Từ 'góc bếp mẹ Noo' đến thương hiệu Pika Pika

'Pika'- tiếng Nhật Bản có nghĩa là long lanh, lấp lánh. Lựa chọn tên gọi mang ý nghĩa này đặt cho thương hiệu sản phẩm dinh dưỡng trẻ em, những người sáng lập 'Pika Pika', trong đó có Lê Thị Thanh Lộc, muốn hướng tới những điều tốt đẹp nhất dành cho thế hệ tương lai. Ý nghĩa của 'Pika' kết hợp logo hình vương miện cũng ngầm định vị mục tiêu sẽ là thương hiệu số 1 trên thị trường của dòng sản phẩm này.

 Hành trình khởi nghiệp của Thanh Lộc luôn có sự hỗ trợ, đồng hành của mẹ (người đứng giữa) - Ảnh: NVCC

Hành trình khởi nghiệp của Thanh Lộc luôn có sự hỗ trợ, đồng hành của mẹ (người đứng giữa) - Ảnh: NVCC

3 tháng và 22 chi nhánh

Đây là con số ấn tượng về phát triển thị phần trong thị trường thực phẩm dành cho trẻ em, một lĩnh vực không dễ đầu tư bởi đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng phủ sóng khắp các tỉnh, thành trong nước. Và đặc biệt hơn khi Pika Pika ra đời, phát triển rực rỡ đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 đang khiến đa phần cơ sở sản xuất, kinh doanh đều bị thu hẹp hoặc hoạt động cầm chừng.

Công ty Thực phẩm Pika Pika có mặt ở thị trường vào tháng 9/2021 nhưng đến tháng 10/2021 đã bắt đầu chạy show với lễ khai trương chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Hiện công ty có 12 chi nhánh ở tỉnh Quảng Trị, 4 chi nhánh ở tỉnh Quảng Bình, 4 chi nhánh ở Thủ đô Hà Nội và 2 chi nhánh ở thành phố Đà Nẵng.

Tính trung bình, mỗi tháng công ty mở 7 cửa hàng. "Chỉ thời gian trả lời điện thoại với đại diện các chi nhánh để chuẩn bị kế hoạch cho từng lễ khai trương đã khiến tôi kín lịch, chưa kể hàng loạt công việc mỗi ngày mà một giám đốc sản phẩm phải thực hiện", Thanh Lộc (sinh năm 1993), ở Khu phố 5, Phường 1, thành phố Đông Hà, Giám đốc Sản phẩm Công ty Pika Pika chia sẻ. Dù bận rộn đến mức mỗi ngày Lộc chỉ có khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ để nghỉ ngơi nhưng niềm đam mê, cảm hứng trong công việc khiến cô luôn tràn đầy năng lượng tích cực.

 Lê Thị Thanh Lộc hướng dẫn cách lựa chọn, chế biến rau củ làm nước dùng daishi cho cốt cháo, soup - Ảnh: NVCC

Lê Thị Thanh Lộc hướng dẫn cách lựa chọn, chế biến rau củ làm nước dùng daishi cho cốt cháo, soup - Ảnh: NVCC

Cơ duyên đến với nghề nấu cháo dinh dưỡng của Lộc bắt đầu từ chuyện bé Noo (con gái đầu lòng của cô) kén ăn, còi cọc buộc người mẹ trẻ này phải siêng lên mạng mày mò, tìm kiếm những món ăn dinh dưỡng, hấp dẫn dành cho con. Lợi thế của Lộc là có mẹ rất thích nội trợ và khéo tay nên có công thức, cách chế biến món ăn nào cô sưu tầm về cho bé Noo đều được bà ngoại trổ tài thành công.

Mỗi lần thấy con gái ăn ngon lành, Lộc phấn khởi chụp ảnh, quay video đăng facebook "khoe" thành tích mẹ con, bà cháu và nhận được sự động viên nhiệt tình của bạn bè, người thân; nhiều mẹ có con nhỏ bận bịu công việc bắt đầu ngỏ ý đặt cháo nhờ Lộc nấu giúp. Từ đó, "Bếp mẹ Noo" ra đời, khởi nguồn cho một thương hiệu thực phẩm ngon, lạ trên thị trường dinh dưỡng dành cho trẻ em sau này.

Thanh Lộc tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Huế năm 2015. Trước khi bán cháo dinh dưỡng, Lộc chủ yếu kinh doanh hàng hóa online. Vì thế, cô biết tận dụng lợi thế của internet và mạng xã hội để khai thác, truyền tải thông tin. Lộc đã đăng ký tham gia nhiều lớp học về dinh dưỡng trẻ em bằng hình thức trực tuyến. Ban đầu, việc nấu cháo được Lộc kết hợp cùng việc bán hàng qua mạng, chủ yếu nấu theo đơn đặt hàng khách quen, bạn bè với hình thức mỗi ngày nấu một món cháo theo hương vị truyền thống của gia đình chứ không chế biến sẵn như các cửa hàng cháo dinh dưỡng thông thường trên phố.

"Khách đặt cháo chủ yếu là khách quen, thích cách chế biến thực phẩm cho trẻ theo kiểu handmade nhưng lại không có thời gian để thực hiện nên mới đặt mình nấu. Được mọi người tin tưởng nên tôi luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi cách chế biến các loại cháo đảm bảo dinh dưỡng và hấp dẫn nhất, không chạy theo số lượng, không nấu đại trà mà lựa chọn nguyên liệu thực phẩm tươi sống để chế biến. Thực đơn mỗi bữa đều được tôi đưa lên công khai trên trang bán hàng của mình để các mẹ vào xem và đặt hàng. Cách làm này khiến tôi tốn nhiều thời gian hơn nhưng bù lại tạo được sự chủ động cho "Bếp mẹ Noo" và khách hàng; vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, lại vừa có thể đổi vị liên tục cho bé nên các mẹ yên tâm", Lộc chia sẻ.

