Từ Geneva đến Paris: Về vấn đề tự chủ chiến lược hiện nay
Rút kinh nghiệm từ Hội nghị Geneva, Việt Nam đã nêu cao bài học độc lập tự chủ, tư tưởng đối ngoại nền tảng của Hồ Chí Minh trong đàm phán tại Paris. Đó cũng chính là tự chủ chiến lược mà giới nghiên cứu quốc tế đang bàn luận sôi nổi hiện nay.
Từ Hội nghị Geneva
Ngày 08/05/1954, đúng một ngày sau chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ, Hội nghị về Đông Dương khai mạc tại Geneva với sự tham dự của chín đoàn: Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia. Việt Nam nhiều lần kiến nghị mời đại diện lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia tham dự Hội nghị nhưng không được chấp nhận.
Về bối cảnh và ý đồ của các bên tham gia Hội nghị, có thể nhấn mạnh, Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ đã phát triển lên đỉnh cao. Cùng với Chiến tranh Lạnh là chiến tranh nóng ở bán đảo Triều Tiên và Đông Dương; xuất hiện xu hướng hòa hoãn quốc tế. Ngày 27/07/1953, chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, Triều Tiên chia cắt tại vĩ tuyến 38 như cũ.
Tại Liên Xô, sau khi J. Stalin qua đời (tháng 03/1953), ban lãnh đạo mới do Khrushchev đứng đầu điều chỉnh chiến lược đối ngoại: đẩy mạnh hòa hoãn quốc tế để tập trung các vấn đề nội bộ. Về Trung Quốc, bị thiệt hại sau chiến tranh Triều Tiên, nước này lên kế hoạch năm năm lần thứ nhất phát triển kinh tế - xã hội, muốn chấm dứt chiến tranh Đông Dương; cần có an ninh phía Nam, phá thế bị bao vây, cấm vận do Hoa Kỳ áp đặt, đẩy Hoa Kỳ ra xa lục địa châu Á và phát huy vai trò nước lớn trong giải quyết các vấn đề quốc tế, trước hết là vấn đề châu Á…
Nước Pháp sau tám năm chiến tranh hao người, tốn của muốn ra khỏi chiến tranh trong danh dự và vẫn giữ được quyền lợi của mình ở Đông Dương. Mặt khác, trong nội bộ, lực lượng chống chiến tranh, đòi thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh tăng cường gây sức ép. Nuớc Anh không muốn chiến tranh Đông Dương lan rộng, ảnh hưởng đến việc củng cố Khối thịnh vượng chung ở châu Á và ủng hộ Pháp.
Chỉ riêng Hoa Kỳ, không muốn có thương lượng, ra sức giúp Pháp đẩy mạnh cuộc chiến, tăng cường can thiệp. Mặt khác, Hoa Kỳ muốn lôi kéo Pháp tham gia hệ thống phòng thủ Tây Âu chống Liên Xô nên ủng hộ Pháp, Anh tham gia Hội nghị.
Trong bối cảnh trên, Liên Xô đề xuất họp hội nghị tứ cường gồm ngoại trưởng Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh và Pháp tại Berlin (từ ngày 25/01-18/02/1954) bàn vấn đề Đức, song thất bại, nên chuyển sang bàn vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Do bàn vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, nên Hội nghị nhất trí mời Trung Quốc tham gia theo đề xuất của Liên Xô.
Đối với Việt Nam, ngày 26/11/1953, khi trả lời phóng viên Svante Lofgren của báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sẵn sàng tham gia thương lượng về việc đình chiến.
Sau 75 ngày đàm phán cam go với 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các tiếp xúc ngoại giao dồn dập, Hiệp định được ký kết ngày 21/07/1954, gồm ba hiệp định đình chiến tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị gồm 13 điểm. Đoàn Hoa Kỳ từ chối ký kết.
