Tự hào chặng đường 45 năm của Việt Nam tại Liên hợp quốc
Chặng đường 45 năm đã qua không hề dễ dàng, nhưng rất đáng tự hào, ghi đậm dấu ấu và những đóng góp ý nghĩa của Việt Nam cho Liên hợp quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Chặng đường 45 năm đã qua thật đáng tự hào, ghi đậm dấu ấu và những đóng góp ý nghĩa của Việt Nam cho Liên hợp quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Ngày 20/9/2022 đánh dấu sự kiện 45 năm Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc (LHQ), tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, góp phần kiến tạo môi trường hòa bình, an ninh và tạo thuận lợi cho phát triển đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
45 năm trước, Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài mấy thập kỷ, vẫn còn mang trên mình những vết thương nặng nề. Sau khi kháng chiến thắng lợi, hòa bình được lập lại và đất nước thống nhất, Việt Nam khi ấy là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc, giành được rất nhiều tình cảm nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui độc lập và thống nhất đất nước, Việt Nam lúc đó cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của một đất nước bị chiến tranh tàn phá, cùng với nền kinh tế, khoa học kỹ thuật lạc hậu. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam bị bao vây, cấm vận của nhiều nước.
Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam tham gia LHQ ngày 20/9/1977 có ý nghĩa vô cùng to lớn, ý nghĩa thời đại. Sự kiện Việt Nam gia nhập "mái nhà chung" LHQ đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ, đồng thời cũng là một bước ngoặt của đất nước ta trên con đường hòa nhập, hội nhập sâu rộng với thế giới.
Gia nhập LHQ đã mở ra chương mới trong quan hệ của Việt Nam với thế giới, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam không chỉ tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế cho tái thiết đất nước, mà còn ngày càng tham gia, đóng góp sâu rộng hơn vào các công việc chung của LHQ và của thế giới. LHQ đã luôn hỗ trợ Việt Nam vượt qua thời kỳ khó khăn ấy. Có những thời điểm viện trợ của LHQ lên tới 60% tổng viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu bao vây, cấm vận.
Ngay sau khi nghị quyết chấp thuận Việt Nam trở thành thành viên của LHQ, tổ chức này đã ra nghị quyết kêu gọi, giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh, xóa đói giảm nghèo. Đây là bước khởi đầu lớn, đặt viên gạch đầu tiên trong nỗ lực vận động quốc tế giúp đỡ Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển.
Trong những năm Việt Nam còn bị cấm vận, từ năm 1977 cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20, LHQ là tổ chức giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất, từ việc khắc phục hậu quả chiến tranh đến xóa đói giảm nghèo, phát triển và nhiều sự trợ giúp khác. Vào những năm 90 của thế kỷ 20, LHQ là một trong những tổ chức đi đầu giúp đỡ Việt Nam hoạch định các chính sách và chương trình hành động về đổi mới, cải cách kinh tế, cải cách hệ thống pháp luật, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế.
Trong giai đoạn hiện nay, LHQ cũng luôn là đối tác hàng đầu trong hỗ trợ Việt Nam triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, trong suốt hơn 40 năm qua, chúng ta đóng góp hết sức tích cực vào nâng cao vai trò của LHQ, xây dựng hệ thống luật pháp quốc tế, xây dựng các chuẩn mực quốc tế để tất cả các nước cùng tuân thủ, vì một xã hội công bằng, phát triển, cũng như đảm bảo hòa bình, an ninh cho thế giới.
Trong quá trình tham gia LHQ và đóng góp vào các nhiệm vụ chung, Việt Nam đã có thêm bạn bè, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, qua đó giúp chúng ta gia tăng thêm nguồn lực phát triển đất nước. Đây là yếu tố hết sức then chốt, có ý nghĩa lớn, tạo đà cho Việt Nam tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Có thể nói là trong 45 năm qua, chúng ta đã khẳng định rằng những thành công của Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước cũng chính là những thành công của LHQ, hướng đến mục tiêu một thế giới phồn vinh, thịnh vượng và hòa bình, ổn định cho mọi người dân.
Đối với những mục tiêu phát triển bền vững hay mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà LHQ đặt ra trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai hết sức tích cực, thành công, cho thấy rằng những mục tiêu của LHQ đề ra cho cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, sự hiện diện của Việt Nam tại các cơ chế và các cơ quan của LHQ ngày càng rõ ràng hơn.
