Tự hào những lễ chào cờ đầy cảm xúc
Xuất phát từ truyền thống yêu nước, thúc đẩy tình đoàn kết, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp hiện nay duy trì đều đặn lễ chào cờ đầu tuần, đầu tháng và sinh hoạt tập thể dưới cờ. Đây là một nghi lễ, một nét đẹp văn hóa cần được nhân rộng trong xã hội.
Văn hóa chào cờ - niềm tự hào dân tộc
Thuở nhỏ, chắc hẳn ai cũng từng tham dự lễ chào cờ vào các buổi sáng thứ Hai hay những dịp đặc biệt. Suốt những năm tháng phổ thông có khi đến cả đại học lễ chào cờ vẫn gắn bó với chúng ta vào mỗi đầu tuần. Vẫn còn nhớ khẩu lệnh hô nhất quán: “Tất cả nghiêm, nhìn cờ, chào”, sau tiếng hô, tất thảy học sinh, thầy cô đều hát Quốc ca rất to, rõ ràng, hào sảng với cảm xúc dâng lên trong lòng đầy tự hào, tôn kính. Vậy là ngay từ thuở còn là thiếu nhi cho đến khi trưởng thành, chào cờ và hát Quốc ca đã trở thành nề nếp, thói quen và là hình ảnh quen thuộc trong ký ức.
Với người Việt Nam, chào cờ và hát Quốc ca là nghi lễ thiêng liêng, nghi thức quan trọng thể hiện tinh thần yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc và Nhân dân. Từ khi dân tộc ta giành được độc lập, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên mọi miền đất nước, từ những hải đảo xa xôi đến những vùng quê hẻo lánh, khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên mỗi tấc đất của quê hương. Dưới hình bóng của lá cờ phấp phới, tình yêu dành cho Tổ quốc, lòng tự hào về dân tộc và trách nhiệm với cộng đồng được củng cố và phát triển trong lòng mỗi con người. Đó chính là ý nghĩa sâu sắc của nghi thức chào cờ hàng tuần, đã và đang lan tỏa rộng khắp từng góc đất, từng cộng đồng.
Đồng thời lễ chào cờ nhằm bồi đắp lòng yêu nước, giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Vì vậy, trong các trường học, giờ chào cờ có vị trí vô cùng quan trọng giống như một tiết học đặc biệt giáo dục học sinh thái độ trân trọng Quốc kỳ, nâng cao lòng yêu Tổ quốc.
Nhằm duy trì nét đẹp văn hóa và niềm tự tôn dân tộc, không chỉ trong các sự kiện chính trị lớn, giờ đây, tại các cơ quan, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp..., nghi lễ chào cờ và việc hát Quốc ca vào đầu tuần, đầu tháng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, trở thành một hoạt động thường xuyên; đóng góp vào việc nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm; lan tỏa tinh thần yêu nước của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn dân.
Tại doanh nghiệp C.P Việt Nam, lễ chào cờ không chỉ là một nghi lễ quan trọng, một truyền thống mà còn là cách mỗi cá nhân thể hiện tình yêu sâu sắc đối với Tổ quốc, niềm tự hào về dân tộc và lòng tự hào về bản sắc văn hóa của đất nước Việt Nam. Được biết, trước đây 12 năm, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, nguyên Tổng Giám đốc CPV, Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành CPF, một người Thái Lan với tâm hồn đong đầy tình yêu với đất nước Việt Nam đã khởi đầu việc thực hiện nghi thức chào cờ và hát Quốc ca vào mỗi thứ Hai hàng tuần tại tất cả các trụ sở, văn phòng, nhà máy và chi nhánh của C.P Việt Nam.
Hành động này mang lại cho mỗi nhân viên cơ hội để thể hiện lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc Việt Nam, thể hiện sự tôn trọng và tình yêu đối với quê hương, con người - nơi mà họ sinh sống và làm việc. Từ đó chào cờ và hát Quốc ca dần trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của công ty. Bên cạnh những giá trị thiêng liêng, buổi lễ còn là nơi để tập thể cán bộ, công nhân viên C.P Việt Nam cùng chia sẻ và gắn kết với nhau, khởi đầu cho một tuần mới làm việc tràn đầy năng lượng tích cực.
Nhằm chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5) và hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2024, lễ chào cờ với sự có mặt của hàng vạn công nhân đã được diễn ra. Trước giờ làm việc đầu tuần ngày 22/4, các doanh nghiệp tại tỉnh Nghệ An đã tổ chức đồng loạt nghi thức chào cờ và hát Quốc ca. Trong giai điệu hùng tráng của bài hát Tiến quân ca, trước lá Quốc kỳ và bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn công nhân đã đồng loạt hát vang bài hát Quốc ca thiêng liêng. Đây là hoạt động do Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An tổ chức, diễn ra vào sáng thứ Hai hàng tuần trong “Tháng Công nhân” năm 2024.
