Tự do hóa thị trường hàng không, cần và nên

Ngành hàng không sẽ tăng trưởng đáng kể nếu bãi bỏ bớt các quy định và thực hiện tự do hóa thị trường.

Thực tiễn thế giới và Việt Nam

Các nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều đã gặt hái lợi ích từ quá trình tự do hóa và bỏ bớt các quy định trong lĩnh vực hàng không, giúp tăng thêm lựa chọn cho các chuyến bay và giá vé phải chăng hơn. Việc tự do hóa hàng không trên toàn thế giới đã giúp đẩy mạnh cạnh tranh và đổi mới, nhiều lựa chọn hơn với giá cả thấp hơn cho du khác và mang lại lợi ích cho Việt Nam”, TS. Nuno F. Ribeiro - Giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn RMIT cho biết.

Hiện tại ở Việt Nam có năm hãng hàng không đang hoạt động gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines. Con số này vẫn chưa đủ so với nhu cầu đi lại ngày càng tăng như hiện nay và có khả năng tăng hơn nữa trong thời gian tới. Đây là ý kiến của bà Vũ Thị Thanh Hương - Trưởng đại diện Qatar Airways tại Việt Nam và Campuchia đồng thời là Chủ tịch Tiểu ban Du lịch và nhà hàng khách sạn EuroCham Việt Nam.

Bà Hương cho biết: “Chúng ta cần thêm nguồn cung hàng không để phục vụ một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam”.

“Ví dụ, đường bay Hà Nội - TP.HCM liên tục đứng trong top 5 đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới với hơn 10 triệu hành khách, trong khi đó nguồn cung hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn đến giá vé cho hành khách tăng cao như chúng ta đã thấy trong đợt Lễ 30/4 vừa qua”.

Ông Martin Koerner - Giám đốc Thương mại của khu nghỉ dưỡng The Anam kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nhấn mạnh sự thiếu hụt và chi phí cao của các chuyến bay giữa Hà Nội và những điểm đến nổi tiếng như Phú Quốc. Ông Koerner nói: “Việc không sẵn có các tuyến bay nội địa quan trọng khiến các đại lý du lịch quốc tế vấp phải không ít khó khăn vì không còn những chuyến khứ hồi, tới các điểm khác nhau từ Bắc chí Nam”.

Tuy nhiên, thực tế ngành hàng không Việt Nam hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức vì các hãng hàng không bị hạn chế về tài chính khiến hoạt động bị ảnh hưởng theo, đồng thời phải đối phó với tình trạng thiếu máy bay nghiêm trọng. Pacific Airlines và Bamboo Airways đã phải cắt giảm đội bay do vấn đề tài chính, trong đó Bamboo Airways trả lại 22 máy bay để cơ cấu lại nợ như một phần trong kế hoạch tái tổ chức hoạt động kinh doanh.

Xu hướng cắt giảm này thể hiện rõ ở đội bay của các hãng hàng không tại Việt Nam. Tính đến cuối tháng 4, số lượng máy bay đã giảm 18 chiếc so với năm trước. Số máy bay đang hoạt động hiện nay dao động từ 165-170 chiếc, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của năm ngoái. Việc dừng bay gần đây của hơn 40 máy bay Airbus Neo thuộc sở hữu của Vietnam Airlines và Vietjet do Pratt & Whitney thu hồi động cơ trên toàn cầu khiến những thách thức trong ngành càng trầm trọng thêm, làm cho nguồn cung giảm và giá vé máy bay tăng cao.

Ông Lukasz Kozlowski - Giám đốc điều hành và đồng sáng lập MakeYourAsia cũng lưu ý rằng, với việc giá vé máy bay tăng, nhiều du khách đã xem xét lại kế hoạch du lịch và lựa chọn các phương tiện di chuyển thay thế hoặc những điểm đến gần hơn. Thay đổi lựa chọn hướng tới các điểm đến có giá vé máy bay phải chăng hơn khiến doanh nghiệp Việt Nam mất đi nguồn thu quý giá.

Tự do hóa thị trường hàng không

Trước thực trạng vé nội địa tăng cao, không ít ý kiến cho rằng thị trường hàng không trong nước cần sự tham gia của các hãng nước ngoài để tăng tính cạnh tranh, giúp giảm giá vé. Hai năm gần đây, có không ít cơ hội để các nhà đầu tư ngoại gia nhập khi Pacific Airlines, Bamboo Airways hay Vietravel Airlines đều mong muốn có thêm trợ lực từ đối tác trong và ngoài nước nhưng đến nay, ba hãng đều chưa đón được dòng vốn đầu tư ngoại. Lý do các hãng bay ngoại chưa thể trực tiếp tham gia thị trường hàng không nội địa, bởi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chia sẻ với báo chí mới đây, CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam cũng cho rằng, hiện nay các hãng hàng không không dám thuê tàu bay về khai thác dù thiếu nguồn lực. Nguyên nhân là mọi chi phí đầu vào đều lên cao, doanh nghiệp chưa nhìn thấy triển vọng có lãi từ khai thác bay nội địa.

Cũng có ý kiến rằng, hiện các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều “bỏ của chạy lấy người” vì không nhìn thấy lợi nhuận khi đầu tư vào hàng không. Đơn cử như ACV quản lý 21 cảng hàng không, thì 11 sân bay lỗ, 4 hòa vốn và chỉ 6 cảng lớn có lãi.

Theo đề xuất của ông Koerner: “Việt Nam nên tập trung vào các biện pháp thúc đẩy mở rộng bền vững và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, chẳng hạn như nâng cấp hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng như sân bay Long Thành và Lào Cai, tiếp tục tham gia các hiệp định hàng không song phương và đa phương, loại bỏ các rào cản gia nhập ngành, sửa đổi quy định về sở hữu hãng hàng không, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường pháp lý, tài chính và hoạt động hỗ trợ”.

TS. Ribeiro cho rằng, việc kêu gọi các bên liên quan gồm các nhà hoạch định chính sách, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp, hỗ trợ các biện pháp nhằm tự do hóa hơn nữa thị trường hàng không Việt Nam là cần thiết. Ông tin rằng làm như vậy “sẽ cho phép Việt Nam tăng cường ngành hàng không, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố vị thế là điểm đến du lịch quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu”.

Ngoài ra, điều này còn kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra cơ hội việc làm, tạo cú hích cho du lịch và thương mại.

Theo điều 110, Luật Hàng không dân dụng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi góp vốn không quá 34%. Đồng thời, đại diện của pháp luật phải là công dân Việt Nam và người nước ngoài chiếm tối đa một phần ba thành viên trong bộ máy điều hành.

Ý Nhi- Minh Thảo

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tu-do-hoa-thi-truong-hang-khong-can-va-nen-311800.html