Việt Nam luôn chủ động góp sức cho công việc chung với tinh thần trách nhiệm cao; tham gia hoạch định những chương trình nghị sự quốc tế dựa trên không chỉ lợi ích quốc gia mà còn với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế để tạo ra sân chơi bình đẳng giữa nước lớn, nước nhỏ, vì hòa bình, an ninh và phát triển dựa trên luật pháp quốc tế.
Việt Nam đã tham gia tích cực, trở thành ủy viên của Hội đồng Bảo an LHQ trong hai nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, của Ủy ban Kinh tế xã hội của LHQ (ECOSOC) hay là tham gia vào những cơ chế điều hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), 2 lần đảm nhiệm vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế LHQ và gần đây nhất chúng ta trở thành Phó Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ lần thứ 2. Bên cạnh đó, trên thực tiễn, chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và ngày càng đóng góp hiệu quả vào duy trì hòa bình, an ninh ở rất nhiều khu vực trên thế giới.
Cùng với các thành tựu về đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đồng hành và đóng góp ngày càng hiệu quả vào các công việc chung của LHQ và thế giới. Điển hình nhất là việc Việt Nam tham gia vào hoạch định và thực hiện các Chương trình mục tiêu Thiên niên kỷ và Phát triển bền vững tới 2030 của LHQ, trở thành điển hình về hợp tác và thực hiện hiệu quả các chương trình hành động của LHQ.
Theo đó, chúng ta cũng tích cực tham gia vào các chương trình hợp tác của LHQ về môi trường, biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh hay xóa đói giảm nghèo và giúp đỡ những người bị yếu thế. Việt Nam cũng đã tích cực phối hợp cùng LHQ triển khai các sáng kiến về hợp tác 3 bên giúp đỡ các nước ở châu Phi như về nông nghiệp, lương thực, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo. Đây là quá trình hai bên cùng hợp tác và thúc đẩy vì những mục tiêu chung.
Những đóng góp của Việt Nam cũng thể hiện rõ ở chỗ Việt Nam từ một nước phải nhận viện trợ của LHQ, kém phát triển hiện nay đã trở thành một trong những nước có thu nhập trung bình, trình độ phát triển tương đối cao và đang tiếp tục triển khai các mục tiêu lớn lao của LHQ trong thời gian tới.
Qua đây, chúng ta có thể tự hào rằng trong 45 năm qua, quan hệ Việt Nam – LHQ ngày càng phát triển, với đường lối đối ngoại đúng đắn, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đóng góp cho LHQ cũng như LHQ hỗ trợ cho Việt Nam- đây là mối quan hệ hai chiều và sẽ đem lại những lợi ích hết sức thiết thực cho không chỉ Việt Nam mà còn cho khu vực và thế giới.
Chặng đường 45 năm không phải là quá dài, song Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn hết sức ý nghĩa đối với LHQ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Việt Nam luôn đề cao và tích cực đóng góp vào việc tăng cường các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và Luật pháp quốc tế, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển chung của các dân tộc. Đây cũng là nguyên tắc nhất quán trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Khi tham gia Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng như: Đề cao Hiến chương LHQ và chủ nghĩa đa phương, giúp đỡ tháo gỡ bom mìn, bảo vệ phụ nữ, trẻ em hay bảo vệ các cơ sở dân sự thiết yếu trong chiến tranh, nhận được sự ủng hộ và nhất trí cao của các nước thành viên LHQ. Chúng ta ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của LHQ về vấn đề này như: Đề cao hợp tác, đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp, giải trừ vũ khí hạt nhân hay ủng hộ và đề cao văn hóa hòa bình trong quan hệ quốc tế.
Đảm nhiệm cương vị ủy viên của Hội đồng Bảo an LHQ trong hai nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, đồng thời tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ chính là những dấu ấn đậm nét của Việt Nam. Lần thứ hai đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) của nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021 (tháng 4/2021), Việt Nam đã thể hiện thành công vai trò dẫn dắt, điều hành cơ quan chính trị quan trọng nhất của LHQ.
Đóng góp của Việt Nam có ý nghĩa thiết thực, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đại sứ Olof Skoog - Trưởng Phái đoàn Thường trực Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ, Đại sứ Fatima Kyari Mohammed - Trưởng phái đoàn thường trực Liên minh châu Phi (AU) tại LHQ và Đại sứ Geraldine Byrne Nason - Trưởng phái đoàn thường trực Ireland tại LHQ đều đánh giá rất cao phiên thảo luận về quan hệ hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực do Việt Nam đưa ra.
