Tư duy của những người hạnh phúc nhất thế giới
Sau nhiều năm sống ở Phần Lan, một chuyên gia tâm lý rút ra được những bài học và triết lý sống để trở nên hạnh phúc giống người dân bản địa.
"Sisu" là một khái niệm và cách sống được đan xen trong văn hóa Phần Lan suốt 500 năm qua. Khái niệm này nhấn mạnh về sự quyết tâm và lòng dũng cảm, cụ thể là sự can đảm để tiến về phía trước khi đối mặt với nghịch cảnh, theo CNBC.
Trong 6 năm liên tiếp, Phần Lan giữ vị trí số một trong xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Dành gần cả đời gắn bó với quốc gia này, thạc sĩ, chuyên gia tâm lý E. Elisabet Lahti, tin rằng sisu đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và khả năng duy trì tư duy tích cực của người dân nơi đây,
Từ lối sống sisu, bà Lahti đưa ra một số lời khuyên như sau.
Tìm kiếm mục đích lớn hơn để cố gắng
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Angela Duckworth, chúng ta có thể chịu đựng nhiều hơn khi chúng ta hướng tới những điều có thể góp phần xây dựng cho thế giới bên ngoài của chính chúng ta.
Để thu thập dữ liệu trực tiếp về sisu cho nghiên cứu tiến sĩ, bà Lahti đã hoàn thành chuyến chạy bộ dài hơn 2.400 km khắp New Zealand. Bà đã dành riêng chuyến chạy bộ này để nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi hoặc muốn bỏ cuộc, bà sẽ chuyển sang mục đích lớn hơn để lấy động lực tiến về phía trước.
Bài học mà chuyên gia tâm lý rút ra là khi bạn đón nhận thử thách mới hoặc cần sức mạnh để tiếp tục làm điều gì đó, hãy tìm một mục đích lớn hơn để kết nối. Mục đích đó có thể là gia đình, bạn bè, một người truyền cảm hứng cho bạn hoặc một lý do bạn đang hướng đến.
Không ngừng thử thách bản thân
Trước khi thực hiện chuyến chạy bộ ở New Zealand, bà Lahti đã luyện tập gần như mỗi ngày trong 2 năm liền. Ngay cả khi không muốn, bất kể mưa hay nắng, bà vẫn không bỏ thói quen này.
Khi đó, bà rút ra được một điều là sự luyện tập và chuẩn bị giúp việc khai thác sisu từ bên trong mỗi người trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, bà Lahti trích dẫn các nghiên cứu cho thấy cơ thể con người có những nguồn dự trữ tiềm ẩn, cơ thể sẽ sử dụng khi cần thiết.
"Vì vậy, càng thử thách bản thân, chúng ta càng có nhiều thói quen giúp củng cố khả năng phục hồi", bà Lahti nhấn mạnh.
Kết nối với thiên nhiên và tự chữa lành
Thạc sĩ E. Elisabet Lahti từng cho rằng để thành công, bà phải khắt khe với chính mình. Trong thời gian tập luyện, bà từng chạy gần 50 km trong 12 ngày liên tiếp. Bà đã tự hỏi mình nên từ bỏ hay tiếp tục cố gắng để phá kỷ lục của bản thân.
Cuối cùng, bà quyết định đưa ra một lựa chọn hoàn toàn khác là để cơ thể tự chữa lành. Ngay cả khi giảm tốc độ, bà vẫn có thể đạt được mục tiêu chạy 2.400 km bằng cách kết hợp chạy bộ và đạp xe.
Do không còn bị áp lực về mặt tốc độ, bà có cơ hội dành nhiều thời gian để ngắm nhìn, khám phá cảnh vật xung quanh chuyến đi.
Tại Phần Lan, đi bộ và đi bộ đường dài, hòa mình với thiên nhiên cũng là một phần cốt lõi trong văn hóa. Hoạt động này giúp con người có được sự bình tĩnh và tìm thấy cảm giác hạnh phúc bên trong tâm hồn vào những thời điểm khó khăn.