Tự dưng tê bì, đau và tím vùng cẳng bàn chân, người đàn ông không ngờ phải cắt cụt đùi
Thấy vùng cẳng chân đau ngày càng nhiều hơn, tê bì, nam bệnh nhân tự điều trị tại nhà khoảng một tuần không đỡ mới đến viện và bất ngờ khi nghe bác sĩ chẩn đoán khả năng phải cắt cụt chi…
Ngày 11-7, thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, tuần trước, các bác sĩ viện này đã tiếp nhận trường hợp người bệnh M.Đ.N (65 tuổi, Nga Sơn, Thanh Hóa) được chuyển từ tuyến dưới lên với chẩn đoán nguy cơ cắt cụt chi cao.
Qua khai thác, ông N. có tiền sử đau bắp chân nhiều tháng trước nhưng không đi khám bệnh. Từ hơn 1 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân đau cẳng chân nhiều lên, tự điều trị tại nhà nhưng không cải thiện nên đi khám ở bệnh viện tỉnh.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán tê bì, đau nhức, tím vùng cẳng bàn chân trái đổ xuống, thiếu máu bán cấp cẳng bàn chân bên trái, nguy cơ cắt cụt chi cao. Sau đó, người bệnh được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chẩn đoán bệnh nhân M.Đ.N. thiếu máu không phục hồi cẳng bàn chân trái, chỉ định cắt cụt đùi.
Ông N. được được phẫu thuật cấp cứu cắt cụt 1/3 giữa đùi trái, phần chi thể cắt bỏ được chuyển xuống khoa giải phẫu bệnh để làm sinh thiết. Sau khi ổn định, người bệnh được chuyển từ khu hậu phẫu về khoa Phẫu thuật Chi dưới điều trị tiếp. Hàng ngày, người bệnh được điều dưỡng thay băng, theo dõi tình trạng toàn thân và mỏm cụt. Sau 3 ngày điều trị, người bệnh được chuyển bệnh viện tỉnh để tiếp tục điều trị và theo dõi hàng ngày.
Đáng nói, người bệnh mới chỉ xuất hiện tê bì, đau và tím lạnh vùng cẳng bàn chân trái một tuần trước khi đến bệnh viện tỉnh, nhưng vì không đến cơ sở y tế kịp thời khi có triệu chứng bệnh nên từ một trường hợp thiếu máu mãn tính chuyển thành một trường hợp thiếu máu bán cấp và thiếu máu không hồi phục khiến người bệnh phải cắt cụt chi.
BSCKII Vũ Trường Thịnh, Khoa Phẫu thuật Chi dưới - Bệnh viện Việt Đức cho biết, nếu trường hợp này để muộn hơn nữa thì cẳng bàn chân sẽ hoại tử ướt, gây ra nhiễm trùng nhiễm độc cho người bệnh và có thể dẫn tới tử vong.
Cũng theo bác sĩ Thịnh, 6-10 tiếng là thời gian vàng để can thiệp kể từ khi người bệnh xuất hiện đau và tê bì ở bắp chân lần đầu. Trong khoảng thời gian đó, người bệnh nên khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được làm thăm dò sâu hơn nhằm phát hiện bệnh sớm.