Từ Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nghĩ về xuất khẩu năng lượng sạch
Trong Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Chính phủ phê duyệt, việc xuất khẩu điện đã được đề cập.

Thế giới đang có xu hướng nghiên cứu về các nguồn năng lượng như điện phát từ hydro xanh
Trên thực tế, Việt Nam hiện sẵn sàng nhập khẩu điện để giải quyết bài toán năng lượng phục vụ phát triển kinh tế. Điều đó, được ghi trong điều chỉnh: “Thực hiện kết nối, trao đổi điện năng có hiệu quả với các nước trong khu vực, bảo đảm lợi ích của các bên, tăng cường an toàn hệ thống điện; đẩy mạnh nhập khẩu điện từ các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) có tiềm năng về thủy điện. Quan tâm đầu tư, khai thác các nguồn điện tại nước ngoài để cung ứng điện về Việt Nam. Năm 2030, nhập khẩu khoảng 9.360 - 12.100 MW từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ và tận dụng khả năng nhập khẩu phù hợp với điều kiện đấu nối từ Trung Quốc với quy mô hợp lý; định hướng năm 2050, nhập khẩu khoảng 14.688 MW. Nếu điều kiện thuận lợi, giá thành hợp lý, có thể tăng thêm quy mô tối đa hoặc đẩy sớm thời gian nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc”.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang hướng đến việc xuất khẩu điện mà cụ thể Điều chỉnh nêu: “Ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu. Đến năm 2030, tăng quy mô xuất khẩu điện sang Campuchia lên khoảng 400 MW. Dự kiến đến năm 2035, quy mô công suất xuất khẩu điện sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW và duy trì với quy mô 10.000 MW đến năm 2050, có thể cao hơn tùy theo nhu cầu của bên nhập khẩu trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng”.
Với hướng phát triển năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xuất khẩu năng lượng sạch tới các thị trường khó tính ở xa hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua công nghệ hydro xanh. Trong xu thế mà cả thế giới đang theo đuổi năng lượng sạch, hydro xanh chính là chìa khóa đáng chú ý.
Sản xuất hydro xanh thường thông qua điện phân nước, tức là sử dụng điện từ nguồn tái tạo (mặt trời, gió, thủy điện) để tách nước thành hydro và oxy. Các loại máy điện phân phổ biến bao gồm màng trao đổi proton (PEM) và điện phân kiềm. Việt Nam ta có nguồn nước biển và nguồn năng lượng tái tạo rất dồi dào.
The New York Times nhấn mạnh rằng các máy điện phân hiện đại, như sản phẩm của ThyssenKrupp Nucera (Đức), có thể sản xuất hydro với hiệu suất cao, mở ra tiềm năng cho các ngành công nghiệp nặng như thép và xi măng.
Thách thức lớn là lưu trữ và vận chuyển. Hydro được nén, hóa lỏng hoặc chuyển thành amoniac để vận chuyển qua tàu, đường ống, hoặc xe tải. Tuy nhiên, con người đang gắng giải quyết tốt bài toán này. Theo The Guardian, dự án Hydrogen Energy Supply Chain (Úc-Nhật Bản), đã vận chuyển hydro lỏng từ Úc sang Nhật Bản vào năm 2022, dù công nghệ này chưa đạt quy mô thương mại.
Ngoài ra, amoniac hiện là lựa chọn phổ biến để xuất khẩu hydro do dễ vận chuyển hơn, như dự án NEOM (Ả Rập Saudi) với sản lượng 1,2 triệu tấn amoniac xanh mỗi năm.
Dù vẫn gặp thách thức về công nghệ nhưng hydro sạch đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu. Tại châu Âu, theo Le Monde và Der Spiegel, EU đã đầu tư 13,2 tỉeuro vào các dự án hydro, với các chương trình như IPCEI Hy2Tech và Hy2Use, tập trung vào sản xuất và ứng dụng hydro trong công nghiệp. Đức dẫn đầu với các dự án như nhà máy điện phân của ThyssenKrupp Nucera, trong khi Pháp khám phá tiềm năng hydro tự nhiên ở Lorraine.
The New York Times cho biết Mỹ đang xây dựng 7 trung tâm hydro khu vực với ngân sách 7 tỉ USD, tập trung vào sản xuất hydro xanh và hydro xanh. Các công ty như Bloom Energy đang phát triển pin nhiên liệu cho các tập đoàn như Google và Coca-Cola.
Tính ở quy mô toàn cầu, Washington Post cho biết 60 quốc gia, gồm các thành viên EU, đã thông qua chiến lược hydro. Nhu cầu hydro toàn cầu đạt 97 triệu tấn vào năm 2023, dự kiến tăng mạnh nhờ các ứng dụng trong công nghiệp và giao thông.
IEA dự báo rằng đến năm 2050, hydro sạch có thể đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng toàn cầu, giúp giảm 830 triệu tấn CO₂ mỗi năm, tương đương tổng phát thải của Anh và Indonesia cộng lại. Như vậy, tiềm năng thị trường xuất khẩu hydro sạch rất cao và Việt Nam có thể tham gia cuộc chơi nếu chúng ta theo kịp bài toán công nghệ.
Việt Nam, với tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đang nổi lên như một điểm đến lý tưởng cho công nghệ xuất khẩu điện sạch qua hydro. Chúng ta cũng nhìn ra tiềm năng lớn lao này. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang xây dựng các cơ chế chính sách để thúc đẩy sản xuất và ứng dụng hydro xanh, hỗ trợ cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.
Nhiều hội thảo về hydro xanh thời gian qua đã thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế. Trong khi đó, các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc (SK Group) và Chile đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hydro xanh, tận dụng năng lượng gió và mặt trời dồi dào. Một khi giải quyết được bài toán công nghệ, chúng ta không chỉ có nguồn hydro sạch cho các nhà máy điện nhiệt trong nước (Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII nêu: Phát triển các dự án sử dụng LNG và hạ tầng nhập khẩu LNG đồng bộ với quy mô phù hợp, sử dụng công nghệ hiện đại. Thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang hydrogen khi công nghệ được thương mại hóa và giá thành phù hợp) mà còn hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu.