Tự hào quê hương 25 năm tái lập và phát triển
Phú Thọ sau 25 năm tái lập đã thay đổi mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đó là thành quả từ sự năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sự đoàn kết, chung tay góp sức xây dựng không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều tự hào về sự phát triển của quê hương.
* Triển vọng tốt đẹp
Đồng chí Hà Văn Nội – nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa IX
Là đảng viên 62 năm tuổi Đảng, trưởng thành từ cơ sở, trải qua quá trình công tác từ xã, lên huyện và tới tỉnh, tôi may mắn khi được chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của Phú Thọ mấy chục năm qua. Những ngày đầu tái lập tỉnh, khó khăn rất lớn, bởi tỉnh ta vẫn là một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển và chưa đồng đều giữa các vùng. Đặc biệt, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Thanh Sơn, Yên Lập… còn nhiều thiếu thốn. Mặc dù vậy, từ những nỗ lực của toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, sự cống hiến hết mình của lãnh đạo các cấp, những năm sau đó, tình hình KT-XH có chuyển biến tích cực, QP-AN được củng cố, mở ra triển vọng tốt đẹp trong tiến trình đổi mới về sau.Tôi rất phấn khởi trước sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh sau 25 năm tái lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền đã mang lại diện mạo mới cho quê hương, nhất là các thôn, bản vùng cao. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, giao thông đi lại thuận tiện hơn cả trăm lần trước đây. Người dân rất đồng thuận và ủng hộ các chủ trương, chính sách của tỉnh. Tin tưởng rằng, tỉnh đang trên đà phát triển đi lên, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX và BCH các Đảng bộ cơ sở tiếp tục đoàn kết chặt chẽ để tỉnh có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển KT-XH. Từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
* Luôn tin tưởng và tự hào trước bước trưởng thành của tỉnh
Đồng chí Nguyễn Thế Anh – nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh:Sau khi tái lập tỉnh, Phú Thọ có nhiều điều kiện phát triển, đặc biệt, cơ sở vật chất – kỹ thuật của tỉnh được tăng cường đầu tư theo hướng hiện đại, đảm bảo ổn định và phát triển nhanh. Các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, lao động, đất đai và đồi rừng có điều kiện khai thác, sử dụng hiệu quả. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIV – Đại hội đầu tiên sau khi tỉnh được tái lập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành hàng loạt Nghị quyết chuyên đề “Về tiếp tục đẩy mạnh kinh tế trang trại”; “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông”; “Về chương trình phát triển kinh tế - xã hội 31 xã đặc biệt khó khăn”; “Về phát triển công nghiệp – công nghệ thời kỳ 1997 – 2000”; “Về phát triển tiểu thủ công nghiệp Phú Thọ thời kỳ 2001 – 2005”… Đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong đó, chú trọng thực hiện các chính sách dân tộc về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, phù hợp với điều kiện thực tế…Các chương trình, dự án, Nghị quyết chuyên đề đó đã tận dụng, phát huy được tiềm năng sẵn có của tỉnh, động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, đoàn kết, phát huy mọi khả năng sẵn có, nỗ lực kiên cường, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ qua mỗi chặng đường cách mạng. Nhìn lại chặng đường đã qua và những thắng lợi vẻ vang đã giành được sau 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng và 25 năm tái lập tỉnh, chúng tôi luôn tin tưởng và tự hào về những kết quả mà tỉnh đã đạt được. Trong mỗi bước đi lên của sự nghiệp cách mạng, Đảng bộ tỉnh càng trưởng thành và luôn xứng đáng với niềm tin của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
* Góp sức trẻ tô thắm truyền thống quê hương Đất Tổ
Đồng chí Phùng Thị Hồng Chuyên - Phó Bí thư Tỉnh đoàn
Sau 25 năm tái lập tỉnh, Phú Thọ đã có nhiều thành tựu, khởi sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, xứng tầm là mảnh đất cội nguồn dân tộc Việt Nam.Nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong kế thừa và phát huy truyền thống quê hương, Đoàn Thanh niên tỉnh nhà đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực. Trọng tâm là bồi dưỡng lý tưởng, ước mơ, hoài bão, khát vọng hướng tới những điều tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng cho thanh thiếu nhi. Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, xây dựng hàng nghìn công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ…Thông qua đó, thế hệ trẻ chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa, hình ảnh tích cực đến với mọi người và đóng góp sức trẻ của mình vào sự thay đổi của quê hương, xứng đáng với công lao của các thế hệ cha ông đã gây dựng một Phú Thọ tươi đẹp như ngày hôm nay và tiếp tục tình nguyện cống hiến sức trẻ cùng các cấp, các ngành xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du, miền núi phía Bắc, vững bước dưới cờ Đảng quang vinh.
* Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương
Ông Sùng A Tủa – bản đồng bào dân tộc Mông Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân SơnTôi sinh ra và lớn lên ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), sau đó theo bố mẹ về Phú Thọ, lập bản người Mông Mỹ Á ở lưng núi Củm Cò, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất Phú Thọ, đặc biệt là gần 20 năm được cán bộ tin tưởng, dân bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản, tôi chứng kiến nhiều sự đổi thay của quê hương, nhất là từ thời điểm tỉnh Phú Thọ được tái lập năm 1997. Trước đây, từ bản Mông xuống trung tâm xã phải chuẩn bị từ chiều hôm trước, nửa đêm gà gáy là đốt đuốc đeo dao, gùi mo cơm nắm lên đường. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, đường vượt núi từ trung tâm xã về Mỹ Á gần 20km đã hình thành. Tỉnh, huyện còn hỗ trợ xi măng, cát sỏi làm đường liên thôn, liên bản; xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, nhất là hệ thống trường học cho trẻ em bản Mông được đi học đầy đủ. Cùng với hướng dẫn người Mông chuyển từ phá rừng làm nương rẫy sang bảo vệ rừng đầu nguồn và trồng rừng sản xuất, tỉnh, huyện còn đưa các loại cây, con giống mới vào sản xuất nâng cao đời sống của bà con; điện thắp sáng kéo về từng nhà, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng phong phú…Người dân vùng cao chúng tôi rất phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương. Chúng tôi mong muốn, những năm tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tạo ra những bước tiến kỳ diệu. Đặc biệt, tiếp tục có nhiều chính sách quan tâm đầu tư hơn nữa cho vùng cao còn nhiều khó khăn.
* Tạo sinh kế cho đồng bào nhanh thoát nghèo
Chị Triệu Thị Thao - Hội viên Chi hội Nông dân khu Ao Bòng, xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập
Những năm qua, diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang hơn. Đời sống người nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn no ấm hơn. Không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tỉnh đã có cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hợp lòng dân gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Tôi tâm đắc với thành quả 25 năm tái lập tỉnh và 10 năm Phú Thọ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là thành quả về thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo. Đặc biệt thông qua các chương trình, dự án về hỗ trợ sản xuất đã tạo sinh kế cho người dân từng bước vượt lên đói nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh hỗ trợ về phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo, người dân luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền về bảo tồn, phát huy các phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH đối với đời sống của đồng bào dân tộc Dao nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Đó là điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH tỉnh đã đề ra.