Việc các doanh nghiệp tổ chức lễ chào cờ và hát Quốc ca vào mỗi sáng thứ Hai đã khiến tập thể công nhân cảm thấy rất xúc động và tự hào về dân tộc. Hoạt động này cũng đã tạo ra một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ giữa họ và tạo nên một môi trường làm việc tích cực, đầy sức sáng tạo. Chị Phạm Thị Ngân, công nhân may Công ty THNN Wooin Vina cho biết: “Mỗi lần đứng chào cờ, hát Quốc ca tôi đều không thể kiềm chế sự xúc động của mình, bởi vì tôi cảm thấy thật tự hào về dân tộc và đất nước, từ đó giúp tôi và các công nhân khác hăng say hơn nữa trong công việc”.
Có thể thấy, nghi thức chào cờ đầu tuần đã trở thành nền nếp hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Chỉ với một hành động nghe qua tưởng chừng nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn. Không chỉ thể hiện niềm tự hào dân tộc còn góp phần tạo nên không khí phấn khởi để mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bước vào một tuần làm việc hăng say, hiệu quả, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, phối hợp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Chào cờ cần là nhu cầu tự thân
Ở nhiều nước trên thế giới, việc chào cờ, hát Quốc ca được coi là nghĩa vụ, quyền lợi của công dân, được quy định hết sức nghiêm túc và theo thời gian đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi người dân và trong toàn xã hội. Niềm xúc động thiêng liêng, vinh dự và tự hào khi đứng dưới lá cờ Quốc kỳ, hát lên bài Quốc ca là một tình cảm thân thuộc và rất đỗi bình thường đối với mỗi con người. Dù ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dù là phương Đông hay phương Tây, cảm xúc này vẫn luôn tồn tại và tạo nên một sợi dây liên kết vững chắc giữa người dân và đất nước của họ.
Minh chứng tại các sự kiện thể thao quốc tế lớn, người xem trên khắp thế giới thường chứng kiến hình ảnh đặc biệt: các vận động viên đứng trang nghiêm, đặt tay lên ngực trái - nơi trái tim và hát vang Quốc ca khi lá cờ Tổ quốc của họ được kéo lên kỳ đài trước mỗi trận đấu hoặc khi nhận được huy chương. Đây không chỉ là biểu hiện của lòng tự hào dân tộc mà còn là một sự tôn trọng, kính trọng đối với quốc gia của họ và một cách để họ thể hiện niềm vinh dự được đại diện cho đất nước trong các cuộc thi quốc tế.
Dân tộc ta cũng không ngoại lệ, chào cờ và hát Quốc ca vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm và niềm tự hào của mọi công dân Việt Nam, đây là một việc làm có ý nghĩa mang bản sắc văn hóa của quốc gia. Trên khán đài thể thao cũng vậy, chúng ta cũng từng chứng kiến những khoảnh khắc vô cùng xúc động của các vận động viên đại diện cho quốc gia khi đứng trên bục vinh quang tại các sự kiện thể thao quốc tế và khu vực. Và đôi khi, ngay cả lúc đang thi đấu hay trong bất cứ khoảnh khắc nào, tinh thần dân tộc vẫn cứ trào dâng.
Không ít người hâm mộ còn nhớ mãi hình ảnh chàng vận động viên nhảy cao của tuyển điền kinh Việt Nam Đào Văn Thủy dừng thi đấu, đưa tay chào cờ và hát Quốc ca khi Quốc kỳ Việt Nam kéo lên trong kỳ SEA Games 28. Hành động này lập tức gây ấn tượng không chỉ với khán giả trên sân mà cả với ban tổ chức giải. Khi đó Quốc ca Việt Nam đang được kéo lên trong buổi lễ trao huy chương cho 2 vận động viên điền kinh của Việt Nam đoạt Huy chương Vàng và Huy chương Bạc.
Có thể nói, lễ chào cờ không chỉ là một hoạt động thường lệ mà còn là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và phát triển trong xã hội. Nó mang lại sự thống nhất, đoàn kết và tạo ra một môi trường sống, làm việc tích cực, góp phần vào sự phát triển toàn diện của cộng đồng và quốc gia. Nhằm nhân rộng nét đẹp văn hóa ấy, cần tích cực tuyên truyền, vận động các đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân cùng hưởng ứng để việc chào cờ, hát Quốc ca trở thành ý thức tự thân của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tu-hao-nhung-le-chao-co-day-cam-xuc-post511071.html