Từ đứa trẻ bị bỏ rơi ở chân cầu trở thành thủ khoa đại học
Trước hoàn cảnh khó khăn và nghị lực học tập của các em, mỗi thủ khoa đại học được tặng học bổng trị giá 10 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật giá trị.
Sáng ngày 4-1, 95 thủ khoa ở các trường đại học trên cả nước đã được trao học bổng "Nâng bước Thủ khoa năm 2024".
Đây là chương trình thường niên trong chuỗi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và do báo Tiền Phong làm thường trực tổ chức.
Theo Ban tổ chức, năm nay, có hơn 350 hồ sơ của sinh viên là những thủ khoa đại học gửi đến chương trình, phần lớn do các đại học, thủ khoa đại học khu vực phía Bắc và 60 thủ khoa đại học khu vực phía Nam để trao học bổng. Cạnh đó, có 5 sinh viên từng nhận học bổng những năm trước và duy trì thành tích học tập tốt cũng tiếp tục được nhận học bổng trong dịp này.
Mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật giá trị. Chương trình diễn ra cùng lúc tại hai điểm cầu Hà Nội và TP.HCM.
Các thủ khoa đại học nhận học bổng đều là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, có những em dù đối mặt với những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng các em đã biến nghịch cảnh đó thành động lực, luôn nỗ lực học tập để trở thành thủ khoa các ngành, các trường đại học.
Tại đây, lấy nước mắt của nhiều người tham dự chương trình là hoàn cảnh của em Lê Văn Lộc (sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM). Lộc đến từ tỉnh Quảng Ngãi, em sinh ra là một đứa trẻ bị ba mẹ bỏ rơi tại chân cầu Bà Tá (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Em được một đôi vợ chồng thợ hồ tìm thấy lúc đang còn đỏ hỏn, bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch.
Sau đó, nhờ vào sự yêu thương, đùm bọc của các sơ ở cô nhi viện Phú Hòa, Lộc đã được nuôi nấng, chăm sóc và được nhiều hỗ trợ từ mạnh thường quân để đến trường học.
Chưa đầy một tuổi, Lộc được đưa đi phẫu thuật đóng khoảng hở vòm môi. Sau đó, em phải trải qua 2 ca phẫu thuật chỉnh hình khác nhưng vết sẹo vẫn còn.
Em nghẹn ngào khiến nhiều người rơi nước mắt: “Khoảng thời gian trước, em tự tự ti về mọi thứ. Em nghĩ ba mẹ em bỏ đi là một thiếu sót. Tại sao ba mẹ sinh ra rồi bỏ rơi và mình mang hình hài không may mắn”. Nhưng rồi Lộc đã cố gắng, có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, giao lưu nên tinh thần cởi mở hơn.
“Tự ti, mặc cảm hoài thì cuộc đời không phát triển được. Từ đó, em thay đổi bản thân để không phụ sự giúp đỡ của các sơ và quý ân nhân” – Lộc nói.
Với nghị lực này, Lộc đã trúng tuyển ngành Quan hệ công chúng - Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Lộc tự tin giữ chức bí thư, lớp phó của lớp và là đại sứ sinh viên của nhà trường.
Hay như với Trần Ngọc Anh Thy, sinh viên năm nhất khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) có hoàn cảnh đặc biệt khi bố mất vì mắc bệnh hiểm nghèo lúc Thy mới được 17 tháng tuổi.
Thế nhưng, Thy đã lấy tình yêu thương, vất vả của mẹ để làm động lực cố gắng học tập, từ nhỏ đến lớn để làm vui lòng mẹ và vươn lên từng ngày.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-dua-tre-bi-bo-roi-o-chan-cau-tro-thanh-thu-khoa-dai-hoc-post828435.html