Từ đỉnh Fansipan nghĩ về hạnh phúc ảo

Gần sáu năm rồi tôi mới trở lại Fansipan, dù có lên Sapa vài lần. Tôi không thành kiến gì với cáp treo, nhưng với Fansipan thì khác.

 Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Năm 2011, tôi đưa 63 thành viên công ty và một số thân hữu chinh phục nóc nhà Đông Dương. Đó là chuyến đi ba ngày hai đêm để đời được kết thúc bằng một gala tổng kết, cấp giấy chứng nhận cho mọi người vì đã “vượt qua chính mình”.

Thời đó hàng chục công ty có tour leo núi Fansipan, gần như ngày nào cũng có khách. Chinh phục Fansipan trở thành niềm tự hào của những người không còn trẻ và nhiều du khách nước ngoài, có người trên 80 tuổi, có cả người khuyết tật. Đó là chất lượng ISO về ý chí, sức bền và cả tinh thần đồng đội (nếu đi theo đoàn). Một số công ty lữ hành còn xem đó là tiêu chí bắt buộc cho nhân viên để đánh giá về sự hòa nhập và để được đề bạt.

Từ lúc khởi công dự án cáp treo, tour “Chinh phục nóc nhà Đông Dương” bị sụt giảm và gần như vắng bóng kể từ khi công trình khai trương vào năm 2016. Chỉ còn vài công ty kiên trì bám trụ, dù lượng khách ngày càng ít - trekking dưới cáp treo ve ve tiếng máy chạy như cố khẳng định kỹ thuật hiện đại của con người.

Nhưng sự hiện đại ấy đã giết chết cảm giác thử thách với rừng nguyên sinh trắc trở, với thiên nhiên chân chất, tĩnh lặng, hoang dã, nồng nàn. Lên tới đỉnh thì ôi thôi thật xô bồ. Khối trụ tam giác trên đỉnh hẹp, nhấp nhô đá, chỉ đủ vài chục người chen chân giờ đã được nhân bản vô tính thêm bốn trụ y chang, có sàn gỗ và lan can cho vài trăm người lố nhố.

Khá khen cho sự kỳ công của đơn vị tạo ra dự án này. Hệ thống cáp ba dây dài gần 6.300 mét, độ chênh hơn 1.400 mét. Cabin rộng rãi, thoáng mát, chứa được 35 khách. Công suất phục vụ trên 2.000 khách/giờ. Như vậy, mỗi ngày có thể đón 20.000 khách. Thiết kế điểm du lịch đẹp, chỉ tiếc là có những công trình đặt không đúng chỗ, nhất là mấy ngôi chùa và hàng chục tượng Phật. Cả chùa và tượng như được nhân bản, na ná chùa Bái Đính hay các công trình tâm linh hoành tráng gần đây.

Trên vùng đất này, người Việt (Kinh) là thiểu số. Mỗi dân tộc có tôn giáo riêng. Ngay cả người Việt không phải ai cũng thờ Phật. Vậy nhưng đã mọc lên mấy ngôi chùa giả cổ, có vẻ gượng ép. Có chùa còn có bảo vệ đứng gác với đồng phục trắng. Dù được sắp xếp trong hành trình du lịch nhưng các du khách không thờ Phật thường né tránh vào tham quan chùa. Có người còn cảm thấy khó chịu dù họ vẫn tôn kính Đức Phật.

Ngày xưa, để leo bộ lên tới đỉnh Fansipan, giỏi cũng mất hết một ngày, còn thường thì phải mất một ngày rưỡi, và hầu như là bị vắt kiệt sức. Bây giờ chỉ cần ngồi cáp treo 20 phút, chuyển qua xe lửa chừng 10 phút, leo thêm vài chục bậc tam cấp là đã đứng trên đỉnh. Ai ai cũng rạng ngời chụp ảnh ghi dấu với trụ tam giác có dòng chữ “Fansipan 3.143m”. Nhiều người còn mang cả quốc kỳ, phất cờ như thể vừa lập nên kỳ tích dù không đổ một giọt mồ hôi.

Xưa leo bộ lên đỉnh gọi là chinh phục. Giờ ngồi cáp treo và xe lửa cũng chinh phục. Tại tiếng Việt nghèo nàn hay các nhà kinh doanh lập lờ nhắm vào thói tự sướng của người Việt? Nhìn du khách nườm nượp “chinh phục nóc nhà Đông Dương” chợt nghĩ về văn hóa ưa “đi tắt, đón đầu”; muốn hái quả mà không chịu gieo hạt, ươm mầm; muốn có bằng cấp, học vị, chức quyền mà không cần nỗ lực. Mới hiểu vì sao người Việt thích sống với những niềm vui và hạnh phúc ảo.

Có một vị kia cho rằng văn hóa này xuất phát từ Trung Quốc(?) Rằng Mao Trạch Đông từng tuyên bố: “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (chưa lên Vạn Lý Trường Thành thì chưa phải hảo hán!). Thế là dân Trung Quốc, và cả khách Việt Nam, ùn ùn leo Vạn Lý Trường Thành để tự sướng vì trở thành hảo hán! Đó là một trong những nguồn gốc của bệnh khoa trương; thói hư danh, sính bằng cấp, danh hiệu và nhiều tật xấu khác. Cũng chẳng biết thực hư thế nào!

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289979/tu-dinh-fansipan-nghi-ve-hanh-phuc-ao-.html