Từ đường mòn thành đại lộ

Đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, biểu tượng của ý chí cách mạng mà cả dân tộc đã xây dựng nên. Nay, đường Hồ Chí Minh đã và đang mở ra giai đoạn phát triển mới.

Ngày 19.5.1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở con đường chiến lược để đưa người và vận chuyển hàng phục vụ chiến trường miền Nam, lấy tên là “Đường Hồ Chí Minh”. Đường Hồ Chí Minh ra đời góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thêm sức mạnh và niềm tin để quân dân ta quyết tâm đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xe ta thêm một vòng quay, miền Nam bớt được một ngày đau thương

Tháng 5.1970, chiếc xe tải mui bằng vải bạt chở đoàn cán bộ dân chính từ trạm điều dưỡng cán bộ “B” K15 ở thị xã Hà Đông, thủ phủ của tỉnh Hà Tây cũ, vào tận làng Ho, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ đây, chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ dọc theo con đường mòn. Tôi không nhớ rõ đã vượt qua bao nhiêu rừng rậm, bao nhiêu đèo dốc, suối khe và núi non hiểm trở mới đến được Khu ủy Trị - Thiên.

Thời điểm đó, Mỹ đã thất bại nặng nề trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, vì vậy mà những đợt B52 rải thảm, bom tọa độ, rồi đèn dù, pháo sáng từ máy bay C130 cũng gia tăng. Nhưng vượt qua tất cả, những đoàn xe tải chở hàng kín mít lá ngụy trang, chỉ lộ ra dòng chữ Xe ta thêm một vòng quay, miền Nam bớt được một ngày đau thương được các chiến sĩ lái xe đã viết lên thành xe của mình, vẫn len lỏi lăn bánh.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk - Nguồn: baodaklak.vn

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk - Nguồn: baodaklak.vn

Vào Khu ủy Trị - Thiên được hai tháng, tôi được phân công về Báo “Cứu Nước”, cơ quan của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Quảng Trị, đóng tại Nam Hướng Hóa - nơi có con sông Tà Rụt trong xanh thơ mộng. Đây là địa điểm để anh em trong các Ban của Khu ủy gặp nhau mỗi khi đi tăng gia về vừa tắm giặt, câu cá, vừa nắm tình hình chiến sự ở đồng bằng. Bởi sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch tăng cường đàn áp cơ sở cách mạng, những chuyến “rời cứ” về đồng bằng gặp rất nhiều khó khăn. Còn ở Trường Sơn lúc này hầu như đông người hơn, rạo rực hơn trong khí thế “chỉnh quân, chỉnh cán”; đặc biệt là trên các tuyến đường mòn, những đoàn người vẫn hối hả hành quân, những đoàn xe chở lương thực, vũ khí vẫn rì rầm lăn bánh theo các hướng chiến trường chuẩn bị cho chiến dịch mới…

Tới chiều 1.5.1972, chúng tôi nhận được tin vui: Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Tất cả được lệnh chuyển về đồng bằng từ đấy.Không còn mấy ai nghĩ đến con đường.

Muốn phát triển phải bắt đầu từ những con đường

Đến năm 2019, tôi mới có dịp trở lại Trường Sơn đi trên con đường huyền thoại từ Bến Tắt lên Đakrông vào Húc Nghì, Tà Long, Tà Rụt, đến A Lưới, Kon Tum… Con đường mòn nhỏ, len lỏi dưới những tán rừng năm xưa giờ đã thành đại lộ, thảm nhựa phẳng lì, thênh thang, rừng hai bên đường vừa xanh trở lại sau những cơn mưa đầu mùa, dòng Đakrông rộn ràng tiếng nước ào qua bờ đá, tung bọt trắng reo vui…

Xe lướt nhanh trên con đường êm thuận và trong tầm nhìn thăm thẳm. AnhPhạm Cầu - một “lính xế” đã nhiều năm gắn bó với tuyến đường đưa điện về vùng sâu vùng xa, nói chắc nịch: “Muốn miền núi phát triển phải bắt đầu từ những con đường”. Vâng, phải bắt đầu từ những con đường. Mấy mươi năm chiến tranh, bắt đầu của chúng ta là những con đường dọc ngang chạy suốt miền Tây len lỏi giữa đại ngàn, chìm lấp dưới bóng lá, men theo suối khe những chuyến xe chở người và của vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng vạn cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong đã góp sức làm nên đường Trường Sơn xuyên qua núi cao rừng rậm, vượt Chư Yang Sin, nối tận Đắk Mil, Lang Biang đến Đồng Xoài…

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng, Chính phủ đã quyết tâm đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh để “con đường huyền thoại” tiếp tục viết lên những thành tựu mới trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Đường Hồ Chí Minh đóng vai trò trục dọc thứ hai bảo đảm vận tải Bắc - Nam liên tục và từng bước hòa vào hệ thống đường xuyên Á.

Ngày 5.4.2000, dự án đường Hồ Chí Minh được chính thức phát lệnh khởi công giai đoạn 1 tại cầu Xuân Sơn, tỉnh Quảng Bình. Theo Nghị quyết số 38/2004/NQ-QH11 của Quốc hội về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh, tổng chiều dài toàn tuyến đường là 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km; tuyến nhánh phía Tây dài 500km), điểm đầu là Pác Bó, Cao Bằng, điểm cuối là Đất Mũi, Cà Mau; quy mô từ 2 - 8 làn xe tùy thuộc địa hình. Dự án đường Hồ Chí Minh đến nay đã hoàn thành hơn 90%, dự kiến đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành, nối thông tuyến để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây đổi thay đến đó. Nhiều bản làng thâm u của hàng chục năm trước giờ thành phố xá đông vui. Đất lành chim đậu, con người tụ hội về mà nên phố nên phường. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã thực sự phát huy tác dụng - góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng sâu, vùng xa, đánh thức tiềm năng và phát huy nội lực, phân bố lao động những khu vực mà nó đi qua, tạo tiền đề cho công cuộc phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh - quốc phòng, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.

Phan Sáu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/tu-duong-mon-thanh-dai-lo-i372182/