Tư duy phản biện là gì?

Đúng/sai tuyệt đối là việc của các chuyên gia hoặc quan tòa, không nằm trong việc rèn luyện tư duy của cá nhân.

Một tuyên bố được hỗ trợ tốt bởi lý lẽ và bằng chứng được gọi là một luận cứ. Và luận cứ là đơn vị cơ bản biến tư duy trừu tượng trong đầu mỗi cá nhân thành những biểu hiện ngôn ngữ nhằm thuyết phục người khác rằng điều tôi nghĩ là đúng.

Ở chiều ngược lại, thông qua luận cứ, người khác cũng có thể đánh giá bạn đang tư duy mạch lạc hay không, từ đó đánh giá mức độ đúng đắn trong quan điểm của bạn nhằm ra quyết định có đồng tình với bạn hay không (như bố mẹ tôi đã thẳng thừng từ chối tôi vậy).

Thế nên, luận cứ cũng là đơn vị cơ bản của bộ môn Tư duy phản biện.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Yan Krukau/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Yan Krukau/Pexels.

Theo định nghĩa được tổ chức National Council for Excellence in Critical Thinking đưa ra vào năm 1987, tư duy phản biện là quá trình phát triển tư duy thông qua việc rèn luyện một cách có kỷ luật. Từ đó hình thành những khái niệm, đánh giá, phân tích để định hướng cho các hành động và niềm tin của cá nhân.

Việc đánh giá, phân tích và định hướng khó lòng diễn ra nếu như thiếu đi đơn vị để triển khai là luận cứ. Vì thế việc thụ đắc Tư duy phản biện phải xuất phát từ việc luyện tập một cách nghiêm túc về luận cứ.

Toàn bộ cuốn sách này được cấu trúc thành năm chương nhằm hướng dẫn các vấn đề cơ bản của luận cứ:

Luận cứ là gì? Gồm những bộ phận nào? Làm thế nào để phân tách và đánh giá các bộ phận đó?
Tại sao lại có những luận cứ đó? Nguồn gốc nào khiến người lập luận chọn đưa ra luận cứ đó chứ không phải luận cứ nào khác?
Khi triển khai luận cứ vào từng lĩnh vực/trường hợp cụ thể để tư duy phản biện về chúng, ta cần chú ý những gì? Kết hợp các luận cứ để thể hiện thành quan điểm cá nhân ra sao?

Trước khi bắt đầu cuốn sách, tôi và các bạn cần thống nhất vài quy tắc (để tránh cảnh chúng ta sớm chuyển sang trạng thái cãi nhau):

Quy tắc 1: Chỉ có luận cứ mạnh hoặc yếu, không có luận cứ đúng hoặc sai. Đúng/sai tuyệt đối là việc của các chuyên gia hoặc quan tòa, không nằm trong việc rèn luyện tư duy của cá nhân. Luận cứ mạnh hay yếu nằm ở sự cẩn trọng và chặt chẽ của người dựng lên luận cứ đó.

Bạn cũng sẽ gặp rất nhiều lần cụm từ “tôi không biết về...” xuất hiện trong cuốn sách này. Một người có tư duy phản biện không phải người biết tất cả mọi thứ (từ vật lý lượng tử đến kinh tế học vi mô) mà là người có thể tạm thời đánh giá thông tin mình nhận được có mức độ đáng tin cậy đến đâu dựa trên sự cẩn trọng và chặt chẽ ở trên và luôn sẵn sàng truy vấn thêm để có thể phản biện và hoàn thiện những “điểm đáng ngờ” trong luận cứ của người khác. Và để có thể phát hiện đâu là “điểm đáng ngờ”, làm thế nào có thể đánh giá một cách rõ ràng “điểm đáng ngờ”, bạn cần cả một hành trình rất dài.

Quy tắc 2: Luận cứ có thể tường minh hoặc không. Một cô gái không mặc áo ngực khi ra đường cũng có thể đang ngầm đưa ra luận cứ nào đó về nữ quyền. Nhiệm vụ của người tìm hiểu luận cứ là tìm cách lấp đầy “những khoảng trống trong luận cứ”, nhưng đừng nghĩ cách diễn giải của mình là duy nhất đúng. Một luận cứ ít tường minh là cơ hội cho ta phát triển khả năng đối thoại cùng người khác.

Quy tắc 3: Có nhiều góc nhìn về cùng một chủ đề, tức là có nhiều luận cứ mà cùng lúc ta phải xem xét khi nhìn nhận một vấn đề. Chẳng hạn như vấn đề đánh bả chó mèo hoang, ta sẽ thấy những luận cứ của bên ủng hộ tuyệt đối khác biệt với các luận cứ của bên phản đối. Cũng có thể có những luận cứ trung dung hơn từ phía chính quyền, những người phải lo lắng nhiều việc phức tạp hơn chó mèo hoang. Điều quan trọng là đừng kết luận bên nào đúng trước khi đọc kỹ luận cứ của tất cả các bên.

Lang Minh/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-duy-phan-bien-la-gi-post1493380.html