Tự hào địa danh mang dấu ấn Cách mạng Tháng Tám tại Long An

Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể nhân dân Việt Nam đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, mở ra trang sử mới cho dân tộc. Năm tháng qua đi, thật may mắn khi Long An vẫn còn những địa danh mang dấu ấn Cách mạng Tháng Tám thành công.

Nhà thuốc Minh Xuân Đường - Trụ sở bí mật của Tỉnh ủy Tân An giai đoạn 1936-1945

Cũng như bao địa phương khác trong cả nước, sự kiện Cách mạng Tháng Tám ở Long An năm nào như một chứng tích vẻ vang đầy tự hào của Đảng bộ và quân, dân ta. Trong số những “địa chỉ đỏ” gắn liền sự kiện này còn lưu giữ đến ngày nay, không thể không nhắc đến ngôi nhà số 17, đường Nguyễn Duy, phường 1, TP.Tân An - Nhà thuốc Minh Xuân Đường.

Đây là nơi hội tụ những hạt nhân nòng cốt của Tỉnh ủy Tân An đã lãnh đạo phong trào cách mạng Tân An, hòa nhập với phong trào cách mạng của cả nước làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và ghi dấu mốc son đặc biệt: Tân An là tỉnh đi đầu trong tổng khởi nghĩa tháng Tám - 1945 ở Nam bộ.

Nhà thuốc Minh Xuân Đường là địa điểm hoạt động bí mật của Đảng bộ Tân An trong gần 10 năm (1936-1945)

Nhà thuốc Minh Xuân Đường là địa điểm hoạt động bí mật của Đảng bộ Tân An trong gần 10 năm (1936-1945)

Sau khi Tân An thành lập Tỉnh ủy lâm thời trở lại (tháng 6/1939), lãnh đạo Tỉnh ủy lúc bấy giờ gồm: Trần Trung Tam, Nguyễn Văn Ban, Phẩm Văn Giáo (Ba Giảng), Võ Thị Chín (Chín Rượu) tổ chức một cuộc biểu tình thị uy tại tỉnh lỵ vào ngày 14/7/1939 (nhân kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Pháp 14/7). Đây là sự kiện đáng nhớ của Tân An lúc bấy giờ: Công khai đòi những quyền dân sinh, dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau khi cuộc biểu tình kết thúc, Tỉnh ủy họp chỉ đạo rút kinh nghiệm tại Nhà thuốc Minh Xuân Đường. Như vậy, có thể khẳng định, Nhà thuốc Minh Xuân Đường chính là trụ sở bí mật đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An tồn tại ngay trước mắt địch. Đây còn là cơ sở tạo lập kinh phí cho hoạt động của Tỉnh ủy thông qua việc bắt mạch, kê đơn, bán thuốc,…

Nhà thuốc Minh Xuân Đường là địa điểm hoạt động bí mật của Đảng bộ Tân An trong gần 10 năm (1936-1945). Nơi đây từng diễn ra những sự chuẩn bị có tính chất quyết định của Đảng bộ Tân An cho cuộc giành chính quyền ở tỉnh lỵ vào ngày 21/8/1945. Trên cơ sở nhận định đúng đắn tình hình thực tế địa phương, cuộc khởi nghĩa nổ ra trước thời hạn mà “Nghị quyết đỏ” của Tỉnh ủy Tân An dự định và giành thắng lợi hoàn toàn, không đổ máu, không tổn thất lực lượng. Thắng lợi đó cũng cho thấy công tác chuẩn bị chu đáo và khí thế sẵn sàng nổi dậy của quần chúng Tân An đã tin và đi theo Đảng.

Di tích Tổng Thận - Trụ sở công khai của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng tháng Tám

Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận tọa lạc tại số 4, đường Ngô Quyền, phường 1, TP.Tân An. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ độc đáo mang phong cách Pháp từ cuối thế kỷ XIX tồn tại đến giờ tại Long An. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là ông Trần Khắc Thận, được thực dân Pháp bổ nhiệm về tỉnh Tân An làm Cai tổng, tổng Thạnh Hội Thượng, quận Châu Thành, làng Bình Lập. Khoảng năm 1892-1893, ông xây cất ngôi nhà này. Kể từ đó, người dân Tân An thường gọi đây là “Nhà Tổng Thận”. Sau này, khi gia đình ông sa sút, ngôi nhà được chuyển giao cho chính quyền thuộc Pháp tại Tân An quản lý.

