Từ dự án tái định cư đến câu chuyện về gìn giữ văn hóa và phát triển cho vùng đồng bào DTTS

Với mục tiêu nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống và phát triển, một số địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất triển khai các dự án tái định cư kết hợp với bảo tồn văn hóa. Theo đó, ý tưởng biến một giải pháp xã hội thành một mô hình phát triển bền vững cho đồng bào DTTS đang nhận được sự quan tâm không chỉ của người dân mà cả những người làm văn hóa và du lịch.

Bà con DTTS múa mừng lúa mới ở Tà In, Đức Trọng

Bà con DTTS múa mừng lúa mới ở Tà In, Đức Trọng

MÔ HÌNH ĐA LỢI ÍCH

Mới đây, thông tin về việc các huyện Đơn Dương, Cát Tiên, Di Linh đề xuất UBND tỉnh bố trí thí điểm khu tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, phát triển du lịch sinh thái, văn hóa ở một số thôn trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện này đã tạo được sự chú ý của nhiều cư dân bản địa và những người làm công tác văn hóa và du lịch.

Theo lập luận của các địa phương, các dự án tái định cư kết hợp du lịch sinh thái và bảo tồn văn hóa này không chỉ đơn thuần là việc xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng mà còn hướng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Theo đó, các địa phương Đơn Dương, Đức trọng, Di Linh đã đề xuất 3 dự án tại thôn Ha Ma Nhai 1, xã Pró, huyện Đơn Dương; dự án bản Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên và dự án thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh.

Từ thực tế các mô hình này ở nhiều nơi cả trong nước lẫn thế giới, có thể thấy rằng, việc kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch sinh thái mang lại rất nhiều lợi ích nếu triển khai tốt. Đối với người dân địa phương, họ được ổn định cuộc sống, có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn, đồng thời có thêm thu nhập từ các hoạt động du lịch mà vẫn không làm mai một đi những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Đối với du khách, họ có cơ hội khám phá văn hóa độc đáo của các dân tộc, trải nghiệm cuộc sống làng bản và tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên ở làng quê.

Thực tế thì Lâm Đồng là một tỉnh nhiều thành phần dân tộc nhưng không có sự áp đặt giữa dân tộc đa số với dân tộc thiểu số. Cư dân đến Lâm Đồng từ nhiều địa phương, nhiều vùng, nhiều thời kỳ khác nhau nhưng đã đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Mỗi địa phương, mỗi vùng đều có những nét văn hóa riêng nên khi đến sống xen cư, xen canh đã tạo nên một đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, khác với văn hóa truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung. Các dân tộc Tây Nguyên chính (có tỷ lệ cao) của Lâm Đồng ngày xưa đều sống theo kiểu du canh du cư tuy nhiên họ vẫn có lối kiến trúc xây dựng nhà cửa, các công trình sinh hoạt văn hóa riêng. Văn hóa đời sống, trang phục, văn hóa ứng xử… cũng có những nét rất riêng hoàn toàn có thể khai thác, phát triển. Thực tế thời gian qua, các mô hình du lịch văn hóa dân tộc ở Lâm Đồng được quan tâm đầu tư, nhưng việc phát triển chưa ổn định và chưa mang tính bền vững, cũng chưa có một khu, làng nào nổi bật tạo được điểm nhấn trong bản đồ du lịch Việt Nam.

“Đối với du lịch văn hóa, việc đào tạo đội ngũ nhân lực, những người dân bản địa có kiến thức và kinh nghiệm để làm sứ giả mang đến thông tin về lịch sử dân tộc mình, về văn hóa lễ hội, phong tục tập quán cho du khách và truyền cảm hứng đến người dân trong làng sẽ là yếu tố chính để thành công. Mô hình du lịch văn hóa làng bản hiện tại ở Lâm Đồng chỉ mới dừng lại ở việc tổ chức một số hoạt động mà chưa hình thành được những điểm du lịch văn hóa, sinh thái chất lượng và uy tín” - anh Ngô Duẩn, hướng dẫn viên du lịch chia sẻ.

