Tự hào hàng tiêu dùng Việt Nam
Nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực và tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng khoa học, lành mạnh, thúc đẩy sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, phù hợp những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)..., ngày 6/8/2009, Chính phủ đã phát động Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'.
Bày tỏ chính kiến với các đàn em, ông trung niên hăng hái:
- Những năm gần đây, việc lựa chọn các mặt hàng “made in Vietnam” của người tiêu dùng đã và đang trở thành xu hướng, tâm lý “sính ngoại” không còn là rào cản đối với thương hiệu Việt, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước đã thực sự quan tâm đến thị hiếu khách hàng, sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, tiện dụng, hợp lý, phù hợp văn hóa, tập quán người Việt Nam. Trong bất kỳ thời điểm nào, kể cả đại dịch COVID-19, người tiêu dùng vẫn ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, do chất lượng hàng hóa tốt hơn, dịch vụ thuận lợi hơn, giá cả hợp lý hơn, vừa túi tiền hơn. Người tiêu dùng đã dần thay đổi thói quen mua sắm, hướng về các sản phẩm trong nước với giá cả hợp lý, phân phối rộng khắp, chất lượng đảm bảo, mặt hàng phù hợp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mặt hàng hơn hẳn sản phẩm ngoại nhập.
Hoàn toàn đồng tình với chủ tọa, bác da ngăm ngăm tươi tắn:
- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang đi vào đời sống. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp vẫn thể hiện trách nhiệm xã hội, chủ động nắm bắt nhu cầu khách hàng, đảm bảo đầy đủ nguồn cung, cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng. Không chỉ vậy, các đơn vị, doanh nghiệp còn tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, nâng tầm thương hiệu, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Các đàn anh vừa ngừng lời, anh chàng nhỏ thó liền vào cuộc:
- Nhằm tạo vị thế mới, hệ thống bán lẻ trong toàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp ưu tiên hàng Việt, từ chính sách thu mua đến trưng bày quảng bá. Trên thực tế, thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh ta đã giới thiệu ra thị trường trong nước, khu vực và thế giới những loại nông sản, đặc sản có thế mạnh, tạo nguồn thu nhập cho nông dân, việc làm cho lao động địa phương, thay đổi lề lối canh tác và tư duy sản xuất. Dù vậy, theo em, các doanh nghiệp, HTX, nông dân... cũng phải thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, nâng tầm sản xuất hàng Việt Nam lên thành niềm tự hào hàng Việt Nam, tạo đẳng cấp và diện mạo khác biệt hàng hóa Việt cả hình thức và chất lượng, thay đổi thói quen tiêu dùng, loại bỏ tâm lý sính ngoại, nâng cấp hệ thống phân phối, tạo lập thương hiệu thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới... duy trì tỷ lệ hàng Việt trên thị trường nội địa khoảng 80-90% kênh phân phối hiện đại, 60% trên kênh bán lẻ truyền thống.
Không thể bằng lòng hơn, ông trung niên hồ hởi:
- Các chú ạ! Muốn vậy phải xây dựng văn hóa, ý thức tự giác, gương mẫu trong sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng; giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại sản phẩm một cách minh bạch; tiếp thị, mở rộng hệ thống phân phối, bán lẻ nhất là tại khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn để người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa chất lượng, phù hợp thu nhập. Đồng thời, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, tăng tỷ lệ nội địa hóa và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt. Hiện tại, đại dịch COVID-19 đang gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, không gì khác hơn là chú trọng sản xuất các mặt hàng, sản phẩm có thế mạnh, mở rộng hệ thống phân phối, tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, tăng cường cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, kết nối cung - cầu, liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chú trọng truyền thông; nỗ lực xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư; phát huy hết năng lực sản xuất, kinh doanh, đề cao trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và của cả người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, lưu thông, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhất định phải như vậy, đúng không nào?.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tu-hao-hang-tieu-dung-viet-nam-33135