TP.Tân An nỗ lực bảo quản, phát huy giá trị, tạo điều kiện cho du khách, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh đến tìm hiểu, tham quan di tích Nhà Tổng Thận (Ảnh tư liệu)

TP.Tân An nỗ lực bảo quản, phát huy giá trị, tạo điều kiện cho du khách, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh đến tìm hiểu, tham quan di tích Nhà Tổng Thận (Ảnh tư liệu)

Tháng 7/1941, quân Nhật tràn vào miền Nam Đông Dương, Hiệp ước Pháp - Nhật được ký kết, Đông Dương đặt dưới quyền đô hộ của phát xít Nhật. Đến Tân An, Nhật chiếm Trường Nam - Nữ tiểu học Tỉnh lỵ (nay là Trường THCS Nhựt Tảo và Tiểu học Võ Thị Sáu), bộ chỉ huy của chúng đóng ở Trại Cưa, Bến Tàu và nhà Tổng Thận. Tại đây, chúng xây thêm phía trái ngôi nhà lớn một dãy 3 căn làm nơi giam giữ những người yêu nước hoạt động cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thắng lợi liên tiếp dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Tân An mà trực tiếp là các đồng chí: Nguyễn Văn Hoằng (ba Hoằng), Nguyễn Văn Trọng (Chín Trọng), Lê Minh Xuân (Năm Xuân),… Cuộc khởi nghĩa thành công ngay ngày 21/8/1945. Chính quyền lâm thời trưng dụng nhà Tổng Thận và hoạt động công khai. Phiên họp đầu tiên vào chiều tối 22/8/1945 đã diễn ra tại đây. Tại hội nghị này, Tỉnh ủy lâm thời biểu quyết bổ sung, phân nhiệm về nhân sự Đảng và chính quyền. Sau đó, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bắt tay làm việc ngay ngày 02/9/1945. Nửa đầu tháng 9/1945, hội nghị lần 2 diễn ra tại đây nhằm hợp nhất các quận ủy, trả tự do cho phần lớn công chức chế độ cũ. Cuối tháng 9/1945, hội nghị lần 3 được tổ chức để chuyển hướng nhiệm vụ chiến lược từ xây dựng sang củng cố bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhà Tổng Thận được chọn làm trụ sở vì có nhiều ưu thế hơn trụ sở mật tại Minh Xuân Đường, ít ồn ào, náo nhiệt, thuận lợi cho việc xây dựng nề nếp hoạt động. Chọn nhà Tổng Thận cũng cho thấy Đảng quyết định ra hoạt động công khai sau ngày Tân An khởi nghĩa thành công; hoạt động lãnh đạo của tổ chức Đảng và quản lý xã hội của chính quyền cách mạng vừa có sự phân biệt, vừa có quan hệ chặt chẽ.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Tân An - Nguyễn Hoàng Phi cho biết, cả 2 di tích này đều là di tích lịch sử cấp tỉnh, trong đó, Nhà thuốc Minh Xuân Đường gắn với quá trình hoạt động của Tỉnh ủy Tân An trong khoảng 10 năm, nơi Đảng bộ Tân An mở một số hội nghị quan trọng cho cuộc giành chính quyền tại tỉnh lỵ vào tháng 8-1945; còn Nhà Tổng Thận là trụ sở công khai của Tỉnh ủy Tân An trong những ngày đầu xây dựng chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám - 1945. Khi tiếp nhận quản lý các di tích này, TP.Tân An nỗ lực bảo quản, phát huy giá trị, tạo điều kiện cho du khách, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh đến tìm hiểu, tham quan.

Bí thư Chi đoàn phường 1, TP.Tân An - Trần Thị Kim Nhi chia sẻ: “Chúng tôi tự hào khi trên địa bàn phường có những di tích lịch sử gắn liền với quá trình hoạt động của Tỉnh ủy Tân An và mốc son Cách mạng Tháng Tám. Đoàn viên, thanh niên phường cũng đăng ký thực hiện các phần việc tôn tạo, dọn vệ sinh và đến đây tham quan, qua đó thêm tự hào về truyền thống đấu tranh của thế hệ cha anh”.

Nhà thuốc Minh Xuân Đường hay Nhà Tổng Thận là nơi gắn liền với những sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những “địa chỉ đỏ” được giữ gìn không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước mà còn giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần tô điểm, làm sáng thêm truyền thống yêu nước của mỗi người Việt Nam./.

Thu Ngân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-hao-dia-danh-mang-dau-an-cach-mang-thang-tam-tai-long-an-a119929.html