Tự do tôn giáo cho tín đồ dân tộc thiểu số
Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn là vùng lõi trong âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, cực đoan, trong đó vấn đề dân tộc, tôn giáo được triệt để lợi dụng để chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền, tôn giáo nhằm kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Vì vậy, công tác tôn giáo vùng DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào, vừa hạn chế sự chống phá của các thế lực cực đoan lợi dụng tôn giáo, dân tộc gây bất ổn từ bên trong ảnh hưởng đến phát triển vùng.
Tôn giáo trong vùng DTTS ở Việt Nam
Vùng dân tộc và miền núi chiếm 3/4 diện tích tự nhiên cả nước, có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, 53 DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước. Các dân tộc ở nhiều nơi nhưng tập trung đông ở 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và một số tỉnh Đông Nam Bộ. Địa bàn chủ yếu là miền núi, vùng sâu, biên giời, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, vùng DTTS có mặt nhiều tôn giáo, quá trình phát triển tôn giáo đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tín đồ một số dân tộc. Tây Bắc hiện có 3 tôn giáo là Công giáo, Tin lành, Phật giáo. Tổng số tín đồ ước trên 600 nghìn người chiếm khoảng 5% dân số toàn vùng, cụ thể: Tin lành trên 200 nghìn tín đồ, trong đó người Mông chiếm 90,5% số tín đồ Tin Lành toàn vùng, người Dao chiếm 8,5%, còn lại là 10 DTTS khác; Phật giáo có trên 130 nghìn tín đồ; Công giáo trên 300 nghìn tín đồ [1].
Tây Nguyên hiện là vùng có sự hiện diện chủ yếu của 4 tôn giáo: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài và một bộ phận rất nhỏ của Phật giáo Hòa hảo và Hồi giáo. Tổng số tín đồ trên 2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn vùng, trong đó Công giáo có khoảng 1 triệu người, Tin lành trên 578 nghìn tín đồ còn lại là các tôn giáo khác.
Tây Nam Bộ có 4 dân tộc chính là: Kinh, Khơ-me, Hoa, Chăm. Là nơi hiện hữu của hầu hết các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, nhất là các tôn giáo nội sinh như: Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn kỳ hương, Tứ ân hiếu nghĩa, Cao đài, Tịnh độ cư sỹ Phật hội… Toàn vùng có trên 6 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm khoảng 33,6% dân số toàn vùng, với trên 47 nghìn chức sắc và khoảng 4.600 cơ sở thờ tự [2]. Trong đó có một số tôn giáo phát triển mạnh và chiếm số lượng tín đồ đông trong các dân tộc như Phật giáo trong dân tộc Khơ-me.
Trong tiểu vùng Nam Trung Bộ thì Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 địa phương tập trung đông người Chăm theo tôn giáo nhất. Hiện có hơn 66 nghìn tín đồ Chăm Bàlamôn; khoảng 53.000 tín đồ Hồi giáo Bàni. Các tôn giáo khác cũng đều có tín đồ người dân tộc Chăm.
Nhìn chung niềm tin tôn giáo của tín đồ đồng bào DTTS khá sâu sắc, việc thực hiện các nghi lễ và sinh hoạt tôn giáo mang tính cộng đồng cao. Sự giao thoa hội nhập lễ nghi tôn giáo và văn hóa truyền thống của đồng bào ngày một phong phú và thể hiện rõ nét trong đời sống và sinh hoạt tôn giáo của đồng bào.
Không có phân biệt giữa tôn giáo vùng, miền, dân tộc
Ở Việt Nam không có phân biệt giữa tôn giáo vùng, miền, dân tộc, việc thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện thống nhất trong cả nước.
Để bảo đảm quyền tự do tôn giáo của tín đồ DTTS trong vùng, chính quyền đã tạo điều kiện cho đăng kí sinh hoạt tôn giáo tập trung đối với các nhóm tín đồ trên địa bàn cả tỉnh miền núi. Đến tháng 4-2019, có 13 tỉnh miền núi phía Bắc (bao gồm Thanh Hóa và Nghệ An) đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 797 điểm nhóm theo đạo Tin lành. Chấp thuận thành lập các chi hội Tin lành từ các điểm nhóm đã được cấp đăng kí sinh hoạt tôn giáo tập trung với 2 mô hình: Từ một điểm nhóm thành lập một chi hội; Từ một số điểm nhóm cùng tổ chức, tín đồ cùng ngôn ngữ, giao thông thuận lợi thành lập chi hội.
Chính quyền luôn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, chức việc, nhà tu hành là tín đồ người DTTS hoặc hoạt động tôn giáo trong vùng DTTD như: Các lớp bồi dưỡng thần học, giáo lí của đạo Tin lành; đào tạo tại các Đại chủng viện của Công giáo; Học viện, trường trung cấp, Sơ cấp, Trung cấp Pali tại các tự viện Phật giáo Nam tông Khơ-me. Việc phong phẩm, bổ nhiệm và thuyên chuyển địa bàn hoạt động đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành tại địa bàn miền núi, vùng DTTS được quan tâm, góp phần bình ổn hoạt động tôn giáo vùng. Tạo điều kiện để các tôn giáo tổ chức tốt các đại hội, hội nghị; dịch kinh sách ra tiếng dân tộc, tổ chức thánh lễ bằng tiếng dân tộc (Phật giáo, Công giáo, Tin lành) giúp tín đồ thuận lợi trong sinh hoạt tôn giáo.
