500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối và chân dung 'những người lính' truyền tải điện

Dự án đường dây 500kV mạch 3 là một công trình vô cùng quan trọng, khép vòng mạch 3, trong thời điểm mùa khô năm 2023, miền Bắc thiếu điện nghiêm trọng. Tuy nhiên, ít ai biết được những khó khăn, hiểm nguy mà các công nhân phải đối mặt trong quá trình xây dựng những cột điện vươn cao trên dãy Hoành Sơn. Đây là một trong những cung đoạn phức tạp và gian nan nhất của dự án, với địa hình núi non hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.

Chúng tôi, Đoàn làm bộ phim tài liệu về 500kV mạch 3 (Đài PTTH Hà Nội) đã quyết định theo chân họ, vượt qua mọi địa hình để có thể ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất, những hình ảnh đầy sức sống mà qua đó, người xem sẽ hiểu rõ hơn về sự gian nan và kiên cường của người lao động.

Chúng tôi đến thị xã Kỳ Anh vào những ngày đầu tháng 7-2023, những ngày cả dải miền Trung ruột thịt dường như đang thở những nhịp thở khó nhọc trong cái nắng đến cháy da cháy thịt. Khác với ngày thường, không khí tại nơi này có phần khiến người ta nóng ruột, bởi cheo leo trên những tầng không dọc dải đất này, có những con người bằng xương bằng thịt, đang làm việc trên những thân cột điện dẫn thẳng tới trời… Đó là những công nhân, kỹ sư của dự án đường dây 500kV mạch 3, cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.

Với 4 chuyến công tác, tương đương hơn 1 tháng, Đoàn làm phim của chúng gồm tôi, quay phim Minh Tú, 2 kỹ thuật viên của Trung tâm kỹ thuật và 1 lái xe, sau này, vì tính cấp thiết của dự án, đồng hành với tôi còn có thêm 1 quay phim và 1 kỹ thuật khác.

Đoàn làm bộ phim tài liệu về 500kV mạch 3

Đoàn làm bộ phim tài liệu về 500kV mạch 3

Là một đạo diễn phim tài liệu, tôi đặt chân vào công trình trọng điểm quốc gia với nhiệm vụ kể lại những câu chuyện không chỉ bằng hình ảnh. Nghe thì có vẻ thật đơn giản, nhưng khi bước vào thực tế, tôi mới hiểu rằng không chỉ là ghi hình, mà còn phải sống, gắn bó, đồng hành và sẻ chia như một người trong cuộc. Thú thực thì tôi khá áp lực, vì tôi từng được xem những thước phim tư liệu về quá trình thi công đường dây siêu cao áp 500kV Bắc Nam mạch 1, cách đây hơn 30 năm. Hoành Sơn những ngày tháng 7 ấy, cũng là những ngày lòng tôi rối như tơ vò; làm sao để vừa ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, vừa ghi được không khí của một đại công trường lịch sử.

Tôi nhớ như in khi lần đầu tiên di chuyển trên con đường công vụ dài 7km dọc theo triền núi, với những con dốc đất 45 độ, để đến các vị trí cột 16-17-18 trên dãy Hoành Sơn. Những thân cột như những cột mốc khổng lồ, đứng sừng sững giữa thiên nhiên bao la, và tôi đã tự hỏi: "Làm sao con người có thể đưa từng ấy nguyên vật liệu siêu trường, siêu trọng, lên những nơi hiểm trở này?".

Tôi đã bàn bạc với quay phim Minh Tú, ghi những khoảnh khắc ấy: Những đôi bàn tay lấm lem, nứt nẻ vì nắng gió, những giọt mồ hôi ướt đẫm áo ngực, làn da nâu rám nắng, và ánh mắt chỉ một lòng quyết tâm. Mỗi bước chân của họ trên những điểm cao cheo leo, đến những tầng không là một bước tiến đưa công trình sớm về đích. Đứng từ những vị trí cột trên dãy Hoành Sơn, dường như cả Biển Đông đang hiện bày trước mắt. Bao hoang mang lo lắng ban đầu, giờ chỉ còn niềm tự hào, hạnh phúc và lời hứa với lòng: Nhất định làm được, nhất định sẽ đi đến cùng. Tôi quá may mắn khi được chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử ấy.

Đoàn làm phim đang thực hiện cảnh quay, phỏng vấn công nhân thi công công trình 500kV mạch 3 trên cao.

Đoàn làm phim đang thực hiện cảnh quay, phỏng vấn công nhân thi công công trình 500kV mạch 3 trên cao.

Hoành Sơn với hàng vạn anh em công nhân, kỹ sư, quả thực là một thử thách lớn. Còn Hoành Sơn với những người làm phim tài liệu chúng tôi, thì đích thực là một kho tài nguyên khổng lồ. Chúng tôi đã xin phép để được leo lên những vị trí công nhân đang làm việc trên cao để trực tiếp phỏng vấn họ. Mỗi bước lên cao, như được chạm vào mây trời, mỗi bước đi trên tầng không, là mỗi bước niềm vui sướng ngập tràn… Đó đích thực là niềm hạnh phúc mà chỉ người làm nghề mới có thể có được.

Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến công trường, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé và lạc lõng giữa không gian rộng lớn của những cột điện khổng lồ và những người công nhân đầy kinh nghiệm. Họ đã gắn bó với công trình từ những ngày đầu, trải qua biết bao nắng mưa và hiểm nguy, trong khi tôi chỉ là một người ngoài mới đến, mang theo chiếc máy quay và vài lời giới thiệu.

