Tư duy số thúc đẩy chuyển đổi số
Chuyển đổi số là tiến trình đòi hỏi sự kiến tạo, sáng tạo của chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức hướng đến mục tiêu 'gốc rễ': chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Tuy nhiên, hiện nay tiến trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đang gặp một số rào cản, thách thức tại một số địa phương, doanh nghiệp.
Những “điểm nghẽn” lớn
Chúng ta có thể cùng đồng thuận: Chương trình chuyển đổi số quốc gia triển khai cụ thể Nghị quyết 52/2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ tư, trong đó, CĐS là một phương tiện chủ đạo, là một chủ trương đúng đắn, tiên phong và cách mạng. Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tiến trình này trong bối cảnh hiện thực còn nhiều hạn chế, rào cản.
CĐS là phương tiện giúp thay đổi hoạt động hiệu quả. Song, thực tế tại nhiều địa phương, doanh nghiệp cho thấy, CĐS đang được nhìn nhận như chuyện phát sinh thêm, ngoài công việc chuyên môn, ngoài mục tiêu chính trị, kinh tế mà đang thực hiện. Điều này dẫn đến xác định CĐS như chuyện mới, chỉ cần giao cho một bộ phận thực hiện là xong. Tư duy này đang là rào cản, thách thức khiến CĐS khó thực hiện thành công. CĐS không riêng lẻ mà đang bao trùm lên tất cả hoạt động, công việc thường ngày, đi sâu và gắn kết trong quá trình. Do vậy, các bên liên quan cùng đồng hành trên cơ sở cơ chế thống nhất.
Chúng ta đang khuyến khích những nền tảng mở, dữ liệu mở, dữ liệu đầy đủ, kịp thời và chất lượng để những công cụ như AI có thể hoạt động được, để phát triển dịch vụ công trực tuyến… Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay, dữ liệu không mở, nền tảng không mở, chúng đang bị khu bộ khiến cho mong muốn áp dụng nền tảng công nghệ hiện đại nhất thúc đẩy tiến trình CĐS đang “tắc nghẽn”.
Một thách thức khác là vấn đề nhân lực. Chúng ta thiếu nhân lực chuyên môn sâu cho nhiệm vụ tư vấn, đào tạo, thực hiện tiến trình CĐS. Nhưng, hiện việc đào tạo về CĐS đang bị thu hẹp trong một số nhóm công việc nhất định, cán bộ thực hiện nhiệm vụ có chỗ là kiêm nhiệm, chuyển ngạch ngang, tạo ra những điểm trống và điểm yếu lớn.
Nghị quyết 52 khẳng định, CĐS là phương thức để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. CĐS mang tính tiến trình, không phải là mục tiêu, mô hình, không có mẫu nào để mang từ đơn vị, doanh nghiệp này sang đơn vị, doanh nghiệp khác áp dụng. Hiểu chưa đúng về điều này dẫn đến thực trạng ở nhiều nơi có sự trông chờ, nhìn nhau để học hỏi.
Là một tiến trình, CĐS đòi hỏi sự kiến tạo, sáng tạo trong triển khai hướng đến mục tiêu “gốc rễ” được đề cập trong Nghị quyết 52. Đó là, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Với doanh nghiệp, mô hình tăng trưởng được cụ thể trong việc nâng cao năng suất đến từ sự đột phá về mặt giá trị; mở rộng thị trường, thị phần.
Chuyển đổi nhận thức: ưu tiên hàng đầu
Chưa hiểu rõ vấn đề trên, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức không thấy được rõ lợi ích dẫn đến không làm hoặc làm đối phó, làm phong trào. Không hiểu rõ được bản chất sẽ đụng đâu làm đó, không hiểu mục đích thực sự của mình sẽ nhìn xung quanh làm theo; không hiểu được phương cách sẽ vừa làm vừa tính nên có thể càng làm càng rối hoặc sai… Để giải quyết được những điều đó, thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, chúng tôi đề xuất bộ công thức giải pháp với 5 trụ cột.
Đầu tiên và quan trọng nhất là biết rõ. Đừng bỏ qua hoặc coi thường lý luận, lý thuyết; cần chậm lại để hiểu rõ nội hàm từ đó chuyển đổi nhận thức, hiểu rõ lợi ích để thực hiện thực chất. CĐS là một cuộc cách mạng tư duy để thay đổi hình thái tổ chức, ứng dụng hiệu quả công nghệ vào các tiến trình hoạt động tạo ra sự đột phá giá trị đưa đến đột phá năng suất. Trong đó, dữ liệu là nền tảng, cơ sở và là nguồn lực quyết định.
Thứ hai là nắm chắc, nắm được bản chất tránh đụng đâu làm đó, trong đó phải học cách để có thể tư duy số thay thế cho tư duy alanog; lấy kiến tạo thể chế, cải cách bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, thiết kế quy trình làm việc đầu tiên để thích nghi với phần mềm, ứng dụng công nghệ hiện đại. Nếu không đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy công nghệ là phương tiện, con người là trung tâm, là chủ thể đóng vai trò quyết định thì CĐS vẫn “tắc nghẽn” khó mang lại hiệu quả, thông suốt.
Thứ ba là hiểu sâu để hành động cho đúng tránh kiểu nghĩ gì làm nấy và thu nhận lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức. Lợi ích đến từ đâu? Lợi ích đến từ dữ liệu, ai nắm được dữ liệu, phân tích dữ liệu sẽ nhận được lợi ích. Chất lượng dữ liệu đóng vai trò trọng tâm, quyết định do đó phải kết nối dữ liệu hiệu quả, đồng bộ và cộng hưởng. Hiểu sâu được như vậy, chúng ta giải quyết được vấn đề cốt lõi, mục tiêu chính thay vì dàn trải hoặc chỉ đi vào các nội dung bề mặt…
Thứ tư là muốn gì để tránh làm theo kiểu ngó xung quanh làm gì mình làm theo. CĐS là phương tiện để hoàn thành mục tiêu nên phải lồng ghép chuyển đổi số vào trong các mục tiêu kinh tế-chính trị-xã hội. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sự chuyển đổi tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển đổi cách tạo ra giá trị.
Cuối cùng là làm gì để biết rõ phải dựa vào đâu, tránh việc làm đại. Cần bắt đầu thực hiện CĐS từ nền tảng thực tế của doanh nghiệp, đơn vị và xác định chuyển đổi số là một dự án đầu tư để, định hình lại doanh nghiệp, tạo ra giá trị mới, năng lực cạnh tranh mới. Trên cơ sở đó, tìm kiếm, ứng dụng công nghệ phù hợp, cho đúng, cho đủ với doanh nghiệp.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tu-duy-so-thuc-day-chuyen-doi-so-691939.html