Tự hào lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam

Thực hiện chủ trương của Đảng về chi viện cho cách mạng miền Nam, Bộ Công an đã sớm lựa chọn cán bộ để bồi dưỡng và huấn luyện. Với tinh thần 'tất cả vì miền Nam ruột thịt', hơn 11 nghìn cán bộ, chiến sĩ công an cả nước được huy động vào chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng của cả dân tộc. Trong số này, tỉnh Bắc Giang có gần 50 đồng chí.

Tạm gác tình riêng đi chiến đấu

Lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam hầu hết đều là những cán bộ, chiến sĩ đã lập gia đình, có con nhỏ. Vào đó đồng nghĩa với việc họ để lại quê nhà vợ trẻ, con thơ, có ngày đi mà không hẹn ngày về. Vì vậy ai nấy đều phải đấu tranh tư tưởng nhiều lắm. Người nào than thở, kêu khó chuyện gia đình là bị loại ngay.

 Những cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam chụp ảnh lưu niệm.

Những cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam chụp ảnh lưu niệm.

“Trước khi hành quân vào chiến trường, mỗi tuần các tổ đảng phải họp ba lần, xem xét từng đồng chí. Nếu đồng chí nào còn vương vấn chuyện gia đình, chưa thật sự tự nguyện thì phải ở lại, vì nếu còn ngập ngừng, sợ chết, sợ khó khăn, gian khổ thì vào đó chỉ làm ảnh hưởng đến tập thể, đến nhiệm vụ chung mà thôi”, ông Lê Đức Thuận (SN 1942) ở xã Khám Lạng (Lục Nam) nhớ lại.

Ngày đó, ông Thuận là Chính trị viên Trung đội 85 trực thuộc Công an vũ trang tỉnh Hà Bắc. Mong mỏi được tham gia chi viện cho chiến trường, sau hai lần đi “hụt”, đến đầu năm 1974 ông mới được toại nguyện. Khi đó ông Thuận đã lập gia đình và có hai con nhỏ (3 tuổi và 1 tuổi). “Ăn Tết xong, tôi tập kết ở Xuân Mai (Hòa Bình), đến đầu tháng 4 đi vào Khu ủy Khu 5. Lúc đó toàn bộ lương của tôi để ở nhà cho vợ con và cha mẹ. Mình là chính trị viên, vào đây luôn làm công tác Đảng, Bí thư Chi bộ, nếu mình nghiêng ngả, có biểu hiện lung lay thì cả đơn vị sẽ bị ảnh hưởng”.

Tương tự, ngày được huy động chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1972, ông Thân Ngọc Dư (SN 1944) ở thôn Thượng, xã Song Mai (TP Bắc Giang) đang là cán bộ phòng chấp pháp (điều tra hình sự và an ninh) Công an tỉnh Hà Bắc. Để lại quê nhà vợ trẻ và 4 con thơ, có đứa mới chào đời nhưng vì việc nước, ông đã sẵn sàng.

Ông kể: “Lúc đó tôi gầy, đen đúa, chỉ nặng 56 kg nhưng ý chí chiến đấu cao lắm. Có đồng đội mỗi lần gặp nhau vẫn nhắc lão Dư này người gầy nhách mà khỏe, hành quân đường rừng cứ phăm phăm. Chúng tôi được lựa chọn kỹ lắm, nhất là về công tác tư tưởng, nếu có biểu hiện dao động là phải quay về. “Nếu còn ngập ngừng, sợ gian khổ, khó khăn thì không được đi chi viện đâu. Vì vào đó không lăn lộn phong trào, sợ chết thì chi viện làm gì” - ông Dư nói.

Lực lượng công an chi viện cho chiến trường miền Nam luôn là niềm kiêu hãnh, tự hào của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trong thời kỳ hai miền đất nước còn chia cắt. Thắp nén hương lên bàn thờ cha, Đại tá Nguyễn Thơm Nam, nguyên Trưởng phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) - con gái Đại tá Nguyễn Quỳnh (SN 1926) ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang), cựu cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam kể: Tháng 11/1965 cha tôi vào chiến trường chi viện cho miền Nam, được bầu làm Bí thư Đảng ủy Ban An ninh khu Trị Thiên- Huế.

Trước khi đi, ông là Trưởng Phòng an ninh (Công an tỉnh). 38 tuổi ông mới sinh con gái đầu lòng tên là Nguyễn Thị Mỹ Hương lúc đó mới hơn 2 tuổi. Tôi đang nằm trong bụng mẹ. Sau này tôi được sinh ra, chính bố là người đặt tên cho hai chị em tôi. Ông giải thích đặt tên hai chị em như vậy hàm ý là “Bố đi Nam đánh Mỹ” để nhắc nhớ về một thời oanh liệt, hào hùng của dân tộc.