 Nữ đạo diễn Việt Bắc cùng công nhân trên công trường 500kV mạch 3.

Nữ đạo diễn Việt Bắc cùng công nhân trên công trường 500kV mạch 3.

Tôi nhận ra rằng, để có thể thực sự hiểu và kể lại câu chuyện của họ, tôi cần phải vượt qua sự xa cách ban đầu. Những người công nhân nơi đây vốn ít nói và cẩn trọng khi có người lạ tiếp cận. Trong mắt họ, tôi chỉ là một cô gái trẻ không hiểu gì về những khó khăn của công trường. Nhưng tôi biết, để làm phim tài liệu, chỉ đứng từ xa quan sát không bao giờ đủ. Tôi cần phải hòa mình vào cuộc sống của họ, sống và cảm nhận cùng họ. Điều đó đòi hỏi sự kiên nhẫn và một cách tiếp cận chân thành.

Những lán trại của công nhân xây lắp rải rác trên khắp dãy Hoành Sơn. Có lẽ sau hơn 30 năm, chúng ta lại được sống trong những ngày tháng mà cả đất nước cùng ngóng trông về một đại công trường lịch sử. Hoành Sơn những năm tháng đó, có lẽ cũng là năm tháng mà những nhớ thương, khắc khoải, được kết nén lại, tạo cho nơi này những nguồn năng lượng đặc biệt. Tôi có may mắn được gặp những công nhân xây lắp, đã gắn bó với ngành xây lắp điện từ mạch 1, mạch 2 và cho đến hôm nay là mạch 3.

 Những hình ảnh đẹp trong phim tài liệu về 500kV mạch 3 góp phần phản ánh một sự kiện quan trọng của đất nước.

Những hình ảnh đẹp trong phim tài liệu về 500kV mạch 3 góp phần phản ánh một sự kiện quan trọng của đất nước.

Một trong những bài học lớn nhất mà tôi rút ra trong quá trình làm phim tài liệu là học cách chấp nhận rằng không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo kế hoạch. Tôi không thể ép buộc những khoảnh khắc đáng giá xuất hiện khi tôi muốn, cũng không thể yêu cầu các anh em công nhân diễn xuất hay làm theo kịch bản. Những gì tôi có thể làm là kiên nhẫn chờ đợi và nắm bắt cơ hội khi nó đến.

Có những ngày tôi đứng dưới nắng nóng suốt hàng giờ liền, máy quay sẵn sàng nhưng không có gì đặc biệt xảy ra. Nhưng rồi, có những khoảnh khắc bất ngờ đến khi tôi ít mong đợi nhất – một cuộc trò chuyện chân thành giữa hai người công nhân về gia đình ở quê nhà, hay một cái vỗ vai động viên nhau sau một ngày dài mệt nhọc. Đó là những khoảnh khắc tự nhiên, không được lên kế hoạch trước, nhưng lại mang đến sức sống cho bộ phim.

Đoàn làm phim vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Đoàn làm phim vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Ba bộ phim tài liệu của chúng tôi về dự án đường dây 500kV mạch 3, bao gồm: "Đất nước một phần tư bước sóng", "500kV mạch 3 cuộc hành quân Bắc tiến", và "Hoành Sơn vạn vạn bước chân"– không chỉ là những tác phẩm riêng lẻ mà còn là sự kết nối sâu sắc giữa trái tim của chúng tôi với những con người lao động trực tiếp trên công trường. Mỗi bộ phim mang trong mình tình yêu chúng tôi dành cho dự án, nhưng chính những con người đã ngày đêm cống hiến, dưới nắng lửa và mưa dông, mới thực sự là linh hồn của những thước phim này.

Trong đó, "Hoành Sơn vạn vạn bước chân" là câu chuyện về những bước chân gan dạ trên cung đường Hoành Sơn hiểm trở. Tôi chọn Hoành Sơn làm trọng tâm của bộ phim này không chỉ vì địa hình khắc nghiệt, mà còn vì nơi đây hội tụ tinh thần bất khuất của những người lao động. Từ khi bắt đầu, tôi đã hiểu rằng bộ phim này phải là một hành trình gắn liền với con người – những người đã để lại dấu chân trên từng đỉnh núi cao, trên từng cây cột điện dựng đứng nơi bão gió.

Từng câu chuyện nhỏ, chúng tôi ghi lại được tại Hoành Sơn như một bức tranh ghép đa màu, từ người công nhân trẻ lần đầu đối mặt với độ cao chóng mặt, đến những kỹ sư đã dạn dày kinh nghiệm trên các công trường lớn. Mỗi người đều mang theo một phần của họ vào dự án – đó là mồ hôi, là giọt nước mắt và cả những tiếng cười giữa giờ giải lao ngắn ngủi. Tôi yêu bộ phim này vì nó đưa tôi đến gần hơn với trái tim của những người lao động, những người đã dành trọn sức lực để đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, và cũng là những người đã dạy tôi rằng tinh thần con người có thể vượt qua mọi trở ngại.

Hoành Sơn năm xưa là giới tuyến của xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong. Hoành Sơn với đèo Ngang năm ấy còn đau đáu nỗi niềm nhớ nước thương nhà của Bà Huyện Thanh Quan. Còn Hoành Sơn với 500kV mạch 3 hôm nay, cùng với lưới truyền tải Bắc Nam, đã thống nhất lưới điện quốc gia, không còn giới tuyến phân chia.

Ghi chép của đoàn làm phim

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/500kv-mach-3-quang-trach-pho-noi-va-chan-dung-nhung-nguoi-linh-truyen-tai-dien-799111