Từ 'Đào, phở và piano', khán giả xem lại 'Hà Nội mùa đông năm 46'
Cùng một bối cảnh, nhưng mỗi phim lại chọn khắc họa những nét rất riêng của hai mốc đầu và cuối trong cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội năm 1946-1947.
Ngày 3-3, buổi giao lưu với chủ đề “Từ "Hà Nội mùa đông năm 46” đến “Đào, phở và piano”" đã diễn ra tại Hà Nội. Trong chương trình, khán giả được gặp gỡ và trò chuyện với hai người con Hà Nội: Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh - đạo diễn phim “Hà Nội mùa đông năm 46” và Nghệ sĩ ưu tú Phi Tiến Sơn - đạo diễn phim “Đào, phở và piano”.
Cuộc gặp gỡ thu hút đông đảo khán giả trẻ quan tâm đến các vấn đề lịch sử và yêu mến các bộ phim về lịch sử. Nhiều khán giả thích thú trước sự liên quan mới mẻ và tương đồng giữa hai bộ phim, bên cạnh việc có cùng bối cảnh lịch sử.
“Hà Nội mùa đông năm 46” cùng với “Đào, phở và piano” có mối liên hệ đặt biệt với nhau. “Đào, phở và piano” là bộ phim lấy bối cảnh cuộc chiến đấu của những người con “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” giữa lòng Hà Nội kéo dài 60 ngày đêm cuối năm 1946 đầu 1947. Bộ phim đã trở thành hiện tượng của điện ảnh Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, đặc biệt thu hút sự quan tâm của những khán giả trẻ.
Một bất ngờ thú vị là từ “Đào, phở và piano”, nhiều người cùng tìm lại một bộ phim Việt Nam khác được làm trước đó hơn 1/4 thế kỷ, với cùng một bối cảnh lịch sử - “Hà Nội mùa đông năm 46”.
“Hà Nội mùa đông năm 46” kể chuyện về Hà Nội trong những ngày cuối trước khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). Nội dung phim thể hiện tư tưởng hòa hiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chiến này.
Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Nhiều người nước ngoài nghĩ người Việt Nam thích đánh nhau, vì chúng ta thắng đế quốc Pháp, Mỹ…, nhưng không phải. Chính tư tưởng hòa hiếu là lý do phim “Hà Nội mùa đông năm 46” đi đến các nước Pháp, Canada, Ấn Độ… và được khán giả nước bạn yêu mến”.
Còn với phim “Đào, phở và piano”, Nghệ sĩ ưu tú Phi Tiến Sơn chia sẻ: “Điều tôi tâm đắc nhất ở phim là sự tận hiến của mỗi người con Hà Nội. Có người chọn thể hiện quyết tâm, phải trả thù, phải thể hiện mình là người hùng. Đó cũng là tận hiến. Nhưng ở đây là sự tận hiến đầy hồn nhiên, chân thực, rất “con người” và có lẽ vì thế dễ đi vào cảm xúc của khán giả hơn”.
Hai bộ phim có nhiều điểm khác nhau nhưng điểm chung nhất là tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam.
Tại buổi giao lưu, hai đạo diễn đều cho biết, khi làm phim về đề tài lịch sử, việc tái hiện bối cảnh là một trong những thách thức hàng đầu. Bối cảnh thuyết phục là tiền đề quan trọng cho các công đoạn dàn cảnh, ánh sáng, quay phim…
Phim “Hà Nội mùa đông 46” được quay năm 1997. Để tái hiện lịch sử, đoàn phim buộc phải chỉnh sửa và cải tạo nhiều bối cảnh, nhưng thiếu thốn từ đạo cụ, trang phục, đến phim trường khiến cảnh quay gặp khá nhiều khó khăn.
Còn với “Đào, phở và piano” (khởi quay cuối 2022, đóng máy trong 2023), vì rất khó tìm một góc phố cổ hiện nay để quay phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn và ê kíp làm phim đã dựng phim trường một khu phố cổ dài gần 100m, tại một khu đất ở Đại Lải (Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) để có thể tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội lịch sử…