Nội dung chính của Hiệp định là các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia; đình chỉ chiến sự, cấm đưa vũ khí, nhân viên quân sự, lập căn cứ quân sự nước ngoài; tiến hành tổng tuyển cử tự do; Pháp rút quân chấm dứt chế độ thuộc địa; vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời tại Việt Nam; lực lượng kháng chiến Lào có hai khu tập kết Bắc Lào; lực lượng kháng chiến Campuchia giải ngũ tại chỗ; Ủy ban Giám sát và Kiểm soát quốc tế gồm Ấn Độ, Ba Lan, Canada…
So với Hiệp định Sơ bộ ngày 06/03 và Tạm ước ngày 14/09/1946, Hiệp định Geneva là một bước tiến lớn và một thắng lợi quan trọng. Pháp đã phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và rút quân khỏi Việt Nam. Một nửa nước ta được giải phóng, trở thành hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn và thống nhất đất nước sau này.
Hiệp định có ý nghĩa to lớn, tuy nhiên, còn có một số hạn chế. Hiệp định để lại những bài học đắt giá cho ngoại giao Việt Nam như độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh quân sự chính trị, ngoại giao; nghiên cứu chiến lược… và đặc biệt là tự chủ chiến lược.
Trong trả lời báo Expressen ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “… Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Chính phủ Pháp”. Nhưng Việt Nam lại tham gia thương lượng đa biên và chỉ là một trong chín bên nên khó bảo vệ lợi ích của riêng mình. Như Thượng tướng GS. Hoàng Minh Thảo đã nhận xét: Đáng tiếc là chúng ta ngồi đàm phán tại một diễn đàn đa phương do các nước lớn chi phối và Liên Xô, Trung Quốc cũng có những tính toán mà ta chưa hiểu được thấu đáo nên thế thắng của Việt Nam chưa được phát huy ở mức cao nhất.
Đến Hội nghị Paris về Việt Nam
Đầu những năm 60, thế kỷ XX, tình hình quốc tế có những phát triển quan trọng. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tiếp tục củng cố và phát triển, song mâu thuẫn Xô - Trung ngày càng gay gắt, phân liệt trong phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế càng sâu sắc.
Phong trào độc lập dân tộc tiếp tục phát triển mạnh ở châu Á, châu Phi. Sau thất bại tại vịnh Con Lợn (năm 1961), Mỹ từ bỏ chiến lược “trả đũa ồ ạt”, đề ra chiến lược “phản ứng linh hoạt” nhằm vào phong trào giải phóng dân tộc.
Áp dụng chiến lược “phản ứng linh hoạt” ở Nam Việt Nam, Mỹ tiến hành “chiến tranh đặc biệt”, nhằm xây dựng quân đội Sài Gòn mạnh với cố vấn và trang bị, vũ khí Mỹ.
“Chiến tranh đặc biệt” có nguy cơ bị phá sản, nên đầu năm 1965, Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng và Chu Lai, mở đầu “chiến tranh cục bộ” ở Nam Việt Nam. Đồng thời, ngày 05/08/1964, Mỹ còn bắt đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hội nghị Trung ương 11 (tháng 03/1965) và 12 (tháng 12/1965) khẳng định quyết tâm và đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau thắng lợi phản công hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đảng ta quyết định chuyển sang chiến lược “vừa đánh vừa đàm”. Đầu năm 1968, chúng ta tiến hành tổng tiến công và nổi dậy, tuy không thành công, song đã giáng một đòn chí mạng, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
Ngày 31/03/1968, Tổng thống Johnson buộc phải quyết định chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng cử đại diện đối thoại với VNDCCH, mở ra cuộc đàm phán Paris (từ ngày 13/05/1968- 27/01/1973). Đây là cuộc thương lượng ngoại giao vô cùng cam go, dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Hội nghị diễn ra trong hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ ngày 13/05-31/10/1968: Đàm phán giữa VNDCCH và Mỹ về việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc Việt Nam.
Giai đoạn thứ hai từ ngày 25/01/1969-27/01/1973: Hội nghị 4 bên về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngoài Đoàn VNDCCH và Đoàn Mỹ, Hội nghị có sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP)/Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT) và chính quyền Sài Gòn.