Song song với công việc trên, Lộc bắt đầu mở các lớp học trực tuyến chế biến thực phẩm cho một số học viên trong toàn quốc khi có một số người muốn học cách nấu cháo của “Bếp mẹ Noo”.

Làm mới sản phẩm cũ

Cơ hội phát triển đến với Lộc khi một doanh nhân ở Hà Nội gọi điện đặt vấn đề hợp tác xây dựng thương hiệu.

Ông Long Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Pika Pika cho biết: “Hiếm có người làm sản phẩm nào lại làm việc có tâm, trách nhiệm và đam mê sản phẩm như Lộc”. Ấn tượng của ông Tâm bắt đầu từ bát cháo dinh dưỡng mà ông tình cờ mua về cho con ăn khi đưa gia đình về thăm quê Lạng Sơn vào đầu năm 2021.

"Con tôi rất biếng ăn nên khi nhìn con ăn một cách ngon lành bát cháo, vợ chồng tôi rất ngạc nhiên. Vốn người kinh doanh nên tôi rất tò mò. Tôi đã quay lại quán cháo ấy tìm hiểu. Khi tôi ngỏ ý xin học nghề thì chị chủ quán cháo dinh dưỡng này cho biết chị cũng chỉ là học trò, người dạy chị nấu cháo ở tỉnh Quảng Trị nên cho tôi số điện thoại, địa chỉ để liên lạc", ông Tâm nhớ lại.

 Thực đơn của "Pika Pika" - Ảnh: L.T

Thực đơn của "Pika Pika" - Ảnh: L.T

Sau nhiều cuộc điện thoại đàm phán, đặt vấn đề, ngay trong lần gặp mặt đầu tiên ông Tâm đã chuyển số vốn đầu tư ban đầu 300 triệu đồng để phát triển sản phẩm. "Khi tôi đưa tiền về nói với mọi người trong nhà là tiền đối tác đầu tư, chuẩn bị thành lập công ty kinh doanh thực phẩm trẻ em thì không ai tin. Ai cũng sợ tôi bị lừa. Riêng tôi thì nghĩ đây là cơ hội để mình thử sức", Lộc thông tin thêm.

Trên cách nấu cháo mà Lộc đang thực hiện, ông Tâm đã thuê chuyên gia thẩm định chất lượng để xây dựng công thức riêng, đảm bảo cân bằng hàm lượng các chất dinh dưỡng. Kết hợp truyền thống và hiện đại, cả Lộc và ông Tâm đều có chung ý tưởng là phát triển sản phẩm ở phân khúc cao cấp; kết hợp nhiều nguyên liệu thượng hạng chưa có trong sản phẩm cháo dinh dưỡng trên thị trường như cua hoàng đế, ba ba, tôm Alaska, tôm hùm, kỳ nhông, bào ngư, tổ yến...; sử dụng rau củ organic để làm nước dùng daishi cho cốt cháo, soup. Mức giá sản phẩm của Pika Pika từ 25.000 - 99.000 đồng/suất, tùy loại.

"Nhiều người có suy nghĩ, thời điểm khó khăn do COVID-19, người dân đều cắt giảm chi tiêu, bán cháo cao cấp, đắt như thế thì ai mua. Nhưng tôi và Lộc có chung quan điểm, đó là xuất phát từ chính bản thân (cũng là người làm cha, làm mẹ) luôn muốn lựa chọn cho con mình những sản phẩm tốt nhất nên sẽ không lo về nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, thị trường cháo dinh dưỡng trẻ em chủ yếu theo xu hướng bình dân nên phát triển dòng sản phẩm cao cấp, chúng tôi sẽ không bị đụng hàng. Minh chứng hiện nay là đã có hàng trăm khách hàng sử dụng ví điện tử nộp tiền triệu để đặt suất ăn nguyên cả tháng cho con”, ông Tâm phân tích.

Không dừng lại ở sản phẩm cháo dinh dưỡng cao cấp, Pika Pika đã có thêm các sản phẩm khác như bún, phở, cơm, mỳ, soup, các loại sữa hạt… Bên cạnh đó, Pika Pika cũng thể hiện sự khác biệt khi có chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết theo quý bằng cách mời bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng từ các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe trong nước về tư vấn, khám dinh dưỡng cho trẻ định kỳ theo quý ở từng chi nhánh. Tận dụng tối đa sự lan tỏa của thời đại công nghệ số, Pika Pika cũng hướng tới mở rộng quy mô chuỗi chi nhánh sang một số nước trên thế giới. Hiện công ty bắt đầu chiêu sinh nhận học viên tham gia các lớp học chế biến thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ bằng hình thức online từ một số phụ nữ Việt kiều sinh sống các nước trong khu vực Đông Nam Á.

“Khởi nghiệp trước hết là đổi mới, dám nghĩ, dám làm. Khi muốn khởi nghiệp, điều bạn cần xem xét là làm thế nào để kết hợp năng lực của bản thân nhằm thực hiện được những ý tưởng mà bạn cho là đổi mới. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn nhưng tôi cảm thấy mình rất may mắn bởi đã tìm được những cộng sự cùng chung tư tưởng, đồng thời được gia đình ủng hộ", Thanh Lộc chia sẻ.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164711&title=tu-goc-bep-me-noo-den-thuong-hieu-pika-pika