Từ dĩ hòa vi quý đến cả nể và phòng thủ
Chuyện dĩ hòa vi quý và cả nể là thói thường trong ứng xử của dân ta. Nhưng mỗi khi chuẩn bị Đại hội Đảng hoặc bầu cử cơ quan dân cử, những chuyện này lại trở thành thời sự.
Bản chất của dĩ hòa vi quý là cách ứng xử mềm mỏng, hài hòa giữa cái tôi cá nhân và đa số, nhưng không xuề xòa trong phân định đúng sai.
Lịch sử chứng minh, người Việt Nam luôn lấy hòa hiếu làm đầu, thậm chí với kẻ thù xâm lược, là một trong nguồn gốc của cách ứng xử dĩ hòa vi quý.
Đồng thời, trong hàng nghìn năm bị ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, với trật tự trên dưới, trước sau nghiêm ngặt, cộng mối quan hệ gia đình, dòng tộc, xóm giềng, cả nể trở thành một trong những tư tưởng và hành vi mang tính phổ biến.
Dĩ hòa vi quí, cả nể trong chừng mực nào đó là tốt, giữ được hòa khí, đoàn kết từ gia đình trở đi.
Tuy nhiên, những tư tưởng, hành vi này đôi khi lợi bất cập hại, như thấy sai nhưng không hoặc không dám đấu tranh, dẫn đến sai lại càng sai.
Biến tướng của dĩ hòa vi quý, cả nể là phòng thủ: không có ý kiến trước chuyện thị phi, để không đụng chạm, mất lòng ai.
Chuyện phòng thủ trong đời sống xã hội của ai đó không phải mới, không gây tác hại hoặc nếu có chỉ ở mức độ, phạm vi hạn chế. Nhưng trong chốn quan trường xưa và trong cơ quan đảng, Nhà nước, đoàn thể hiện nay, phòng thủ đôi khi gây tác hại không nhỏ.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1448, triều Lê Thái Hòa, khi nghe tin phương Bắc đưa quân đến thám thính biên giới nước ta, Vua sai nhiều đại thần cùng 1,2 vạn quân lên biên giới; ban tiền cho từng người và chỉ thị các địa phương cung cấp tiền của phục vụ. Ở cả tháng chỉ thấy im ắng như tờ. Bọn họ đem tiền mua hàng phương Bắc chở nặng mang về, nói thác là quan quân nhà Minh không đến. Mặc dù biết việc, nhưng Ngự sử đài Hà Lật, dù có chức trách tra xét lỗi lầm người khác lại không nói một câu, theo đó không ai bị kết tội gian dối triều đình.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, về cách đối với các khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Bọn thứ ba thì sao cũng mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình. Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn yếu ớt”.
Một trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Nghị quyết 04 của Trung ương là: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.
Kết luận 55/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Có nơi, cấp ủy viên, Ủy viên Ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung”.
Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chủ trương của Trung ương Đảng hiện nay cho thấy sự phê án, lên án những cán bộ, đảng viên cầu an, phòng thủ, để giữ ghế hoặc thăng tiến là quan điểm nhất quán của Đảng ta.
Nhưng để nhận diện những người “phòng thủ” trước Đại hội Đảng các cấp tới đây hay bầu cử cơ quan dân cử nói chung không phải dễ, nếu không có sự mạnh dạn, thẳng thắn, công tâm của tập thể cơ quan, đơn vị, nhân dân và lãnh đạo cấp trên trong việc đánh giá, nhận xét, giới thiệu ứng cử viên.