Từ giữa tháng 07/1972, Việt Nam chủ động chuyển sang đàm phán thực chất nhằm ký kết Hiệp định sau khi giành thắng lợi chiến dịch Xuân - Hè 1972 và bầu cử tổng thống Mỹ đến gần.
Ngày 27/01/1973, các bên đã ký kết một văn bản chính là Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam với 9 chương và 23 điều, cùng 4 nghị định thư và 8 hiểu biết, đáp ứng bốn yêu cầu của Bộ Chính trị, đặc biệt quân Mỹ rút, quân ta ở lại.
Đàm phán Paris để lại nhiều bài học lớn cho ngoại giao Việt Nam là độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại; ngoại giao là một mặt trận; nghệ thuật đàm phán; đấu tranh dư luận; nghiên cứu chiến lược, nhất là độc lập tự chủ.
Rút ra bài học từ Hội nghị Geneva năm 1954, Việt Nam tự hoạch định và triển khai đường lối kháng chiến chống Mỹ, cũng như đường lối đối ngoại, chiến lược sách lược ngoại giao độc lập tự chủ, song luôn phối hợp với các nước anh em. Việt Nam trực tiếp đàm phán với Mỹ... Đây chính là nguyên nhân cơ bản nhất của thắng lợi ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các bài học này vẫn còn nguyên giá trị.
Tự chủ chiến lược
Bài học độc lập tự chủ trong đàm phán Paris (1968-1973) phải chăng liên quan đến vấn đề tự chủ chiến lược mà giới học giả nghiên cứu quốc tế đang tranh luận hiện nay?
Theo từ điển Oxford, “chiến lược” liên quan đến việc nhận diện các mục tiêu hay lợi ích lâu dài và các công cụ để đạt được các mục tiêu đó; còn “tự chủ” phản ánh khả năng tự quản trị, sự độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. “Tự chủ chiến lược” chỉ sự độc lập, tự lực của một chủ thể trong việc xác định cũng như thực hiện các mục tiêu và lợi ích quan trọng, dài hạn của mình. Nhiều học giả đã khái quát hóa và đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về tự chủ chiến lược.
Thực ra, tư tưởng tự chủ chiến lược đã được Hồ Chí Minh khẳng định từ lâu: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. Trong Lời kêu gọi nhân ngày Tết Độc lập 02/09/1948, Người mở rộng khái niệm: “Độc lập mà không có quân đội riêng, ngoại giao riêng, kinh tế riêng. Nhân dân Việt Nam quyết không thèm thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy”.
Như vậy, không chỉ dân tộc Việt Nam độc lập, tự chủ, thống nhất và toàn vẹn về lãnh thổ mà ngoại giao, đối ngoại của dân tộc cũng phải độc lập, không bị bất kỳ thế lực, lực lượng nào chi phối. Trong quan hệ giữa các đảng Cộng sản, công nhân quốc tế, Người xác định: “Các đảng dù lớn dù nhỏ đều độc lập và bình đẳng, đồng thời đoàn kết nhất trí giúp đỡ lẫn nhau”.
Người còn làm rõ mối liên hệ giữa viện trợ quốc tế và tự lực cánh sinh: “Các nước bạn ta, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc ra sức giúp đỡ ta một cách vô tư, khảng khái, để chúng ta có thêm điều kiện tự lực cánh sinh”. Để tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, trước hết phải phát huy độc lập, tự chủ: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.
Độc lập, tự chủ là tư duy nổi bật, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguyên tắc nền tảng của tư tưởng đó là “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. Giữ vững độc lập, tự chủ vừa là đường lối, vừa là nguyên tắc bất biến tư tưởng Hồ Chí Minh.
Rút kinh nghiệm đàm phán Geneva, Việt Nam đã nêu cao bài học độc lập tự chủ trong đàm phán Hiệp định Paris, là tư tưởng đối ngoại nền tảng của Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là tự chủ chiến lược mà giới nghiên cứu quốc tế đang bàn luận sôi nổi hiện nay.
1. Thượng tướng, GS. Hoàng Minh Thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ với Hội nghị Geneva”, sách Hiệp định Geneva 50 năm nhìn lại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 43.