Tự hào trí tuệ Việt Nam
Với hơn 2 triệu sáng kiến gửi tham gia Chương trình '1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19' (Chương trình '1 triệu sáng kiến'), trong đó nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi trên 100 tỷ đồng/năm, là minh chứng sống động khẳng định hiệu quả và sức lan tỏa của một phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời khẳng định trí tuệ của công nhân Việt Nam.
Chân dung chủ nhân những sáng kiến “tiền tỷ”
Ẩn trong vóc dáng nhỏ bé, ít ai biết rằng Nguyễn Hồng Diên (nhân viên Công ty TNHH Canon Việt Nam) lại đang sở hữu nhiều sáng kiến làm lợi cho Công ty hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Từ thực tế công việc hằng ngày, nhận thấy việc vận chuyển dưới xưởng khá tiêu hao sức lao động, trong khi đó, một số thao tác có thể cải tiến tự động hóa được, chị Diên và các cộng sự đã lên ý tưởng nghiên cứu giải pháp tạo ra hệ thống tự động hóa. Từ ý tưởng của chị, đội ngũ kỹ thuật của Công ty đã thi công hệ thống tín hiệu gọi hàng, thiết kế hệ thống vận chuyển tự động hóa, lắp đặt tại xưởng làm việc.
Theo đó, trong vòng 4 tháng khi sáng kiến “Cuộc cách mạng cải tiến phương thức vận chuyển - Hiện thực hóa phương thức vận chuyển tối thiểu” của chị Diên được đưa vào vận hành, từ việc hoàn toàn dùng sức người, thì nay, việc di chuyển hàng hóa qua các điểm đã được tự động hóa 100%. Tại thời điểm mới vận hành, sáng kiến đã giúp công ty giảm được 95 nhân sự và tiết kiệm được 60 tỷ đồng. “Đến nay, theo ước tính, đã giảm được hơn 100 nhân sự và làm lợi khoảng 80 tỷ đồng”, chị Diên chia sẻ.
Điều đáng mừng là từ Hệ thống đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2021 ở nhà máy nơi chị Diên công tác, sau đó đã phát triển mở rộng thêm vào năm 2022 và năm 2023, và hiện nay cả 3 nhà máy của Canon tại Việt Nam đều vận hành thiết bị này. Không những vậy, niềm tự hào được nhân lên gấp bội khi ý tưởng của chị Diên và các cộng sự đã được chuyển giao và ứng dụng ở nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản.
Với phương châm tự nhắc nhở bản thân mình: “Lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên”, mỗi ý tưởng nhỏ đều xuất phát từ yêu cầu công việc được giao, để hôm nay tốt hơn mình ngày hôm qua, 5 năm qua, anh Đỗ Hồng Quang - Kỹ sư, Giám sát vận hành Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn là tác giả và đồng tác giả của 1 đề tài nghiên cứu khoa học và 10 sáng kiến có giá trị làm lợi ước tính hơn 1.053 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu thêm vốn kiến thức cho bản thân, anh Quang còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kèm cặp cho 500 đồng nghiệp cùng tiến bộ, vững vàng trong nghề nghiệp.
Chia sẻ về quá trình phấn đấu, vươn lên của mình, kỹ sư Đỗ Hồng Quang cho biết: Học tập tinh thần thi đua yêu nước của Bác Hồ: “Càng khó khăn càng phải thi đua”, “Công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua”, bản thân anh cũng như những người lao động công ty luôn đặt cho bản thân mình mục tiêu cao hơn, ý thức sâu sắc rằng, chỉ có sáng tạo, vượt qua giới hạn bản thân ngay chính từ nhiệm vụ được giao hằng ngày, để mỗi ngày mình tốt hơn mình hôm qua; chỉ có đào sâu nghiên cứu mới tối ưu hóa hoạt động mới mang đến hiệu quả mọi mặt cho Công ty để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh người thợ.
Chị Diên, anh Quang chỉ là 2 trong số hàng triệu tấm gương điển hình của lao động Việt Nam đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, không ngừng tìm tòi, khám phá, sáng tạo để mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho doanh nghiệp và xã hội.
Hơn 2 triệu sáng kiến, làm lợi hơn 33.000 tỷ đồng
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”; ngày 15/12/2021, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động Chương trình “1 triệu sáng kiến”.
Chia sẻ tại Lễ tổng kết Chương trình “1 triệu sáng kiến”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tin tưởng các tập thể, cá nhân sẽ tiếp tục cống hiến, sáng tạo không ngừng và lan tỏa, truyền cảm hứng sáng tạo để ngày càng có nhiều hơn những kỹ sư, công nhân lao động, đoàn viên xuất sắc tiêu biểu trong lao động sản xuất…
Chương trình được triển khai vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng, khi hệ thống chính trị cùng nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao nhất triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời duy trì ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đề ra mục tiêu đạt 1 triệu sáng kiến, tuy nhiên, đến thời điểm kết thúc chương trình (ngày 31/8/2023), đã có hơn 2,4 triệu sáng kiến của công nhân, viên chức, lao động cả nước gửi tham gia Chương trình (đạt 240% mục tiêu đề ra), với tổng giá trị làm lợi ước tính là hơn 33.000 tỷ đồng.
Trong đó, số lượng sáng kiến của đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp là 955.824 sáng kiến (chiếm tỷ lệ 47%); số lượng sáng kiến của đoàn viên là công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp: 732.120 sáng kiến (tỷ lệ 36%); số lượng sáng kiến của cán bộ Công đoàn: 345.723 sáng kiến (tỷ lệ 17%).
Kết quả trên thực sự là minh chứng sinh động khẳng định phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu thực chất và đạt kết quả cao hơn.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tu-hao-tri-tue-viet-nam-165365.html