác động của xu hướng giảm lãi suất.
Tuy nhiên xu hướng cắt giảm lãi suất này lại có yếu tố khác lạ so với tất cả các lần trước. Đó là các nước đang tự vệ trước nguy cơ gián đoạn thương mại toàn cầu. Mỹ “gây chiến” thương mại hết với Trung Quốc lại tới châu Âu, chưa kể Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang “găng” với nhau. Ngay Việt Nam, tuy chỉ có thặng dư thương mại nhỏ với Mỹ nhưng cũng đang gặp nguy cơ không nhỏ.
Chiến tranh thương mại ngày càng leo thang sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán theo cách mà chưa chắc việc nới lỏng tiền tệ có thể bù đắp được. Đó là làm rối loạn thị trường, suy yếu lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thậm chí có thể làm suy thoái kinh tế của một hay nhiều quốc gia. Singapore là ví dụ nhãn tiền khi GDP quý 2/2019 sụt giảm tới 3,4% so với quý 1/2019 và có các dự báo nguy cơ rơi vào suy thoái từ 2020. Đức, nền kinh tế đầu tầu của châu Âu cũng đang gặp rắc rối với chỉ số sản xuất công nghiệp quý 2/2019 giảm tới 1,9% so với quý 1.
Thậm chí cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers còn lênTwitter cảnh báo với những diễn biến trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc như hiện tại, hệ thống tài chính toàn cầu có thể đang ở thời điểm nguy hiểm nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2009, đồng thời cảnh báo khả năng các thị trường sụp đổ vào năm 2020 là xấp xỉ 50%, mức rủi ro cao nhất tính từ năm 2011.
Thị trường chứng khoán nói riêng đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại và cuộc chiến tiền tệ. Nhà đầu tư có thể vay nhiều tiền hơn để đầu tư, nhưng rủi ro cũng rất cao khi hoạt động của doanh nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn từ hai cuộc chiến này. Lấy ví dụ với Việt Nam, làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào đã đẩy giá cho thuê các khu công nghiệp tăng vọt, làm gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này. Đó là lợi ích trong ngắn hạn. Nhưng việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng dần dần hình thành lộ trình giống vết xe đổ của chính Trung Quốc.
Ngoài ra, lượng hàng hóa dư thừa của Trung Quốc được hỗ trợ bởi đồng CNY yếu sẽ được đẩy ra các thị trường trong khu vực, trong đó Việt Nam gần nhất. Hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt. Liệu các doanh nghiệp có thể chống lại sức ép này? Đó chính là rủi ro mà thị trường chứng khoán phải tính đến, chứ không đơn giản rằng Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và thị trường chứng khoán sẽ bùng nổ tăng.