Tự hào truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển
Cách đây 60 năm, để đáp ứng yêu cầu của giáo dục Phú Thọ và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngày 10/5/1961...
Trường Đại học Hùng Vương.
(baophutho.vn) - Cách đây 60 năm, để đáp ứng yêu cầu của giáo dục Phú Thọ và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngày 10/5/1961, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ký Quyết định thành lập Trường Sư phạm cấp II Phú Thọ, đặt tại thị xã Phú Thọ. Đây là sự kiện trọng đại đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ đồng thời cũng là sự kiện có ý nghĩa nền móng đầu tiên cho lịch sử hình thành và phát triển của Trường Đại học Hùng Vương trong những năm sau này.
Những ngày đầu thành lập, Trường Sư phạm cấp II Phú Thọ chỉ có 39 cán bộ nhân viên và 250 giáo sinh của hai ban Tự nhiên và Xã hội. Trong sự thiếu thốn, khó khăn bộn bề của đất nước thời kỳ chiến tranh và xây dựng CNXH, trong gian khó của những lần sơ tán dưới đạn bom khốc liệt của kẻ thù, thầy và trò nhà trường luôn thấm nhuần lời Bác Hồ căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.
Năm 1970, theo Quyết định của UBHC tỉnh Vĩnh Phú, Trường Sư phạm Cấp II Phú Thọ và Trường Sư phạm Cấp II Vĩnh Phúc đã được hợp nhất thành Trường Sư phạm Cấp II Vĩnh Phú. Năm 1972, UBHC tỉnh Quyết định thành lập Trường Sư phạm 10+3 Vĩnh Phú trên cơ sở Trường Sư phạm cấp II Vĩnh Phú, đánh dấu sự trưởng thành, thay đổi lớn của nhà trường trước nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ 10+3 đáp ứng yêu cầu cải cách giáo dục. Tiếp tục vượt lên trong gian lao, thử thách; với trí tuệ, nghị lực, ý chí, quyết tâm cao, thời kỳ này nhà trường đã đào tạo được một đội ngũ lớn giáo viên cấp 2 hệ 10+3 trở thành những cánh chim đầu đàn trong công cuộc thực hiện cải cách giáo dục. Ghi nhận những cố gắng và thành tích đạt được, năm 1978, Thủ tướng Chính phủ công nhận Trường Sư phạm 10+3 Vĩnh Phú trở thành Trường Cao đẳng Sư phạm (là một trong 16 trường CĐSP đầu tiên của cả nước). Giai đoạn này, quy mô đào tạo của Nhà trường tiếp tục gia tăng trước yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh và các vùng lân cận, nhiều cán bộ nhà trường đã được cử đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế làm chuyên gia giáo dục cho nước CHDCND Lào, được cử đi công tác chi viện cho các tỉnh miền Nam thành lập hệ thống các trường Sư phạm.
Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Hùng Vương đạt thành tích cao trong công tác nghiên cứu khoa học.Thời kỳ hoạt động của Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Vĩnh Phú, nhà trường đã xác định lộ trình, bước đi vững chắc và trở thành một trường CĐSP vững mạnh về mọi mặt, đào tạo đội ngũ giáo viên cấp 2 có trình độ chuẩn quốc gia. Năm 1995, UBND tỉnh Quyết định sáp nhập Trường Trung học Sư phạm 12+2 vào Trường CĐSP Vĩnh Phú trở thành một trường CĐSP đa hệ, có nhiệm vụ đào tạo giáo viên Mẫu giáo, giáo viên Tiểu học có trình độ THSP trở lên và đào tạo GV THCS có trình độ CĐSP. Năm 1997, sau khi tỉnh Vĩnh Phú được chia tách, Trường CĐSP Vĩnh Phú được mang tên Trường CĐSP Phú Thọ. Ngay sau khi tách tỉnh, ngày 18/9/1997 Tỉnh ủy Phú Thọ đã có Thông báo Kết luận số 82 của Thường trực Tỉnh ủy về việc thành lập Trường Đại học Hùng Vương để đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của địa phương. Sau nhiều năm chuẩn bị công phu; sự chỉ đạo quyết liệt, tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, đến ngày 29/4/2003 Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trường Đại học Hùng Vương trên cơ sở Trường CĐSP Phú Thọ. Ngay từ những ngày đầu thành lập, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Hùng Vương tại cơ sở Việt Trì đã được triển khai xây dựng. Nhà trường tập trung chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất, mở ngành đào tạo mới, bồi dưỡng đội ngũ để bắt nhịp ngay với công tác tổ chức đào tạo ở bậc đại học tại cơ sở thị xã Phú Thọ. Với chiến lược đúng đắn và sự quyết tâm của tập thể cán bộ, giảng viên trên cơ sở các giải pháp cụ thể, chất lượng đào tạo ngay từ những khóa đầu đã được xã hội ghi nhận. Uy tín, vị thế của nhà trường được khẳng định.Năm 2017, Trường bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được sáp nhập trở thành Trung tâm trực thuộc Trường Đại học Hùng Vương với nhiệm vụ bồi dưỡng, chuẩn hóa, phát triển kiến thức, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông của Phú Thọ và các vùng lân cận đặt ra cho nhà trường những đòi hỏi mới. Thành quả của trí tuệ, tính khoa học, sự quyết tâm của nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ này là đã nhanh chóng tạo dựng uy tín, thương hiệu về các chương trình bồi dưỡng, phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong, ngoài tỉnh; tạo nên các giá trị, lực đẩy, bước đi mang tính chiến lược cho công tác phát triển, quản trị các mô hình nhà trường phổ thông mới trước bối cảnh thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục. Trải qua chặng đường 60 năm, Trường Đại học Hùng Vương hôm nay đã không ngừng lớn mạnh trở thành một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Phú Thọ và khu vực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Những thành tích lớn lao mà nhà trường đạt được qua các thời kỳ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Hữu nghị của nước CHDCND Lào và nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Phú Thọ,... Đảng bộ nhà trường hàng năm được công nhận trong sạch vững mạnh, các đoàn thể liên tục nhận được Cờ thi đua xuất sắc, nhiều lượt cán bộ, giảng viên được phong tặng danh hiệu cao quý, nhận được Bằng khen các cấp. Đó là những phần thưởng cao quý mang vinh dự cho nhà trường, là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động và sinh viên, học viên của trường trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển. Và phần thưởng cao quý nhất mà các thế hệ thầy trò nhà trường nhận được, đó chính là niềm tin của Nhân dân, của xã hội về chất lượng đào tạo của nhà trường. Phần thưởng ấy được lượng hóa bằng số học sinh, cán bộ lựa chọn, đăng ký học tập, nghiên cứu dưới mái Trường Đại học Hùng Vương ngày một gia tăng.60 năm hành trình trên quãng đường dài đầy gập ghềnh thử thách để kiến tạo thành công, tạo nền móng vững chắc cho Trường Đại học Hùng Vương tiếp tục phát triển. Mục tiêu phát triển của nhà trường đến 2025 là trở thành một trường Đại học có uy tín cao trong khu vực. Nhà trường quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục thực sự là điểm đến lý tưởng để người học gửi gắm ước mơ và hoài bão. Tại ngôi trường này, người học được nuôi dưỡng đam mê, tinh thần sáng tạo, tính tự chủ, chịu trách nhiệm cao cho mỗi quyết định của mình và có khả năng thích nghi với sự thay đổi không ngừng của môi trường toàn cầu.