Từ hàng loạt vụ đầu độc bằng xyanua, giải pháp nào ngăn chặn?

Để ngăn chặn những vụ đầu độc bằng xyanua, rất cần sự phân công trách nhiệm phù hợp giữa các ngành, lĩnh vực, trong quản lý hóa chất nguy hiểm.

Mua – bán xyanua phải có phiếu kiểm soát

Trước thực trạng hàng loạt các vụ đầu độc bằng xyanua diễn ra thời gian qua, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) để tìm hiểu rõ hơn về mức độ độc hại cũng như quy trình quản lý loại hóa chất nguy hiểm này.

Theo đó, thông tin chung về xyanua, trao đổi với Báo Công Thương, ông Phạm Huy Nam Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết: Xyanua là các hợp chất hóa học có chứa nhóm cyano (C≡N), bao gồm một nguyên tử carbon liên kết ba với một nguyên tử nitơ.

Các hợp chất của xyanua được sử dụng trong nhiều ngành sản xuất như mạ vàng, bạc, đồng hoặc các kim loại khác; khai thác vàng; sản xuất sơn, bột vẽ, dệt nhuộm; xử lý bề mặt trong sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất thuốc trừ sâu, dệt may, nhựa, mạ điện, làm sạch kim loại và loại khoải quặng.

Các hợp chất của xyanua là chất có độc tính cao, có thể gây chết người ở liều lượng thấp (Ảnh minh họa)

Các hợp chất của xyanua là chất có độc tính cao, có thể gây chết người ở liều lượng thấp (Ảnh minh họa)

“Các hợp chất của xyanua là chất có độc tính cao, có thể gây chết người ở liều lượng thấp. Khi tiếp xúc hoặc hít phải xyanua, con người có thể mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như rối loạn thần kinh, hô hấp, tiêu hóa và gây hại cho hệ thống tim mạch. Ngoài ra, xyanua cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi thâm nhập vào đất và nguồn nước, ảnh hưởng đến các sinh vật sống trong môi trường đất” – đại diện Cục Hóa chất thông tin.

Liên quan đến những quy định quản lý xyanua, theo lãnh đạo Cục Hóa chất, tại Điều 31, Điều 63, Điều 64 của Luật Hóa chất quy định, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý hóa chất sử dụng trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; ban hành và quản lý hoạt động hóa chất thuộc Danh mục hóa chất không được sử dụng để sản xuất sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý.

“Trong lĩnh vực công nghiệp, do có nhiều ứng dụng như đã nêu ở trên, việc nhập khẩu, mua bán… xyanua để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội được phép thực hiện nhưng được pháp luật quy định chặt chẽ” – ông Phạm Huy Nam Sơn khẳng định.

Xyanua và các hợp chất của xyanua thuộc phụ lục II danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ban hành tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất được sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục II Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh xyanua trong lĩnh vực công nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật; chuyên môn, phương án sản xuất, kinh doanh… và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép.

Các hợp chất của xyanua thuộc phụ lục IV Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất ban hành tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP

Đặc biệt, “chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng các hợp chất của xyanua với khối lượng tồn trữ tại một thời điểm lớn hơn hoặc bằng ngưỡng khối lượng 5.000 kg phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với tất cả các hóa chất nguy hiểm mà dự án có hoạt động và trình Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thẩm định, phê duyệt trước khi chính thức đưa dự án vào hoạt động” – đại diện Cục Hóa chất thông tin và cho biết: Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ, sử dụng các hợp chất của xyanua với khối lượng tồn trữ tại một thời điểm nhỏ hơn ngưỡng khối lượng 5.000 kg phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất.

Xyanua và các hợp chất của xyanua thuộc phụ lục V Danh mục hóa chất phải khai báo ban hành tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP.

Các hóa chất thuộc phụ lục V Danh mục hóa chất phải khai báo, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện khai báo, kết quả được trả tự động trên Hệ thống một cửa quốc gia, đối với các hóa chất cần kiểm soát đặc biệt gồm: N2O, các hợp chất của xyanua, thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và phản hồi thông tin khai báo hóa chất nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân khai báo trong thời gian 16 giờ làm việc.

Như vậy, các quy định đã nêu rõ, việc mua, bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất năm năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Một người phụ nữ ở Đồng Nai vừa đầu độc 4 người thân bằng xyanua

Một người phụ nữ ở Đồng Nai vừa đầu độc 4 người thân bằng xyanua

Xử lý nghiêm hành vi mua-bán hóa chất cấm

Tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Điều 17, 18 của Nghị định 71/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi theo hướng nâng mức phạt tiền và tăng thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép đối với vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép và kiểm soát hóa chất hạn chế.

Trong đó, hành vi cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng Giấy phép và hành vi bán hóa chất hạn chế cho tổ chức, cá nhân mua để kinh doanh nhưng không đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh hóa chất hạn chế bị tước quyền sử dụng Giấy phép từ 3 đến 6 tháng; hành vi sản xuất, kinh doanh không đúng địa điểm, quy mô, chủng loại hóa chất ghi trong Giấy phép bị tước quyền sử dụng Giấy phép từ 6 đến 12 tháng (thay vì từ 1 đến 3 tháng như trước đây). Tổ chức, cá nhân vi phạm các hành vi nêu trên hoặc kinh doanh mà không có giấy phép đều phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, phân định thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực hóa chất đối với các chức danh Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện, các chức danh thuộc lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan cũng được mở rộng để phát huy vai trò của các cơ quan quản lý, tăng cường hậu kiểm.

Quy định thì đã rõ ràng, nhưng thời gian qua hiện tượng mua-bán hóa chất độc vẫn diễn ra, gây ra những tác động xấu cho xã hội. Từ thực tiễn đó, đại diện Cục Hóa chất cho rằng, tới đây cần có sự phân công trách nhiệm phù hợp giữa các ngành, lĩnh vực để đảm bảo không chồng chéo nhưng cũng không để khoảng trống trong quản lý hóa chất nguy hiểm như xyanua.

“Bên cạnh đó, giữa các bộ, ngành, địa phương cần có sự thống nhất, chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ trong hoạt động quản lý nhằm giảm thiểu nguy cơ hóa chất bị sử dụng sai mục đích” – đại diện Cục Hóa chất thông tin và cho rằng: Cần áp dung tối đa công nghệ thông tin để giám sát chặt chẽ liên quan đến mua, bán các loại hóa chất nguy hiểm có nguy cơ cao gây mất an toàn ảnh hưởng tới sức khỏe và gây mất an ninh trật tự

Đặc biệt, theo lãnh đạo Cục Hóa chất, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ, các hóa chất nguy hiểm như xyanua dự kiến được quy định là các hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, được kiểm soát trong từng khâu của vòng đời hóa chất. Điều này có nghĩa, không chỉ được kiểm soát về kỹ thuật an toàn mà còn được kiểm soát về phạm vi, loại hình, quy mô, thời hạn sản xuất, kinh doanh và mục đích sử dụng, nhằm giảm thiểu khả năng gây hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, tài sản, môi trường.

Nguyễn Hòa - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-hang-loat-vu-dau-doc-bang-xyanua-giai-phap-nao-ngan-chan-331291.html