Tự hào, tự tin hướng tới một Việt Nam hùng cường
Tự hào vì những thành quả đã được trên chặng đường dài đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới sau mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945), dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng mục tiêu về một nước Việt Nam hùng cường sẽ trở thành hiện thực.
Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử
Cách đây đúng 78 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường lịch sử Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh là dịp để mỗi người dân, cán bộ, chiến sĩ ôn lại truyền thống, nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn giá trị về sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước; nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đất nước ta ngay sau khi giành được độc lập đã trải qua những thử thách ngặt nghèo của lịch sử, vừa chiến đấu với những kẻ xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần, vừa dựng xây, phát triển từ một xuất phát điểm rất thấp. Chúng ta phải khắc phục hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã chuyển mình trở thành nền kinh tế đa dạng, có tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng lớn và chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, trải qua 37 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng (1986 - 2023), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế - xã hội ổn định và ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả về mức sống và chất lượng cuộc sống. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh. An ninh quốc phòng được tăng cường, giữ vững. Đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Từ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người chỉ hơn 100 USD trong giai đoạn mới thực hiện cải cách theo công cuộc Đổi mới, nay đã tăng lên khoảng 3.900 USD/người, mức sống của người dân Việt Nam được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo liên tục giảm, công bằng xã hội ngày càng được đảm bảo.
Trong suốt 37 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù từ năm 2020, cũng như nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề của đại dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Những thành quả của quá trình phát triển cũng đưa Việt Nam lên thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Năm 2023, “Chỉ số hạnh phúc toàn cầu” của Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên hợp quốc.
Sau 37 Đổi mới, mở cửa và hội nhập, quy mô kinh tế nước ta phát triển vượt bậc, tăng gấp hơn 12 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 9 lần, kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng khoảng 30 lần, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại, cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt hơn 11 tỷ USD (năm 2022); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn 20 lần. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 4,3% hộ nghèo đa chiều 2,23% năm 2022 (năm đầu tiên tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022 - 2025).
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người/tháng (theo sức mua tương đương - PPP). Theo dữ liệu của IMF, năm 1990, GDP bình quân (tính theo PPP) của Việt Nam đạt khoảng 1.151 USD, xếp thứ 141/161 trên thế giới. Năm 2022, GDP bình quân (PPP) Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 13.075 USD, xếp thứ 108 trên thế giới. World Economics dự báo, đến năm 2030, GDP theo PPP của Việt Nam sẽ tăng lên 2.848 tỷ USD, tăng 85,5% so với 2022.
Cùng với những kết quả về phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên; trang thiết bị, vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao được đầu tư nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang.
Cơ sở vững chắc hiện thực hóa khát vọng hùng cường
Từ một nước bị cấm vận, bao vây cô lập, Việt Nam tới nay đã có quan hệ ngoại giao với 190 trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; quan hệ hợp tác, đối tác với nhiều tổ chức lớn, uy tín trên thế giới. Một trong những thành tựu đối ngoại để lại dấu ấn đậm nét là Việt Nam hai lần được tín nhiệm bầu với đa số phiếu gần tuyệt đối mà Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - cơ quan quan trọng và quyền lực nhất của tổ chức lớn nhất thế giới với 193 thành viên là những quốc gia độc lập - trong 2 nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021. Việc giành được tín nhiệm rất cao, đồng thời đảm đương thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an trong cả hai nhiệm kỳ minh chứng cho vị thế quốc tế mới của Việt Nam và niềm tin của cộng đồng quốc tế vào chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng như đóng góp có hiệu quả cùng năng lực điều hành của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam trước Đổi mới năm 1986 từng bị coi là quốc gia phụ thuộc lớn vào viện trợ nước ngoài, nhưng cách nhìn nhận này của thế giới về Việt Nam dần hoàn toàn thay đổi. Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, đến hôm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, trong đó có 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; quan hệ hợp tác, đối tác với nhiều tổ chức lớn, uy tín trên thế giới; vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Việt Nam là đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đạt được đã nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Thế và lực của đất nước ta không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Lan tỏa mạnh mẽ hào khí Quốc khánh 2-9 hôm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước; phấn đấu “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chúng ta niềm tin sâu sắc cơ sở vững chắc để hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Chúng ta sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên trì đẩy mạnh toàn diện đồng bộ sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn, phát huy những di sản quý báu mà các thế hệ người Việt Nam đã dày công vun đắp. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ…
Tự hào vì những thành tựu to lớn đạt được, tự tin vì có sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng mục tiêu về một Việt Nam hùng cường sẽ trở thành hiện thực.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-hao-tu-tin-huong-toi-mot-viet-nam-hung-cuong-post550572.antd