Tự hào miền quê mang tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Những ngày này, chúng tôi về thăm xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), nơi sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng và cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. không khí phấn khởi chuẩn bị kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí đã rộn ràng khắp nơi nơi.

Cán bộ khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) giới thiệu hiện vật với các em học sinh. Ảnh: Tuyết Mai

Cán bộ khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) giới thiệu hiện vật với các em học sinh. Ảnh: Tuyết Mai

Những ngày này, chúng tôi về thăm xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), nơi sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng và cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. không khí phấn khởi chuẩn bị kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí đã rộn ràng khắp nơi nơi.

Con đường đến trung tâm xã Hoàng Văn Thụ và khu lưu niệm, nhà tưởng nhớ vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng và cách mạng Việt Nam rợp cờ hoa, biểu ngữ tràn đầy không khí phấn khởi, tự hào của người dân nơi đây. Anh Vi Luận Cương, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Lãng cho biết: Chuẩn bị lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ, từ nhiều tháng nay, bà con trong xã và các đơn vị chức năng tập trung khẩn trương thi công, hoàn thành các công trình cải tạo, nâng cấp đường làng, ngõ xóm và trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm. Ông Hoàng Văn Hảo, người dân ở thôn Nhân Hòa phấn khởi cho biết: Việc tu bổ, tôn tạo, hoàn thiện các công trình hạ tầng của địa phương và nhân dân tham gia thực hiện hôm nay là thể hiện tấm lòng tri ân và niềm tự hào về người con ưu tú của quê hương. Ðây cũng là dịp để các thế hệ hôm nay được giáo dục, bồi đắp truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với Ðảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối”.

Ðồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4-11-1909, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Tuổi thiếu niên, đồng chí đã rời làng lên thị xã Lạng Sơn để học Trường tiểu học Pháp - Việt. Trong thời gian học, chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi khắp cả nước, nhất là cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (năm 1926), đã thôi thúc Hoàng Văn Thụ cùng nhóm học sinh trong trường mày mò tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi sau đó tham gia rải truyền đơn ở thị xã Lạng Sơn, bắt đầu con đường nguyện hiến dâng cuộc đời cho dân tộc, đất nước.

Năm 1928, chàng thanh niên Hoàng Văn Thụ khi đó 19 tuổi, cùng đồng chí của mình từ Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) sang Trung Quốc để bắt liên lạc với đại diện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động ở khu vực Long Châu - Nam Ninh. Với bí danh là Lôi Minh Hạ, đồng chí vừa làm công việc của người thợ cơ khí, vừa thâm nhập tuyên truyền gây dựng các cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Cuối năm ấy, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật ở Long Châu và sau đó được kết nạp vào Ðông Dương Cộng sản Ðảng.

Sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí được Chi bộ đảng phân công phụ trách phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Ðầu năm 1934, Ban Cán sự đảng tỉnh Lạng Sơn được thành lập, đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công trực tiếp phụ trách. Giữa năm 1938, đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương. Ngày 8-9-1939, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập họp tại làng Vạn Phúc (Hà Ðông), bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Tại hội nghị này, Trung ương Ðảng cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 11-1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 diễn ra ở làng Ðình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh), đồng chí cùng với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa I); tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Ðảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Ðảng.

Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25-8-1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Chúng dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình, song không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Rạng sáng ngày 24-5-1944, kẻ thù đã xử bắn đồng chí tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội) trong niềm đau thương vô hạn của đồng bào, đồng chí. Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng vang mãi để các thế hệ sau tiếp bước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Phát huy thành quả sự nghiệp cách mạng lớn lao của đồng chí Hoàng Văn Thụ đối với quê hương, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn đoàn kết một lòng, biến quyết tâm thành những việc làm thiết thực, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ðồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 của Ðảng bộ tỉnh, các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết, tổ chức thực hiện nhiệm vụ gắn với các chương trình trọng tâm bằng những giải pháp đồng bộ, sáng tạo với phương châm đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt bình quân 6,15%/năm; hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị đều đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế tiếp tục phát triển, chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, bổ sung. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống mọi mặt của nhân dân ổn định, từng bước được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp.

Đối với thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, 80 hộ dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, đời sống mọi mặt còn nhiều khó khăn, nhưng phát huy tinh thần cách mạng, truyền thống đoàn kết, đồng thời được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã nỗ lực vươn lên, giành nhiều thắng lợi trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, thôn Nhân Hòa được công nhận khu dân cư kiểu mẫu. Theo Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Văn Ðu, từ một số mô hình điểm về kinh tế nông nghiệp, chi bộ đã nghiên cứu, xây dựng nghị quyết chuyên đề và tổ chức thực hiện, khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, đời sống của bà con trong thôn ngày một ổn định, từng bước vươn lên góp phần để xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 - đơn vị nông thôn mới đầu tiên của huyện Văn Lãng.

Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng Nguyễn Ðình Trường cho biết: Xã hiện có năm mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi nơi cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Bà con các thôn đều phát triển kinh tế đồi rừng với các loại cây hồi, hồng, mận... đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo nhanh, nâng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 40 triệu đồng/năm. Ðến nay, xã Hoàng Văn Thụ có bốn khu dân cư kiểu mẫu, gồm: Nhân Hòa, Long Tiến, Nà Lùng và Thuận Lợi. Thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện và các ban, ngành tiếp tục tập trung quan tâm để cùng địa phương xây dựng xã Hoàng Văn Thụ thành địa phương điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước, xứng đáng với vùng quê mang tên Hoàng Văn Thụ, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương xứ Lạng.

HÙNG TRÁNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42124602-tu-hao-mien-que-mang-ten-nguoi-chien-si-cong-san-kien-trung.html