'Tự hào một dải non sông' - Đề Ngữ văn ấn tượng, giàu cảm xúc
Đề kiểm tra môn Ngữ văn của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu viết một bài phát biểu để phát động hoạt động 'Tự hào một dải non sông' đến toàn thể học sinh trong trường để hướng tới kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).


Gợi ý phần đọc hiểu
Câu 1. Sự kiện chính: Tối 6-4, tại Dinh Độc Lập diễn ra màn trình diễn 3D mapping tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc nhân chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kiểu bố cục: trật tự thời gian.
Câu 2. Dữ liệu sơ cấp.
Câu 3. Yếu tố phi ngôn ngữ có trong văn bản: hình ảnh 1 và 2. Hiệu quả: Giúp người đọc dễ hình dung ra vẻ đẹp độc đáo và không khí náo nức, nhộn nhịp của đêm diễn. Minh họa trực quan, sinh động cho nội dung của văn bản. Tăng độ tin cậy, thuyết phục cho thông tin.
Câu 4. Hào hứng, thích thú trước màn trình diễn độc đáo. Tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, đặc biệt khi những ca khúc truyền thống vang lên, khi hàng nghìn người hòa vào không khí linh thiêng của lịch sử.
Câu 5. Học sinh rút ra lẽ sống phù hợp và giải thích hợp lí: Trân trọng hòa bình và biết ơn thế hệ cha ông. Kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết, kiên cường trong thời bình. Luôn có niềm tự hào dân tộc và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.
Bài phát biểu phát động chuỗi hoạt động "Tự hào một dải non sông
- Đảm bảo cấu trúc bài bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào/ hoạt động xã hội.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Viết một bài phát biểu để phát động chuỗi hoạt động "Tự hào một dải non sông" đến toàn thể học sinh trong trường.
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:
Mở đầu: Giới thiệu phong trào/ hoạt động xã hội cần phát động, hoàn cảnh đọc bài phát biểu, lời chào và chúc sức khỏe đến người nghe. Lý do phát động hoạt động. Học sinh cần gắn với tình huống viết, lời chào lời chúc phù hợp, ý nghĩa.
Nội dung chính: Gợi nhắc về truyền thống, về lịch sử như: Ý nghĩa lịch sử to lớn của ngày 30/4/1975; truyền thống yêu Tổ quốc, yêu quê hương của con người Việt Nam.
Ý nghĩa của chuỗi hoạt động: Khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Thực hiện những việc làm có ý nghĩa trong bối cảnh lịch sử.
Lời kêu gọi hưởng ứng mạnh mẽ và tinh thần trách nhiệm, tự hào của học sinh hôm nay.
Kết thúc: Chào tạm biệt và cảm ơn.
- Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
- Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.