Từ gỗ thừa… đến tác phẩm nghệ thuật
Xuất thân từ làng nghề mỹ nghệ Bắc Ninh nên từ nhỏ anh Nguyễn Đình Đức rất đam mê nghệ thuật điêu khắc gỗ. Bởi vậy, khi vào khu phố Ninh Thịnh, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh sinh sống, lập nghiệp, anh đã dày công sưu tầm gốc gỗ quý từ các nhà vườn để chế tạo thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Và từ những phôi gỗ xù xì, tưởng chừng sẽ vứt đi thì qua ý tưởng sáng tạo cùng bàn tay khéo léo của những người thợ đã 'hô biến' thành tác phẩm sống động, độc lạ.
Nếu không phải là dân đam mê nghệ thuật thì nhìn từ bên ngoài xưởng là hàng chục gốc cây, rễ cây cũ kỹ, vô tri vô giác trông giống như một đống gỗ phế thải không ai để ý. Thế nhưng với người đam mê, đôi mắt nhìn tinh tế thì những gốc, rễ phôi này lại là tác phẩm nghệ thuật sau khi được chế tác. “Tôi rất mê sản phẩm từ gỗ nên đi chơi ở đâu, địa phương nào đều để ý sưu tầm hoặc mua, thu gom các phôi gỗ tận thu của nhà vườn. Sau đó liên hệ với anh em thợ cho ý tưởng, chế tác, đục đẽo tạo ra sản phẩm nghệ thuật thỏa mãn niềm đam mê của mình” - anh Đức chia sẻ.
Để tạo ra một tác phẩm độc đáo, sống động, ngoài năng khiếu thì người thợ phải có niềm đam mê cháy bỏng, sáng tạo, góc nhìn nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ. Có thế người thợ mới nhìn thấy, cảm nhận được các phôi gỗ tưởng chừng sẽ bỏ đi để thổi hồn, tạo nên một tác phẩm sống động, đậm chất nghệ thuật.
Anh Vũ Văn Báo, người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề chia sẻ: Để có được tác phẩm nghệ thuật từ gỗ, điều quan trọng nhất là người thợ phải có tâm và sự sáng tạo. Bởi từ một gốc phôi xù xì chưa định hình sẽ làm gì nhưng nếu khách hàng muốn theo yêu cầu của họ thì phần lớn là ý tưởng sáng tạo của mình.
Để có tác phẩm gỗ đẹp cần rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là ý tưởng. Trên cơ sở tổng diện cơ bản tác phẩm, mình trao đổi với thợ rồi vừa chế tác vừa nghiên cứu, chỉnh sửa cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Tác phẩm gỗ phải “kể” được câu chuyện mà mình muốn.
Anh NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC
khu phố Ninh Thịnh, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh
Những gốc, thân, rễ cây thành hình hài sinh động, độc đáo, khác biệt mang tính thẩm mỹ cao đã tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức của người chế tác. Từ hình thành ý tưởng đến việc cưa, cắt, đục đẽo, mài giũa, chỉnh sửa, chà nhám, sơn… nên có tác phẩm phải mất vài năm mới hoàn thiện. Ngoài thẩm mỹ, những phôi gỗ được anh Đức sưu tầm đều là gỗ quý không nứt, mối mọt, có độ bền cao và hương thơm ngọt ngào.
Qua nhiều năm sưu tầm, chế tác, hiện khu trưng bày của gia đình anh Đức có hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật gỗ điêu khắc nhưng tất cả đều không trùng hoặc giống nhau. Có tác phẩm mini chỉ bằng ngón chân cái, nhưng cũng có tác phẩm phải hai người ôm. Đặc biệt, dù qua tác động của bàn tay con người nhưng phần lớn tác phẩm đều giữ lại chút tự nhiên vốn có của nó như các khối nu, u, vân, thế đứng.
Ngoài thỏa mãn niềm đam mê, tham gia các hội chợ triển lãm làng nghề, gia đình anh Đức còn nhận gia công và bán sản phẩm cho những người có đam mê nghệ thuật điêu khắc, chơi phong thủy để lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp trong cuộc sống.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/146757/tu-go-thua-den-tac-pham-nghe-thuat