Tự hào đất và người Vĩnh Phúc
Tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và một nền văn hóa rực rỡ, Vĩnh Phúc vững bước vươn lên trên con đường đổi mới hôm nay, hứa hẹn trong tương lai với nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển mới. Những thành quả đó là sự kết tinh của việc cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh như lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Vĩnh Phúc: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Truyền thống hào hùng
Từ buổi hồng hoang, Vĩnh Phúc đã là miền đất huyền thoại, cái nôi của người Việt cổ với những di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, Nghĩa Lập, Lũng Hòa… Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nơi đây diễn ra những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, hết thế hệ này đến thế hệ khác chống lại thiên tai, giặc giã để sinh tồn và phát triển, góp phần làm nên một nền “văn minh sông Hồng” rực rỡ.
Ở mỗi một thời kỳ lịch sử, trên đất Vĩnh Phúc đều có những bậc hào kiệt giúp nước, làm rạng rỡ sử sách nước nhà. Trong những trang sử ghi dấu quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, Vĩnh Phúc ghi danh huyền sử về Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, quê Đại Đình đã giúp Hùng Duệ Vương đánh giặc giữ nước, dạy dân trồng lúa, giữ lửa.
Thời kỳ chống giặc ngoại xâm phương Bắc và chống quân xâm lược phương Tây, Vĩnh Phúc là vùng đất nổi tiếng với nhiều anh hùng hào kiệt. Đó là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mở đầu cho truyền thống bất khuất, kiên cường, quyết tâm giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Những chiến công trên Hồ Điển Triệt (Tứ Yên-Sông Lô) trong trận chiến chống quân xâm lược nhà Lương của nghĩa quân Lý Bí.
Đến bây giờ, thế hệ trẻ của Vĩnh Phúc vẫn luôn tự hào và tỏ lòng biết ơn khi nhắc về những giai thoại của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, về chí khí của lãnh tụ khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương, anh hùng khởi nghĩa Đội Cấn, Chủ tịch Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học…
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã bền bỉ, anh dũng, bất khuất đấu tranh giành nhiều thắng lợi oanh liệt.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ghi nhận thắng lợi của nhân dân Vĩnh Phúc trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trận Khoan Bộ năm 1947, trận Xuân Trạch năm 1950, trận Núi Đinh năm 1951.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Vĩnh Phúc vừa đẩy mạnh sản xuất, xây dựng XHCN ở miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch, vừa chung vai gắng sức cùng miền Nam ruột thịt đấu tranh chống Mỹ, bắn rơi chiếc máy bay thứ 4.000 của Mỹ tại Tiền Châu - Phúc Yên; ghi danh tấm gương hy sinh anh dũng của nhiều thế hệ thanh niên Vĩnh Phúc như Trần Cừ, Chu Văn Khâm, Nguyễn Viết Xuân…
Cũng trong thời kỳ này, Vĩnh Phúc được biết đến với những bước đột phá quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đó là mô hình “khoán hộ” cho nông dân do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng cùng thực tiễn sản xuất tại địa phương đã đóng góp những kinh nghiệm có giá trị đối với sự nghiệp đổi mới cơ chế kinh tế của toàn quốc.
Có thể khẳng định, những truyền thống quý báu được xây dựng từ thủa ban đầu dựng nước và giữ nước là những giá trị bền vững để nhân dân Vĩnh Phúc viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế.
Để rồi với bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, ngay khi bắt tay vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, ở những năm 90 của thế kỷ trước, Vĩnh Phúc đã nắm lấy thời cơ, vận hội, mạnh dạn đột phá đi lên bằng kinh tế công nghiệp, thông qua chủ trương thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.
Không ngừng phát triển
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc là cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và châu thổ sông Hồng. Bởi vậy, Vĩnh Phúc có vai trò quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế vùng miền và quốc gia.
Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp, kinh tế phát triển cao.
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Vĩnh Phúc vẫn hoàn thành 2 mục tiêu lớn, đó là phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân; không có doanh nghiệp nào phải đóng cửa, không có lao động nào trong các khu, cụm công nghiệp bị mất việc làm.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,02%, đứng thứ 9 toàn quốc, cao hơn so với mức bình quân của cả nước là 2,58%; thu ngân sách đạt xấp xỉ 33 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư đạt hơn 1 tỷ USD, cao nhất trong 25 năm vừa qua.
Bước vào năm 2022 với nhiều thách thức, Vĩnh Phúc đã và đang có những khởi đầu thuận lợi để hồi phục và phát triển kinh tế-xã hội sau những tác động căng thẳng của dịch Covid-19. Bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc với những giải pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh; văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước và nằm trong Top 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, đây là mức tăng khá cao so với tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm tính từ năm 2015 đến năm 2020 và tăng cao hơn so với kịch bản đã đề ra tại Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ (kịch bản tăng khoảng 8,3%).
Những kết quả đạt được trong thời kỳ đổi mới đất nước, đặc biệt là sau hơn 20 năm tái lập tỉnh đã đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế-xã hội.
Đây là cơ sở vững chắc, là điều kiện để Vĩnh Phúc không ngừng vươn lên phát triển mạnh mẽ trong tương lai, góp phần đưa hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc ngày càng để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế.