Tự hào phái đẹp

Những năm qua phụ nữ Tuyên Quang đã kế thừa và phát huy các phẩm chất tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam 'Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang', năng động, sáng tạo, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Đồng thời, các chị em đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và cống hiến trong phát triển kinh tế, lao động, sản xuất, xây dựng gia đình 'No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc'. Qua đó, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Tính đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có trên 144.450 hội viên phụ nữ, trong đó có 118.074 hội viên thuộc xã, phường, thị trấn, 596 hội viên trong lực lượng vũ trang và 25.783 hội viên là nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động là đoàn viên công đoàn. Chị em đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, các cấp Hội Phụ nữ của tỉnh quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng; triển khai và thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ trong toàn tỉnh. Chị em đã được quan tâm tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ, phấn đấu trong công tác; được tham gia vào mọi phong trào, hoạt động do địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức hội tổ chức; được quan tâm, chăm sóc về sức khỏe sinh sản và được cống hiến công sức, trí tuệ cho xã hội.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thúy Hà với các phụ nữ điển hình trong phong trào thi đua yêu nước.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thúy Hà với các phụ nữ điển hình trong phong trào thi đua yêu nước.

Ở mỗi lĩnh vực, mỗi phong trào thi đua, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, phụ nữ đều thể hiện được sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của mình, có những việc làm tốt, cách làm hay được công nhận và nhân rộng. Nhiều chị em đã trở thành các điển hình trong các phong trào thi đua như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn (lực lượng nữ chiếm trên 50% lao động). Trong 5 qua (2015 - 2020), các chị em đã xây dựng được 811 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên (sau khi trừ chi phí). Có thể kể đến mô hình chưng cất tinh dầu Hương Nhu của chị Bùi Thị Thùy, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tú Thịnh (Sơn Dương). Nhờ chuyển đổi hơn 10 ha cây trồng năng suất thấp để trồng cây hương nhu, từ năm 2019, thu nhập của gia đình chị đạt trên 250 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, trở thành mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả được các chị em tham quan học tập. Hiện nay, chị đã trở thành Giám đốc của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh, chuyên ươm cây giống, trồng, chế biến các sản phẩm từ cây hương nhu, cây sả, cây tỏi và trồng các loại cây dược liệu khác.

Đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Ảnh: Thanh Phúc

Đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Ảnh: Thanh Phúc

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nhiều chị đã vượt qua gian khó, trở thành những nữ doanh nhân có tiếng, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế của địa phương. Không những thế, các chị còn có tấm lòng nhân hậu, luôn quan tâm, chăm lo tới lợi ích của cộng đồng xã hội, như các chị: Bùi Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang; chị Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hiệp, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang)…

Phụ nữ trong lực lượng vũ trang luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, vượt qua khó khăn, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhiều chị đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia góp ý kiến xây dựng văn kiện đại hội đảng các cấp; góp ý xây dựng các Luật, Bộ Luật, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 14 chị được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 3 chị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 78 chị được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và tương đương; có 3 chị là đại biểu Quốc hội; 525 chị được bầu vào Ban Chấp hành cấp xã; 21 chị là đại biểu HĐND tỉnh; 90 chị là đại biểu HĐND cấp huyện; 1.139 chị là đại biểu HĐND cấp xã. Nhiều chị đang đảm đương các chức vụ chủ chốt các cơ quan, sở, ngành của tỉnh.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều chị em đã khẳng định được vị thế của mình trên các lĩnh vực khác như: Văn hóa, thể thao và xã hội; giáo dục và đào tạo; khoa học - công nghệ; y tế... Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 22 nữ vận động viên đạt giải thưởng cao trong thi đấu thể thao; có 9 nữ văn nghệ sỹ đoạt Huy chương Vàng, Bạc tại các hội thi, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; 18 chị là chủ nhiệm của các đề tài nghiên cứu khoa học; 179 đề tài có nữ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đang được áp dụng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp…

Phụ nữ toàn tỉnh đã đóng góp 577.858 ngày công vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa, kiên cố hóa kênh mương, làm đường bê tông; hiến 77.629 m2 đất; đóng góp trên 18 tỷ đồng làm nhà văn hóa, đường bê tông nông thôn, đường nội đồng; tham gia lắp đặt 126,7 km cấu kiện bê tông đúc sẵn; hỗ trợ làm mới 65 nhà “Mái ấm tình thương”, sửa chữa 4 nhà cho hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân với trên 1,8 tỷ đồng. Có 23.500 hội viên phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo…

Bên cạnh giỏi việc nước, các chị còn đảm việc nhà, sắp xếp thời gian phù hợp để chăm sóc cho gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học hành giỏi giang và xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị Lê Thị Thanh Hải, ở tổ 2, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) là công nhân quét rác của Công ty CP Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang. Công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng chị vừa nỗ lực làm việc vừa nuôi dạy 2 con trưởng thành. Người con gái cả là cựu sinh viên xuất sắc của trường Đại học Ngoại thương. Hiện đã bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sỹ tại trường Đại học của Đức và đang công tác tại Đức. Người con trai thứ 2, bị bại não thể múa vờn, nhưng với tình yêu thương, chăm sóc không mệt mỏi của chị, cháu đã vượt lên bệnh tật, tự đi đứng và sinh hoạt được, là học sinh giỏi và được tuyển thẳng vào trường Đại học FPT, khoa trí tuệ nhân tạo. Gia đình chị hằng năm đều đạt Gia đình Văn hóa.

Có thể khẳng định, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, ở mỗi địa phương, mỗi hoàn cảnh, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, truyền thống quê hương cách mạng, góp phần quan trọng vào xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.

Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Luôn nỗ lực làm tròn việc nước, việc nhà

Trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ ngoài việc thực hiện trọn thiên chức, vai trò, nhiệm vụ của mình ở gia đình, cần không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành người có văn hóa, tri thức, có kỹ năng sống, có chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời kiến thức mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phụ nữ cũng phải luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, để vừa làm tròn việc nước, việc nhà. Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và mỗi gia đình cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ có cơ hội và điều kiện vươn lên khẳng định khả năng, sức sáng tạo của mình trong mọi lĩnh vực.

Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh

Phụ nữ phải tự tin làm chủ tri thức

Phụ nữ hiện đại cần nỗ lực nhiều hơn trong việc trau dồi, tích lũy tri thức; năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, chủ động học tập, không ngừng hoàn thiện bản thân. Tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu vào BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trên cương vị của mình tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, đề xuất những ý kiến thiết thực, xác đáng trong xây dựng và thực thi chính sách pháp luật về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Cùng với đó, tham gia hiệu quả vào quá trình hoạch định chính sách trong lĩnh vực đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, hoàn thành tốt trách nhiệm của người đại biểu nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp

Cần tiếp tục làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới

Trong xã hội, người phụ nữ có vai trò kép, họ vừa tham gia các hoạt động xã hội vừa đảm đương công việc gia đình. Bên cạnh đó, tâm lý tự ti, mặc cảm, tính hy sinh, nhường nhịn thậm chí cam chịu, an phận… cũng là trở ngại lớn đối với nguồn nhân lực cán bộ nữ. Vì vậy, để làm tốt vấn đề này, cần đưa ra được tổng thể các giải pháp về lồng ghép giới khi xây dựng pháp luật, bảo đảm trong thực thi chính sách, pháp luật... Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới đối với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Bản thân người phụ nữ cần xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti; đồng thời phải có ý thức phấn đấu vươn lên, không thụ động, không ỷ lại, không cam chịu và ngày càng phải hoàn thiện chính bản thân mình.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương

Cân bằng trách nhiệm giữa gia đình và xã hội

Vai trò của người phụ nữ trong thời kỳ hiện đại có nhiều sự thay đổi. Bên cạnh thiên chức làm người phụ nữ trong gia đình thì bên ngoài xã hội cũng cần đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới, phát triển. Cuộc sống hối hả, người phụ nữ hiện đại cần biết cách sắp xếp, làm tròn trách nhiệm vốn thuộc về mình như: Chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục con cái, biết cách cân bằng trách nhiệm với gia đình với việc tham gia các hoạt động xã hội. “Trung hậu - đảm đang” dường như đã trở thành đức tính truyền thống vốn có nhưng đáng ghi nhận ở phụ nữ ngày nay là càng “Tự tin - Tự trọng”, khẳng định vị trí của mình không chỉ trong gia đình mà cả ngoài xã hội.

Thu Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/tu-hao-phai-dep-137974.html