Tư duy mới, hành động quyết liệt để Thủ đô cất cánh

Sau 4 lần tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, Hội nghị 'Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển' vừa qua được coi là một cú huých lớn khẳng định quyết tâm của hệ thống chính trị Thành phố để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế gấp 1,3 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước. Quan điểm trước đây 'Hà Nội không vội được đâu' giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển.

Phải chuyển trạng thái từ “Hà Nội không vội được đâu” sang “Hà Nội không vội không xong”!

Không hiểu vì lý do gì, những năm trước đây, khi nhắc đến giải quyết thủ tục hành chính, người dân thường có câu cửa miệng “Hà Nội không vội được đâu”. Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đã đến lúc phải chuyển hóa sang trạng thái mới “Hà Nội không vội không xong” để xây dựng Thủ đô không chỉ vươn lên thành một trong hai đầu kinh tế của đất nước mà còn xứng tầm khu vực, đủ sức cạnh tranh với các Thủ đô lớn trong khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp

Và để biến mục tiêu trên thành hiện thực, bên cạnh đẩy mạnh nguồn lực cho đầu tư, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố con người, trong đó điều đặc biệt quan trọng phải tạo ra đội ngũ cán bộ lãnh đạo với 5 chữ “tinh”: Tinh thông trong công việc, tinh nhuệ trong hành động, tinh gọn về bộ máy, tinh túy về chất lượng cán bộ và tinh ý (tức là hiểu được người dân, doanh nghiệp đang cần gì). Đồng thời, Thủ tướng mong muốn Hà Nội hành động, thực hiện một cách nhất quán phương châm hợp tác đầu tư và phát triển, không để đây chỉ là khẩu hiệu suông. Hợp tác ở đây không chỉ là với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn là hợp tác với các địa phương trong Vùng Thủ đô, với cả nước và quốc tế để phát triển. Thành công của Hà Nội cũng chính là thành công chung cho tất cả các địa phương, Vùng Thủ đô cũng như cả nước và ngược lại, “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Phấn đấu 100% các dự án được trao chứng nhận đầu tư

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Thành phố phấn đấu sẽ thực hiện 100% các dự án được trao chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của thành phố, của các quận, huyện, thị xã; các dự án liên kết Hà Nội với các tỉnh, thành phố; các dự án giải quyết bức xúc của nhân dân Thủ đô như chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường; các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề...

Ngay sau Hội nghị, thành phố sẽ có những hướng dẫn cụ thể về các quy trình, thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư đã được trao quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án.

Ông Vương Đình Huệ chia sẻ: “Có câu muốn đón được đại bàng thì phải có tổ lớn, muốn có cá to thì phải có ao sâu”, Hà Nội sẽ chuẩn bị thật tốt để có thể thu hút được những nhà đầu tư lớn; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vừa và nhỏ…

Bí thư Hà Nội thông tin thêm, sau hội nghị này, Thành phố sẽ tiếp tục chủ động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ hơn nữa để lựa chọn được các nhà đầu tư phù hợp, có công nghệ tiên tiến, các dự án sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, các dự án sẵn sàng kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Nhà nước và thành phố Hà Nội thăm mô hình quy hoạch Thành phố

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Nhà nước và thành phố Hà Nội thăm mô hình quy hoạch Thành phố

Ông Vương Đình Huệ cho rằng, những mục tiêu trên là chiến lược rất tham vọng và nhiều thách thức, nhưng Hà Nội sẽ quyết tâm thực hiện bằng những nỗ lực ngay từ bây giờ. Trước mắt, Thành phố sẽ tập trung thể chế hóa các cơ chế đặc thù, về dài hạn, thành phố sẽ tổng kết và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô; kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với yêu cầu phát triển; tập trung phủ kín quy hoạch phân khu trên địa bàn, trong đó có quy hoạch phân khu sông Hồng.

“Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đến năm 2025, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế, có thu nhập bình quân đầu người đạt từ 13.000 -14.000 USD; đến năm 2045, trở thành thành phố của nước Việt Nam phát triển, thành phố toàn cầu có thu nhập cao”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bên lề và trong Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao hiệu quả của Hội nghị và cho rằng Hà Nội là địa phương có tiềm năng và cơ hội rất lớn trong việc xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.Đặc biệt, Hà Nội đang được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nhờ nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, coi đó là khâu đột phá trong xây dựng chính quyền phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đánh giá, Hà Nội có nhiều đột phá, tăng hơn 40 bậc trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vươn lên nằm trong top 10. Hà Nội cùng với Quảng Ninh cũng đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong trong triển khai các dự án hợp tác công tư (PPP). Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử được đẩy mạnh, Hà Nội cũng “xanh và nhiều hoa hơn” theo đánh giá của người dân, du khách. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, sơ bộ tại Hội nghị, Hà Nội sẽ ký kết các biên bản với vốn đầu tư hơn 40 tỷ USD, đây là những dự án có chất lượng đầu tư cao, sau khi thực hiện sẽ tạo bước phát triển đột phá cho Hà Nội.

