Tự hào Hà Nội – Thành phố sáng tạo

Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó bao gồm cả giai đoạn đại dịch COVID-19 đầy khó khăn, Thủ đô Hà Nội vẫn nỗ lực bám sát việc hiện thực hóa các cam kết của mình về việc hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức nhiều hoạt động để phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo.

Thay đổi “diện mạo” điểm đến di sản

Năm 2019, Hà Nội xây dựng hồ sơ đề nghị và được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Đến nay, Hà Nội đã đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…

Những chính sách này đã góp phần tạo “khung” cho các việc triển khai các hoạt động thực tế, tạo cơ sở cho các bên liên quan phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là điểm đến di sản mà đang từng bước trở thành một không gian văn hóa sáng tạo đúng nghĩa. (Nguồn: Internet)

Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là điểm đến di sản mà đang từng bước trở thành một không gian văn hóa sáng tạo đúng nghĩa. (Nguồn: Internet)

Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, nhiều điểm đến trên địa bàn thủ đô đã có những bước chuyển mình thành một không gian văn hóa sáng tạo. Tiêu biểu là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, được hình thành từ thời Lý, cũng là một trong những điểm đến di sản hàng đầu của cả nước hiện nay. Di tích này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12/5/2012.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, cùng với quá trình bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích này, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm đến có nhiều sáng kiến trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học bài bản, chuyên nghiệp để thu hút khách tham quan, cũng như giới chuyên môn. Tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, nhiệm vụ phát triển những không gian sáng tạo trong một khu di tích mà vẫn đảm bảo những giá trị vốn có là điều không hề dễ dàng.

Trong những cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu đã đưa ra hướng triển khai nhiệm vụ này là “đưa di tích trở thành không gian tạo cảm xúc cho sáng tạo, không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo... để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại”.

Tuy nhiên, ông cũng đặc biệt nhấn mạnh “dù hoạt động như thế nào, thì nền tảng các hoạt động của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là tôn vinh đạo học, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”. Trong những năm qua, di tích đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sinh động như các chương trình giáo dục di sản, các cuộc triển lãm, trưng bày, các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về Văn Miếu – Quốc Tử Giám... nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Ngoài ra, ban quản lý khu di tích luôn cập nhật, tiếp thu các ý tưởng đánh giá, đóng góp, sáng tạo. Đơn cử, trong cuộc tọa đàm “Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (1988-2023): Kết quả và định hướng hoạt động” vào tháng 4/2023, nhiều đơn vị, tổ chức và các nhà khoa học đã bày tỏ sự ủng họ với định hướng phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành không gian văn hóa sáng tạo trên cơ sở khai thác giá trị di sản, đạo học.

Đồng thời, họ cũng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm phát huy hơn nữa các giá trị di sản tại di tích, đơn cử như ý tưởng “nhà Phương đình ở đảo Kim Châu, hồ Văn có thể tổ chức làm nơi ngâm thơ, bình thơ, cũng có thể tổ chức những đêm ca trù, hát văn...” của GS. Nguyễn Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin. Hay đề xuất triển khai hệ thống trải nghiệm thực tế ảo, tour trải nghiệm đêm theo hình thức ứng dụng chiếu sáng nghệ thuật và công nghệ 3D Mapping, tái hiện câu chuyện lịch sử và đạo học... của Chủ tịch Công ty Vietsoft Pro Hoàng Quốc Việt…

Đáng nói, Kế hoạch xây dựng không gian sáng tạo giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong các sáng kiến, chương trình quan trọng của thành phố Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, theo Kế hoạch 102/KH-UBND. Chỉ sau một thời gian ngắn, có thể thấy sự “chuyển mình” của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bây giờ đây không chỉ là một địa chỉ tham quan, mà từng bước trở thành một không gian văn hóa sáng tạo đúng nghĩa, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, ươm mầm các sáng kiến của nhân dân thủ đô, du khách thập phương.

