'Từ điển giải thích tiếng Việt quá nhiều và lộn xộn'
PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng cần có Luật Ngôn ngữ và những văn bản dưới luật để quy định việc nói và viết thế nào cho chuẩn.
Từ điển đáng ra phải làm chuẩn mực để bạn đọc tra cứu. Tuy nhiên, gần đây, một số cuốn từ điển ngôn ngữ có sai sót, được truyền thông phản ánh.
PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - đưa ra nhận định về sách ngôn ngữ, các vấn đề của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hiện nay.
Chính tả chưa hợp lý, thiếu thống nhất
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng từ điển chính tả, từ điển tiếng Việt hiện nay?
- Các loại từ điển ngôn ngữ (tiếng Việt, chính tả, đồng nghĩa - trái nghĩa, từ điển từ tắt, từ điển vần…) hiện nay có khá nhiều. Nhiều nhất vẫn là từ điển tiếng Việt. Nói chung, các loại từ điển này, theo tôi, là khá ổn. Chỉ có mảng từ điển giải thích tiếng Việt là quá nhiều và lộn xộn.
Như từ điển dành cho học sinh biên soạn quá đơn giản (về số lượng mục từ, cách định nghĩa, thông tin thiếu hụt không phù hợp - như không có kênh hình ảnh…). Vì thế, giá trị sử dụng chưa cao.
- Khi bị phát hiện từ điển ngôn ngữ có sai sót, một số ý kiến cho rằng các lỗi này do ngữ pháp tiếng Việt phức tạp, ngôn từ đa dạng, chưa có chuẩn mực, thống nhất. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Ngôn ngữ dân tộc nào cũng phức tạp, chẳng cứ gì tiếng Việt. Tất nhiên, tiếng Việt có phức tạp riêng (về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).
Tiếng Việt đơn âm, chữ viết theo nguyên tắc ghi âm (nói thế nào ghi thế ấy). Nhưng do lịch sử để lại, cách viết chữ Việt có nhiều vấn đề chưa hợp lý nên dẫn đến chính tả chưa hợp lý, thiếu thống nhất.
Có nhiều cuốn biên soạn chưa đúng tinh thần từ điển học. Chính âm chưa hoàn toàn đồng nhất với chính tả. Có nhiều biến thể trong sử dụng và cũng do cộng đồng người dùng tiếng Việt có nhiều cách thể hiện “tùy hứng”, thành thói quen khó sửa.
Nhưng nói thế không có nghĩa tiếng Việt lộn xộn, không có chuẩn. Chuẩn là một sự lựa chọn một trong nhiều biến thể.
Thực tế, các nhà Việt ngữ học đã và đang góp phần giúp cho công cuộc chuẩn hóa đó. Dĩ nhiên, có khó khăn và cũng cần thời gian để “đưa cộng đồng vào quỹ đạo ngôn ngữ hợp lý”.
- Ông nghĩ sao về đề xuất Luật tiếng Việt? Nếu làm thì thực hiện theo hình thức nào, lộ trình ra sao, đơn vị nào đảm nhiệm?
- Không có Luật tiếng Việt mà cần phải có Luật Ngôn ngữ. Việt Nam có 54 dân tộc anh em mà tiếng Việt là một trong số đó. Tất nhiên, tiếng Việt đang là ngôn ngữ chính thức.
Khi có Luật Ngôn ngữ, tiếng Việt sẽ được coi là “ngôn ngữ quốc gia”. Lúc đó, các nhà ngôn ngữ, các nhà làm luật (dưới sự chỉ đạo của Nhà nước) sẽ soạn thảo quy định cần thực hiện về tiếng Việt: Nói và viết thế nào cho chuẩn.
Luật Ngôn ngữ chỉ quy định những cái chung nhất, có tính nguyên tắc. Còn chi tiết hóa luật này để mọi người thực hiện lại cần có những văn bản dưới luật.
Các cuốn từ điển tiếng Việt (gồm từ ngữ thông dụng trong cả nước), từ điển chính tả (cách viết các từ, viết hoa, viết tắt…) sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc này.
Teencode đang thịnh hành
- Hiện nay, giới trẻ dùng tiếng Việt với nhiều từ lạ, viết bằng nhiều ký hiệu được cho là thiếu chuẩn mực. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
- Ngôn ngữ giới trẻ, còn được gọi là "ngôn ngữ tuổi teen" hay "teencode" là xu hướng đang thịnh hành của lớp trẻ thời công nghệ số. Có người gọi đó là một dạng “lóng” - biệt ngữ cho một số đối tượng.
Họ có cách nói và viết rất lạ, như bây giờ = bây h, cay cú = a kay, run = ca mơ run, lộ tẩy = nghĩa lộ, bị kiểm điểm = chào cờ, bạn gái = gà tóc nâu, không chịu nổi = hun chịu nủi, rất chuyên nghiệp = rứt pờ rồ, chúc ngủ ngon = g9...
Vì nó ra đời trên nền tiếng Việt, sống “ký sinh” theo tiếng Việt toàn dân nên nhiều người cho rằng sẽ vẩn đục tiếng Việt. Có người giải thích đó là một trò chơi riêng của giới trẻ nhằm cho vui vẻ, xả stress.
Nếu sử dụng chút ít, trong môi trường giao tiếp bạn bè thì có thể thông cảm. Nhưng đừng lạm dụng và mê mải bởi các “phát minh” này mà quên mất nhiệm vụ quan trọng là học và trau dồi tiếng Việt cho tốt. Công việc đó mất nhiều thời gian và tâm sức.
- Ngôn ngữ có quá trình giao lưu, tiếp biến, thay đổi. Việc giới trẻ ngày nay chêm nhiều ngoại ngữ trong giao tiếp và văn bản có đáng lo ngại?
- Cũng tùy. Có những trường hợp khi nói năng cần "chua" thêm những từ mới trong tiếng nước ngoài mà tiếng Việt chưa có, chưa thông dụng.
Nhưng như trên tôi nói, đừng lạm dụng tiếng nước ngoài. Hoặc là nói tiếng nước ngoài bình thường (như tiếng Anh chẳng hạn) trong bối cảnh cần nói, hoặc là nói tiếng Việt thuần chất trong giao tiếp thường nhật. Không lai căng, khoe chữ. "Thái quá bất cập" mà!
- Theo ông, sách giáo khoa về tiếng Việt của chúng ta hiện nay đã làm tốt vai trò, chức năng như một bộ khung, nền tảng dạy tiếng Việt? Chúng ta cần làm gì để giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt?
- Theo tôi, các nhà soạn sách giáo khoa đang hướng tới việc soạn ra các bộ sách tiếng Việt chuẩn. Còn hiệu quả đến đâu lại phải chờ khi áp dụng thế nào đã. Năm nay (2020) mới bắt đầu sử dụng bộ mới mà.
Tốt nhất, mỗi người chúng ta nên thấm nhuần câu nói của Bác Hồ: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-dien-giai-thich-tieng-viet-qua-nhieu-va-lon-xon-post1100237.html