Tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc

Tròn 110 năm về trước, ngày 05/6/1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn- Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới  21 tuổi...

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12/1920. Ảnh tư liệu

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12/1920. Ảnh tư liệu

(baophutho.vn)

- Tròn 110 năm về trước, ngày 05/6/1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn- Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Đô đốc La Touche De Tréville với quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trên thế giới, đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Đây là bước ngoặt vĩ đại, khởi đầu cho những thắng lợi nối tiếp của Cách mạng Việt Nam, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững bước dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, hùng cường…

Chân lý thời đại!
Sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước vốn đã không đơn giản nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để dân tộc giành được độc lập, tự do còn khó khăn hơn nhiều lần. Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc tìm đường cứu nước, cứu dân. Với sự nhạy cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, chính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Nguyễn Ái Quốc đã đi qua gần 30 nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và Người đã rút ra kết luận là Chủ nghĩa đế quốc, Thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Cũng từ đây, Người đã tìm đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920 và xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức, bóc lột và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Thời gian từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Phong trào công nhân và Phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam) tại Đền Hùng. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ảnh tư liệu

Ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam) tại Đền Hùng. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ảnh tư liệu

Khi điều kiện đã chín muồi, ngày 03/02/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với Phong trào công nhân và Phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, đói nghèo và lạc hậu. Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; ngày 02/9/1945, Người đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập rèn luyện.Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Đó chính là “Đường cách mệnh” cho dân tộc ta, mà Người đã chọn. Thực tế lịch sử đã chứng minh đây là chân lý thời đại, sự lựa chọn đó là sự lựa chọn lịch sử, sự lựa chọn duy nhất đúng, không thể có sự lựa chọn thứ hai.“Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn”
Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập chưa được bao lâu, tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của Thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chi Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của Thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ngày 07/5/1954; tiếp theo là cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược, các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.Đất nước sạch bóng quân thù, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; tiếp tục phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hệ thống quan điểm về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối đổi mới, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới được bổ sung và phát triển ngày càng hoàn thiện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa quan trọng. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện. Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Hệ thống chính trị và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, mở rộng và giữ vững.

Vinh dự được nhiều lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, làm việc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn khắc ghi lời dạy của Người, xây dựng quê hương Đất Tổ ngày càng giàu mạnh.- Thị trấn Thanh Ba hôm nay. Ảnh Tú Anh

Vinh dự được nhiều lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, làm việc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn khắc ghi lời dạy của Người, xây dựng quê hương Đất Tổ ngày càng giàu mạnh.- Thị trấn Thanh Ba hôm nay. Ảnh Tú Anh

Trong bài viết “Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn!” nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế, nhưng nhìn tổng thể, có thể thấy, thế và lực của nước ta đã được tăng cường, đất nước đang khởi sắc, vận nước đang lên. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia kinh tế - văn hóa phát triển, chính trị - xã hội ổn định, có nhiều triển vọng phát triển tốt; là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới, các thị trường lớn như tiền tệ, chứng khoán và bất động sản đều hoạt động ổn định, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay…”.Kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đúng thời điểm dân tộc Việt Nam đón nhận nhiều niềm vui, phấn khởi, tự hào. Ngay sau thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức an toàn, thành công với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 98,43%. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới lâm vào tình trạng hỗn loạn, không thể kiểm soát do dịch bệnh COVID-19 thì Việt Nam vẫn đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, khiến thế giới ngưỡng mộ, nể phục. Thực tế này đã chứng minh tính ưu việt, đúng đắn của thể chế, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Từ chuyến đi lịch sử của 110 năm về trước, Bác Hồ đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam phát triển rực rỡ cho đến ngày nay. Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, mỗi người dân đất Việt Nam càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh, xây dựng và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trước mắt tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; phát huy cao độ tinh thần đoàn kết dân tộc, nỗ lực chung tay góp sức phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo cuộc sống an toàn, phát triển kinh tế bền vững. “Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn!”- Tiền đồ tươi sáng của Việt Nam khởi đầu từ hành trình ra đi tìm đường cứu nước cũng chính là tâm nguyện cả đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang trở thành hiện thực.

Trung Kiên

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/202106/tu-do-cho-dong-bao-doc-lap-cho-to-quoc-177484