Tự hào khi hát Quốc ca

Quốc ca là bài hát chính thức của Quốc gia trong các nghi lễ trọng thể, thể hiện khát vọng và ý chí hào hùng của dân tộc. Hát Quốc ca không chỉ là niềm tự hào, mà thể hiện lòng yêu nước của mỗi cá nhân.

 Nghi thức chào cờ của Trường đại học Khoa học, Đại học Huế trong lễ khai giảng năm học mới

Nghi thức chào cờ của Trường đại học Khoa học, Đại học Huế trong lễ khai giảng năm học mới

Nhiều nơi chưa yêu cầu hát Quốc ca

Khai giảng năm học mới 2024 – 2025 của một trường đại học vừa qua, không thể thiếu nghi thức chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca. Khi người điều khiển hô chào cờ, giai điệu bài Quốc ca được phát lên ngay sau đó. Quan sát hội trường, không có nhiều người hát Quốc ca theo giai điệu đang được phát.

Trong một nhóm sinh viên ở cuối hội trường, có một nam sinh viên đứng nghiêm và hát Quốc ca khá to và rõ ràng. Đứng cách khoảng 3 dãy ghế vẫn nghe được lời hát từ nam sinh viên, dù tiếng nhạc khá lớn.

Chia sẻ về tình huống lúc hát Quốc ca, nam sinh viên không giấu sự xúc động nói, là người Việt Nam, khi được hát Quốc ca, bản thân em luôn cảm thấy tự hào. Em không hiểu vì sao các bạn lại quay sang nhìn mình một cách ngạc nhiên như thế. Em cũng đã tham dự một số sự kiện quan trọng có nghi thức chào cờ và hát Quốc ca, hầu hết mọi người đều không hát, mà chỉ đứng nghiêm đợi phát xong nhạc rồi ngồi xuống.

Quan sát một thời gian ở nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng tại các cơ quan, đơn vị có tổ chức phần nghi thức chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca, số lượng người hát Quốc ca rất ít. Lý giải cho điều này, lãnh đạo của một trường đại học vừa tổ chức khai giảng năm học mới vừa qua cho rằng, nếu không mở nhạc, việc hát Quốc ca sẽ không đồng đều, làm giảm đi sự trang nghiêm, hào hùng của bài hát. Việc mở nhạc có lời dần trở nên quen thuộc nên lâu nay nhiều sinh viên không, hoặc ít hát Quốc ca.

Ông Trần Quang Cườm, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền cho biết: Ở trong tất cả buổi chào cờ đầu tháng tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đều quán triệt, yêu cầu chỉ mở nhạc không lời bài Quốc ca và các cán bộ, công chức, viên chức phải hát Quốc ca. Tuy nhiên, đúng là ở một số sự kiện, hầu hết đều mở nhạc Quốc ca có lời và nhiều người chỉ đứng chào cờ, không hát.

Hát bằng trái tim

Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng, thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm của con người Việt Nam với Tổ quốc và Nhân dân. Quốc ca là quốc hồn, quốc túy, nơi tinh thần dân tộc được kết tinh qua từng giai điệu, lời ca. Mỗi lần hát Quốc ca là một lần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, “sợi dây” kết nối giữa quá khứ, đến hiện tại và tương lai.

TS. Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Huế, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đánh giá, hiện nay, ở nhiều nơi, trong lễ chào cờ Tổ quốc mọi người không hát Quốc ca, hoặc thay hát bằng việc nghe nhạc. Điều đó ít nhiều làm giảm tính trang nghiêm và ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca.

Để việc chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca trở thành nề nếp, có tác dụng giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu, đối với các trường mầm non cần khuyến khích dạy hát Quốc ca cho trẻ mẫu giáo và tổ chức sinh hoạt tập thể có hát Quốc ca. Đối với các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục khác, trong lễ chào cờ Tổ quốc, tất cả giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên đều hát Quốc ca.

TS. Nguyễn Văn Quang chia sẻ, thời gian đến, thông qua các buổi sinh hoạt, các hoạt động chuyên môn của Đoàn Thanh niên các trường thành viên, khoa trực thuộc trong Đại học Huế sẽ đưa nội dung hát Quốc ca trong lễ chào cờ vào nội dung bắt buộc. Sinh viên là thế hệ trẻ, nên việc nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc qua nghi thức chào cờ và hát Quốc ca vô cùng cần thiết. Từ đó mới phát huy được tinh thần xung kích của tuổi trẻ, khơi dậy khát vọng cống hiến...

Để việc hát Quốc ca trở thành niềm tự hào, ăn sâu trong “trái tim” của mỗi cá nhân, mỗi cơ sở giáo dục, đoàn thanh niên, hội sinh viên cần tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca; làm cho thế hệ trẻ biết được quá khứ hào hùng, lịch sử bài hát, thế giới đánh giá về lời và giai điệu bài hát. Mỗi lần được hát là một lần khẳng định “Tôi là người Việt Nam”.

UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng nhấn mạnh, tăng cường tuyên truyền là giải pháp quan trọng nhất để việc hát Quốc ca trở thành nề nếp, ai cũng thuộc, cũng hát và biết tự hào khi hát. Thông qua các kênh truyền thông, nhất là các cơ quan thông tấn báo chí, tăng cường tuyên truyền những nơi làm tốt, cách làm sáng tạo; qua đó, để mỗi cá nhân hiểu và thực hiện hát Quốc ca. Làm sao đó, việc hát Quốc ca phải xuất phát từ “trái tim”.

Ngày 13/5/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 136–HD/BTGTU về việc tổ chức Lễ chào cờ tại các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó có lưu ý, khi chào cờ, tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đứng nghiêm, mặt hướng về phía cờ Tổ quốc, cờ Đảng và hát Quốc ca. Các đơn vị có thể mở băng, đĩa, file nhạc bài hát trên nền nhạc thống nhất theo quy định, yêu cầu tất cả mọi người dự lễ phải hát theo.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/tu-hao-khi-hat-quoc-ca-147507.html