Phố cổ Hà Nội, tụ điểm thu hút du khách, có nhiều tiềm năng liên kết với các làng nghề, xây dựng không gian văn hóa để phát huy giá trị di sản. (Nguồn: Shutterstock)

Phố cổ Hà Nội, tụ điểm thu hút du khách, có nhiều tiềm năng liên kết với các làng nghề, xây dựng không gian văn hóa để phát huy giá trị di sản. (Nguồn: Shutterstock)

Khơi nguồn mọi mặt sáng tạo của Thủ đô

Xây dựng Thành phố sáng tạo là một nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng mở ra hàng loạt cơ hội đổi mới và phát triển cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô. Nhắc tới Hà Nội, người ta thường nhớ tới 35 phố phường với những Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Thiếc, Hàng Chiếu, Hàng Bạc, Hàng Gà,…, nơi gắn với những nghề thủ công truyền thống.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị những sản phẩm truyền thống gắn với thiết kế sáng tạo là vấn đề đã đặt ra nhiều năm qua, yêu cầu hội tụ nhiều sáng kiến và giải pháp thiết thực để giải quyết những nan đề như: Làm sao để khuyến khích sự tham gia và kết nối của các làng nghề – phố nghề, giữa các nghệ nhân và thợ thủ công, giữa các tổ chức, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo? Làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống nhằm phục vụ du lịch?... Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hướng giải pháp dần dần đã sáng rõ, đó là “sự liên kết”.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có có 1.350 làng nghề, chiếm hơn 30% tổng số làng nghề trên cả nước. Trong đó, Hà Nội có số lượng lớn các làng chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, đơn cử như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), …

Các làng nghề ở Hà Nội đều đã có từ rất lâu trước đây, mỗi làng nghề lại mang nét đẹp riêng. (Ảnh: Làng lụa Vạn Phúc. Nguồn: Internet)

Các làng nghề ở Hà Nội đều đã có từ rất lâu trước đây, mỗi làng nghề lại mang nét đẹp riêng. (Ảnh: Làng lụa Vạn Phúc. Nguồn: Internet)

Trong khi đó, phố cổ Hà Nội hiện nay không còn nhiều làng nghề như xưa mà chủ yếu chuyên về tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm, với lợi thế là tụ điểm thu hút du khách trong và ngoài nước của Thủ đô. Như vậy, một trong những mối liên kết đầu tiên có thể nhận thấy là “chuỗi các làng nghề, hộ kinh doanh... tạo nên một không gian văn hóa và nghệ thuật làng nghề trải dài các mô hình trải nghiệm, từ gallery nghệ thuật đến thử nghiệm sáng tạo dựa trên những chất liệu truyền thống đạt chất lượng, mẫu mã để đáp ứng sản phẩm quà tặng, phục vụ khách du lịch”, theo ý kiến của Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP Hà Nội Vũ Mạnh Hải.

Một liên kết khác có thể kể tới là kết nối các nhà thiết kế, nghệ nhân và các nhà đầu tư, doanh nhân trong lĩnh vực sáng tạo, du lịch nhằm cải thiện thiết kế sản phẩm, nâng cao chất lượng tinh xảo, độc đáo, áp dụng công nghệ,… cũng như khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu của các sản phẩm thủ công truyền thống đến với công chúng, du khách. Thực hiện được càng nhiều chuỗi liên kết như vậy, kỳ vọng phát huy nội hàm giá trị của sản phẩm truyền thống gắn với thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển sẽ sớm thành hiện thực.

Không dừng ở đó, trong những năm qua, Hà Nội liên tục triển khai nhiều hoạt động kết nối, xây dựng Thành phố sáng tạo, như các đưa vào hoạt động nhiều tuyến phố đi bộ - những không gian văn hóa sáng tạo; tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo, lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam; tổ chức các cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo như “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội”…

Các hoạt động khác trong năm 2023 có thể kể tới: Xây dựng Đề án Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm Công nghiệp văn hóa Hà Nội; tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo khu vực Đông Nam Á;…

Sản phẩm gốm sứ Hà Nội là sản vật lưu niệm được nhiều du khách khắp nơi yêu thích. (Nguồn: Internet)

Sản phẩm gốm sứ Hà Nội là sản vật lưu niệm được nhiều du khách khắp nơi yêu thích. (Nguồn: Internet)

Đáng chú ý, năm 2023 là một dấu mốc quan trọng bởi theo dự kiến, đến tháng 11/2023, Hà Nội cần hoàn thành Báo cáo giám sát tư cách thành viên định kỳ lần thứ nhất của Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Đây cũng là thời điểm để Thủ đô nhìn lại những thành tựu, khó khăn, thách thức trong suốt 4 năm nỗ lực xây dựng Thành phố sáng tạo, trong đó đã trải qua một giai đoạn đại dịch gần như "đóng băng".

Trên tiền đề đó, những năm tiếp theo sẽ là thời điểm cần phải vượt khó và tăng tốc nhằm đảm bảo tiến độ triển khai, hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của thành phố với UNESCO, thực sự xây dựng Hà Nội là một trung tâm sáng tạo của quốc gia, chứng minh thương hiệu và bản sắc trên trường quốc tế.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tu-hao-ha-noi-thanh-pho-sang-tao-post491207.html