Gian khổ nhưng hào hùng

Từ tỉnh Bắc Giang, ông Quỳnh, ông Thuận, ông Dư và nhiều cán bộ công an khác tiếp tục cuộc hành trình vào chiến trường. Mọi người phải trải qua các khóa huấn luyện quân sự nghiêm ngặt và rèn luyện sức khỏe cho chuyến đi gian khổ sắp tới. “Ngày ngày, ai cũng phải đeo trên lưng hơn 30 kg gồm dụng cụ, thực phẩm, thuốc men, quân tư trang hành quân qua các địa hình rừng núi, sông suối, đi xuyên đêm trong nhiều tháng ròng như thế.

 Cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam báo công với Bác tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên).

Cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam báo công với Bác tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên).

Lúc mới đi chân còn dẻo, sức còn hăng, nhưng rồi một số người không chịu nổi những cơn sốt rét hành hạ, chân cẳng mỏi rời phải trở về tuyến sau, những người bước tiếp phải vượt qua bằng ý chí mạnh mẽ” - ông Thuận nhớ lại những ngày gian khổ nhưng hào hùng. Từ đây, những cán bộ, chiến sĩ đi bộ vào tỉnh Quảng Bình, rồi theo đường Trường Sơn sang Lào.

"Ròng rã hơn 3 tháng trời mới đặt chân đến tỉnh Quảng Nam mà mọi người đặt cho tên là tỉnh 3Đ (đau, địch, đói). Ốm đau, địch thường xuyên oanh tạc, đói rét vì thiếu thốn lương thực, thực phẩm cộng với sốt rét ác tính, nhưng tất cả đều cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- ông Dư nhớ lại.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và lực lượng công an tin tưởng giao phó, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những cán bộ, chiến sĩ công an chi viện chiến trường có người hy sinh, người may mắn được trở về trong niềm vinh quang và tự hào, lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp an ninh Tổ quốc.

Dù biết chiến trường gian khổ, thậm chí có thể hy sinh, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ công an chưa bao giờ e ngại. Để bảo đảm bí mật, tránh bị địch phát hiện là cán bộ công an chi viện, những thứ gì thuộc về miền Bắc như bút, mực Hồng Hà, thuốc lá sông Cầu, thuốc lào Tiên Lãng… đều không được mang theo.

Ngoài ra, để giữ bí mật, mọi người không một ai biết tên thật của nhau, tất cả đều dùng bí danh để khi về chiến trường miền Nam chiến đấu không bị lộ nhiệm vụ hoạt động. Đi dọc đường Trường Sơn qua đất bạn Lào, mọi người phải ngụy trang bằng cách mặc quần áo philaket, đi dép Lào. Đề phòng bị địch bắt, ai cũng chuẩn bị thêm một bộ hồ sơ lý lịch giả, tên tuổi, năm sinh hay quê quán đều phải thay đổi. Nếu chẳng may rơi vào tay địch thì khai theo bộ lý lịch giả để không lộ bí mật.

Đầu năm 1975, tin vui trên khắp các chiến trường liên tục bay về, với những trận thắng dồn dập của quân dân ta. Ngày 30/4/1975, khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, niềm vui đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà chính là thời khắc lịch sử khó quên. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất một dải, non sông thu về một mối. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và lực lượng công an tin tưởng giao phó, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những cán bộ, chiến sĩ công an chi viện chiến trường có người hy sinh, người may mắn được trở về lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp an ninh Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Quỳnh làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Bắc cho đến khi nghỉ hưu. Ông Lê Đức Thuận làm Giám thị Trại giam Ngọc Lý (khi đó thuộc Công an tỉnh Bắc Giang), nghỉ hưu năm 2004 với quân hàm Đại tá. Ông Thân Ngọc Dư trước khi nghỉ hưu năm 2000 là Thượng tá, Trưởng Công an huyện Tân Yên. Các đồng chí khác đều giữ chức vụ trong lực lượng công an nhân dân. Giờ đây tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi lần đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, họ đều cố gắng gặp nhau để nhắc nhớ về một thời gian khó nhưng vô cùng anh dũng, đầy kiêu hãnh và tự hào.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/403628/tu-hao-luc-luong-cong-an-chi-vien-chien-truong-mien-nam.html