Công tác hướng dẫn xây dựng, sửa chữa cơ sở tôn giáo, tạo điều kiện cho tín đồ có địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung luôn được chính quyền các cấp quan tâm giải quyết tạo sự phấn khởi, tin tưởng của chức sắc, tín đồ người dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước. Hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo của các cá nhân và tổ chức tôn giáo vùng DTTS luôn được tạo điều kiện như: khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí; nhà nội trú học sinh, các lớp nhà trẻ, mẫu giáo, các trung tâm dạy nghề cho con em người DTTS; tổ chức bếp ăn tình thương tại bệnh viện; hỗ trợ cứu trợ thường xuyên và khẩn cấp… góp phần cùng chính quyền chăm lo cho người dân, giảm tải gánh nặng xã hội.
Cùng với công tác hướng dẫn, tạo điều kiện trong hoạt động tôn giáo thì công tác vận động đồng bào tôn giáo phòng chống tệ nạn xã hội, đấu tranh chống các thế lực cực đoan lợi dụng tôn giáo vùng DTTS để chống phá Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực. Giá trị đạo đức tôn giáo được phát huy góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống đồng bào. Phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong phát hiện nhận diện và đấu tranh với các đối tượng cực đoan núp bóng tôn giáo hoạt động chống đối chính quyền, kêu gọi thành lập "Vương quốc Mông", “Nhà nước Khơ-me”, “tà đạo Hà Mòn”, “Tin lành Đề ga” nhằm ly khai, tự trị vùng DTTS. Ngăn chặn hoạt động của các “tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ” như Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ, "Đạo Bà Cô Dợ", "Hội thánh Giê Sùa", các tổ chức bất hợp pháp như Pháp Luân công, Dương Văn Mình… Thu giữ nhiều tài liệu tuyên truyền xuyên tạc, đưa các đối tượng ra kiểm điểm trước dân, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch trong việc lợi dụng tôn giáo để chống phá nhà nước.
Giải pháp tạo sự ổn định tình hình tôn giáo vùng DTTS
Vấn đề dân tộc gắn với tín ngưỡng, tôn giáo vùng DTTS là vấn đề nhạy cảm, luôn bị các thế lực chống đối triệt để lợi dụng để thực hiện mục tiêu chống phá Việt Nam. Trong khi đó, đời sống của đồng bào DTTS còn khó khăn; trình độ văn hóa và nhận thức còn thấp nên dễ bị tác động, lôi kéo, tin theo luận điệu xuyên tạc. Bản sắc văn hóa truyền thống bị mai một nhưng lại “đón nhận” các loại hình văn hóa bên ngoài, trong đó không ít loại thiếu lành mạnh. Vùng DTTS đang đứng trước thách thức về sự cạnh tranh trong môi trường truyền giáo của các tôn giáo. Người dân dễ dàng bỏ tín ngưỡng truyền thống sang theo các đạo mới, lạ. Kéo theo đó là tình trạng cải đạo, tranh giành tín đồ, địa bàn và phạm vi ảnh hưởng giữa các tôn giáo, tín ngưỡng tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Khoảng trống tâm linh xuất hiện thì tôn giáo sẽ truyền đến và phá vỡ biên giới lãnh thổ về mặt tôn giáo dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, quốc phòng nếu không được kiểm soát.
Bên cạnh đó, các thế lực cực đoan lợi dụng tôn giáo vào các hoạt động ly khai, tự trị. Hoạt động của các “hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ” liên tục thay đổi phương thức hoạt động với tên gọi thuần túy khó phân biệt. Hoạt động truyền giáo trên không gian mạng đang vượt qua các giới hạn về không gian, thời gian mà vùng DTTS là vùng khó kiểm soát nhất. Tình trạng đồng bào di cư tự do giữa các vùng, miền ảnh hưởng đến môi trường sống, tạo áp lực trong quản lý xã hội và quản lý hoạt động tôn giáo…
Trong bối cảnh đó, công tác tôn giáo, dân tộc cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, Trung ương và địa phương. Trong đó, công tác tôn giáo cần tập trung vào việc: Quán triệt và thực hiện tốt hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước về tôn giáo tới cán bộ, chức sắc, tín đồ và người dân. Quá trình thực thi pháp luật cần đảm bảo đúng chủ trương, chính sách và khai thác những điểm tương đồng, giá trị đạo đức, nguồn lực của tôn giáo góp phần ổn định tình hình tôn giáo và đóng góp vào phát triển vùng. Hạn chế những dị biệt, cản trở, mâu thuẫn xung đột liên quan đến hoạt động tôn giáo thuần túy trong vùng. Thực hiện tốt việc tuyên truyền và phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các luật chuyên ngành đến cán bộ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo giúp họ nâng cao tính tự giác trong chấp hành pháp luật và để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc để phá hoại thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam. Để thực hiện tốt các giải pháp chung và giải pháp cụ thể thì việc đảm bảo cơ chế, bộ máy và nhân lực thực hiện cần được quan tâm hơn nữa.
Các giải pháp trên không chỉ đảm bảo hoạt động tôn giáo đúng qui định, tạo môi trường ổn định, đảm bảo an ninh khu vực, nhất là tuyến biên giới mà còn đảm bảo cuộc sống người dân. Làm cho tín đồ, chức sắc thấy được trách nhiệm và quyền lợi của họ đối với phát triển vùng, không tạo cớ để các thế lực phản động lợi dụng niềm tin tôn giáo gây bất ổn. Phát huy ảnh hưởng tích cực của tôn giáo còn nhằm tạo đồng thuận xã hội, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc - tôn giáo tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS từ chính nội lực của người dân.
[1] Tổng hợp từ các báo cáo của Ban Tôn giáo các tỉnh khu vực Tây Bắc.
[2]. Tổng hợp báo cáo từ Ban Tôn giáo các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.