Thành công mà Việt Nam gặt hái được tại HĐBA, cơ quan quan trọng nhất của LHQ có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh thế giới, là không hề dễ dàng khi mà đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành khắp địa cầu, các cuộc xung đột ngày càng gia tăng căng thẳng. Ba phiên họp điểm nhấn cấp cao do Việt Nam đề xuất và chủ trì về “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”, “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn" và “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được các nước ủy viên HĐBA nhất trí bỏ phiếu ủng hộ để ra được hai Tuyên bố Chủ tịch và một nghị quyết.
Tháng 6/2014, Việt Nam đã lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất hành động - Một LHQ , Chính phủ Việt Nam và LHQ tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung của LHQ giai đoạn 2012 -2016. Việt Nam là một trong 8 nước thí điểm triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động trên thế giới và sáng kiến này đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức LHQ tại Việt Nam. Đây là một trong những dấu ấn rõ ràng nhất của Việt Nam kể từ khi gia nhập LHQ.
Ngoài tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo hình thức đơn vị (cử các bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, cấp 2 số 2, cấp 2 số 3) từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 180 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở Liên hợp quốc.
Sau hơn 8 năm chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã triển khai thành công hơn 500 cán bộ, chiến sĩ tới các phái bộ gìn giữ hòa bình và trụ sở LHQ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai thành công 3 khóa huấn luyện vận hành trang bị công binh hạng nặng theo chương trình Đối tác 3 bên giữa Việt Nam - LHQ - Nhật Bản, được lãnh đạo LHQ đánh giá rất cao. Không chỉ cử có quân đội mà hiện Bộ Công an Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị cử các sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.
Với những đóng góp của mình, các quân nhân Việt Nam đều được LHQ đánh giá cao, dư luận quốc tế ủng hộ. Ông Atul Khare, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, nhất là việc triển khai các Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ năm 2018 đến nay. Thành công này thể hiện những cam kết mạnh mẽ, khẳng định những nỗ lực của Việt Nam; là điều tuyệt vời trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và LHQ.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam là đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; trong đó chỉ rõ vai trò tiên phong của đối ngoại “trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Trong khi đó, hiện nay thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều cuộc khủng hoảng đan xen, vừa là những thách thức về hòa bình, an ninh, vừa là những thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Đứng trước bối cảnh như vậy, mục tiêu lớn của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, trong đó có LHQ, vẫn là làm sao để duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới và của chính chúng ta. Đồng thời, phải làm sao đảm bảo sự phát triển bền vững và bao trùm.
Trả lời phỏng vấn của TTXVN, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nêu rõ để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thì tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt tại LHQ, chúng ta phải làm sao tìm mọi cách hợp tác cùng các nước để giải quyết các vấn đề chung. “Tôi cho là có một số nội dung ta cần thúc đẩy. Thứ nhất, đảm bảo duy trì đoàn kết quốc tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Thứ hai, tiếp tục đề cao các giá trị, vai trò của luật pháp quốc tế để các nước phải tuân thủ, xây dựng luật lệ chung, quy định chung trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Thứ 3, cùng gánh vác, chia sẻ trọng trách xây dựng thế giới, đưa ra những sáng kiến, đề ra những biện pháp xây dựng một thế giới an toàn, ổn định, phục vụ lợi ích của tất cả các dân tộc.
Trong Điện mừng gửi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp 77 năm Quốc khánh Việt Nam vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh LHQ đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam vào các nỗ lực chung trong xử lý các thách thức toàn cầu như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, xóa đói nghèo, bất bình đẳng, hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững. Tổng Thư ký Guterres bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục cùng LHQ chung tay vượt qua các thách thức nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng và hòa bình hơn.
Nhìn lại chặng đường 45 năm hết sức tự hào đã qua, sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, cùng thực tế phát triển của Việt Nam sẽ là cơ sở và động lực để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là thành viên, đối tác quan trọng, đáng tin cậy của LHQ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung trong chặng đường tiếp theo.
Bài: Trần Thanh Tuấn (tổng hợp)
Trình bày: Nguyễn Hồng Hạnh
20/09/2022 02:02