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN SONG HÀNH

Mô hình “văn hóa + du lịch” đã trở thành chìa khóa giải quyết bài toán bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống người dân ở một số vùng đồng bào DTTS có nét văn hóa riêng, đặc sắc ở một số thôn thuộc tỉnh Hà Giang, Lào Cai, An Giang... Đồng bào ở một số thôn bản kết hợp mô hình này kinh tế phát triển, đời sống hiện đại, nhưng họ vẫn ý thức gìn giữ phong cách sống, nét đẹp văn hóa trang phục, lễ hội, nghề nghiệp mang tính đặc trưng văn hóa bởi họ biết, nếu mất văn hóa riêng thì sẽ không phát triển du lịch được.

Lâm Đồng là vùng đất đa văn hóa, với 43 dân tộc anh em đang sinh sống. Ba huyện Đơn Dương, Di Linh, Cát Tiên đề nghị làm thí điểm mô hình tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch cũng là 3 địa phương có những nét đặc thù văn hóa rất riêng và có những ngành nghề thủ công đặc sắc rất riêng, trong đó 3 thôn này cũng là những đại diện khá tiêu biểu cho các dân tộc ở địa phương đó.

Như đối với dự án tại thôn Ha Ma Nhai 1, xã Pró, huyện Đơn Dương, đây là một trong những thôn khó khăn nhất nhì xã Pró, có một số nghề thủ công đặc sắc và bà con ở đây chủ yếu là người dân tộc Cil. Theo đề xuất của huyện Đơn Dương thì dự án nếu được đầu tư sẽ ổn định cuộc sống cho 73 hộ dân là người đồng bào DTTS ở đây, đồng thời tạo ra không gian sống văn hóa đặc trưng.

Còn bản Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên là một trong những Khu dân cư kiểu mẫu ở huyện Cát Tiên. Bản có diện tích 29,13 ha, dân số có 25 hộ/80 khẩu, 100% người dân tộc Mạ. Là một trong những khu tái định cư có vị trí địa lý thuận lợi và phù hợp cho xây dựng khu tái định cư kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển du lịch sinh thái, cụ thể là có thể phát triển văn hóa cồng chiêng của người dân tộc Mạ, gắn với phát triển du lịch sinh thái (gần hồ Đạ Bo B). Khu này hiện cũng đang phát triển một số loại cây ăn trái.

Còn tại thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di Linh, UBND huyện này đề xuất xây dự án bảo tồn và tôn vinh văn hóa K’Ho, song song đó tập trung vào quảng bá cả các sản phẩm đặc sản địa phương. Thôn này cũng là một thôn gần như 100% đồng bào K’Ho sinh sống và vẫn còn gìn giữ được các nghề như: đan tre, nứa, dệt vải và lưu giữ được các lễ hội truyền thống…

Ông Phạm Bảo Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tại Nha Trang, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp hài hòa giữa văn hóa và thiên nhiên trong việc phát triển du lịch tại Lâm Đồng. “Mặc dù Lâm Đồng đã có những nỗ lực nhất định trong việc kết nối du lịch với văn hóa bản địa, tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa thực sự mạnh mẽ và bền vững.

Nguyên nhân chính do thiếu sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp. Việc quy hoạch hạ tầng du lịch cần được ưu tiên hàng đầu. Một hệ thống hạ tầng đồng bộ và hài hòa với văn hóa bản làng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch văn hóa, sinh thái. Bên cạnh đó, việc khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng là một yếu tố quan trọng. Sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa độc đáo, cảnh quan thiên nhiên và sự thân thiện của người dân địa phương sẽ tạo nên những trải nghiệm du lịch khó quên cho du khách” - ông Phong chia sẻ.

Ông Phong cũng cảnh báo về những tác động tiêu cực của mô hình du lịch chỉ tập trung vào việc "check-in" và chụp ảnh ở các làng văn hóa. Mô hình này dễ gây nhàm chán và không bền vững, khó có thể thu hút du khách quay trở lại. Thay vào đó, du lịch cần hướng tới việc tạo ra những trải nghiệm sâu sắc, giúp du khách hiểu hơn về văn hóa, cuộc sống con người và thiên nhiên của địa phương.

Các dự án tái định cư kết hợp với bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch văn hóa, sinh thái nếu được đầu tư đúng hướng sẽ mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và chắc chắn sẽ góp phần tạo nên một vùng nông thôn mới giàu bản sắc văn hóa và phát triển bền vững.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202409/tu-du-an-tai-dinh-cu-den-cau-chuyen-ve-gin-giu-van-hoa-va-phat-trien-cho-vung-dong-bao-dtts-dfc2b67/