Để thực hiện thành công các dự án trên và đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới thì hoạt động xúc tiến đầu tư tốt nhất, hiệu quả nhất là phải phục vụ tốt các doanh nghiệp hiện có. Bởi chính các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Hà Nội chính là những người xúc tiến tốt nhất cho Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Lộc, có một thực tế là tính tiên phong của lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn ở tốp dẫn đầu nhưng sự thân thiện của một bộ phận công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao. Mỗi dự án đầu tư thường phải qua nhiều khâu, từ phê duyệt chủ trương đến nghiên cứu quy hoạch, tìm kiếm địa điểm, giao đất…, nếu một khâu “chậm chuyển động”, một “mắt xích chưa được đánh giá cao”, cả quy trình sẽ bị kéo chậm lại. Điều này khiến doanh nghiệp lỡ cơ hội, tăng chi phí đầu tư và xã hội mất đi một nguồn lực. Hậu quả của sự “chậm chuyển động” không thể đo đếm được.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đánh giá, những năm gần đây Hà Nội thường xuyên trực tiếp đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó có việc hỗ trợ các thủ tục đầu tư về mặt pháp lý, cung cấp thông tin minh bạch thuận lợi. Hà Nội cũng thành lập riêng một trung tâm xúc tiến đầu tư, là kênh chính thức hỗ trợ các nhà đầu tư. Ngoài cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh của Hà Nội cũng từng bước được cải thiện trong thời gian qua.

Ông Mạc Quốc Anh dẫn chứng, những năm trước khi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp thường mất 20 ngày nhưng giờ đây chỉ mất 1-10 ngày, tiết kiệm một cách đáng kể chi phí, nguồn lực, thời gian cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phát huy vai trò là trung tâm liên kết vùng, nơi giao thương kết nối các tỉnh thành, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh, hiện đại với cơ sở hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện; là trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo ra chuỗi giá trị liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội. Tất cả những lợi thế trên đã thu hút các nhà đầu tư tới Hà Nội thời gian qua. Với những thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Hà Nội một lần nữa đã khẳng định là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Góp ý để Hà Nội thu hút đối tượng này, ông Mạc Quốc Anh cho rằng: Với các nhà đầu tư nước ngoài, nhu cầu đầu tiên chính là thông tin về mặt chính sách, cơ chế, thị trường. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin cần phải được thực hiện minh bạch và cần sự công bằng trong ưu đãi. Khi các doanh nghiệp nước ngoài vào cần có các doanh nghiệp phụ trợ hỗ trợ, đây cũng là giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Ngoài ra các doanh nghiệp FDI này cũng rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, vì vậy các trường đại học nên đào tạo chuyên sâu đặc biệt là đào tạo nghề; có đơn vị cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp này; các ngân hàng cần tăng cường hợp tác doanh nghiệp FDI để giải quyết các giải pháp tài chính.

Tại hội nghị lần này, thành phố Hà Nội đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn trên 405.000 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Trong đó có 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016.Các dự án đầu tư này, tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8 ha; 800 nghìn m2 nhà ở xã hội; 03 khu đô thị; Du lịch - dịch vụ; trụ sở văn phòng; văn hóa - xã hội; tài chính - ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông… Tổng số 229 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án trao Quyết định chủ trương tại Hội nghị gồm có 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; nhóm các dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất tại Hội nghị có 19 dự án với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng tỷ đồng (Những dự án này sẽ được Thành phố hoàn thiện hồ sơ trong Quý III/2020); nhóm 107 dự án đầu tư công của Thành phố đang được 05 Ban quản lý dự án Thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt với số vốn 45.567 tỷ đồng. Phấn đấu hết Quý III khởi công toàn bộ các dự án đầu tư công của Thành phố. Đến 31/12/2020, hoàn thành 78/107 dự án. Cũng tại hội nghị này, Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó: 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).

Góp ý với Hà Nội về chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đại diện Công ty Tài chính Quốc tế IFC cho rằng, các “bệ phóng” đối với Hà Nội đã có sẵn, cùng với môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện trong những năm qua là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư FDI trong thời gian tới. Tuy nhiên, Hà Nội cần tái định vị, chuyển ưu thế từ nguồn nhân lực giá rẻ sang lao động có tay nghề cao; chuyển từ thu hút đầu tư thụ động sang chủ động, thu hút đầu tư có mục tiêu và chuyển từ ưu đãi về thuế sang ưu đãi đối với các ngành đầu tư ưu tiên...

Cũng liên quan góp ý chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần chú trọng nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Theo các tổ chức lao động quốc tế đánh giá, công nghệ thông tin và tự động hóa đang tác động rất lớn đến khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam và Hà Nội.

Cũng theo các tổ chức này, trong thời gian tới công nghệ thông tin tiếp tục có tốc độ phát triển mạnh. “Thực tế, trong 5 năm qua, công nghệ thông tin đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Thủ đô Hà Nội hiện có lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin rất lớn, chiếm 39% của cả nước. Nhu cầu lao động trong lĩnh lực công nghệ thông tin của Hà Nội cũng ngày càng tăng” – ông Nhạ cho hay. Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp để tạo được sự gắn kết giữa Hà Nội – Đào tạo – Doanh nghiệp.

Trong đó, ông Nhạ đề nghị Hà Nội cần có nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về lao động công nghệ thông tin, bởi đây là điều kiện để phát triển kinh tế số Thủ đô trong giai đoạn tới. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

“Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đã ban hành chương trình đào tạo thí điểm, trong đó kết hợp giữa đào tạo trong trường và đào tạo doanh nghiêp”, ông Nhạ nói và cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng chuẩn hóa chương trình đào tạo; tăng cường kiểm định chất lượng; xây dựng cơ sở dữ liệu để thống kê cung cầu. Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần chủ động đặt hàng, phối hợp với cơ sở đào tạo; hợp tác công - tư để nâng cao năng lực đào tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên có các hỗ trợ cho công tác đào tạo như học bổng, học phí…

Nguyễn Công – Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tu-duy-moi-hanh-dong-quyet-liet-de-thu-do-cat-canh-109863.html