Tự hào về mảnh đất lịch sử
Là người con của mảnh đất Điện Biên, bạn tự hào về điều gì nhất? Hầu hết mọi người đều trả lời đó là lịch sử hào hùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ. Niềm tự hào đó được nhân lên từ thế hệ này sang thế hệ khác, để lớp lớp người Điện Biên ghi nhớ và thêm trách nhiệm, cùng chung tay xây dựng và phát triển mảnh đất này.
Niềm tự hào đó được thể hiện bằng nhiều hành động. Nhưng giản đơn có thể là sắc cờ đỏ rực khắp phố phường, ngõ xóm vào những ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước. Là sự kiêu hãnh, hạnh phúc khi giới thiệu cho bạn bè, du khách thập phương về quê hương mình... Trong những ngày lễ vừa qua, niềm tự hào còn được thấy qua từng bước chân đến các địa danh lịch sử trên địa bàn, tay bấm vô vàn bức ảnh, với sự hào hứng như muốn “khoe” quê hương với tất cả mọi người. Dù số lần đến những di tích này của 1 người dân Điện Biên có thể không đếm xuể.
Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh, trong 3 ngày cao điểm của kỳ nghỉ lễ (29, 30/4 và 1/5), các điểm di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đã thu hút gần 20.000 lượt khách tới tham quan; trong đó, gần 5.000 người trong tỉnh. Lượng khách đến với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong 3 ngày cũng đạt hơn 18.000 lượt.
Dịp này, gia đình ông Đặng Văn Hào, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên dành thời gian thăm các di tích lịch sử. Ông Hào chia sẻ: “Gia đình tôi có 8 người. Từ sớm ngày 30/4, tôi dẫn con cháu đến thắp hương Nghĩa trang Liệt sĩ A1, rồi lên thăm Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hầm Đờ - cát. Các cháu nhỏ hào hứng nghe kể chuyện lịch sử. Gia đình sẽ duy trì việc này hàng năm để con cháu hiểu hơn về nơi mình sinh và lớn lên. Năm nay du khách đông vui, nhộn nhịp quá, thấy mừng cho tỉnh mình và thêm tự hào khi ngày càng có nhiều người từ khắp mọi miền tìm đến các chứng tích lịch sử”.
Là sinh viên xa nhà, em Nguyễn Thị Thùy, Khoa Khoa học Quản lý, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia (Hà Nội), thường xuyên nhận câu hỏi đến từ thầy cô, bạn bè. Quê hương Điện Biên luôn là niềm tự hào mỗi khi em nhắc đến. Mới đây, Thùy tham gia hoạt động sinh viên tình nguyện, cùng nhiều bạn trong khoa và kết hợp cùng khoa khác trang trí, vẽ tranh trên tường cho Nghĩa trang Liệt sĩ quận Hà Đông. Khi phân công hình để vẽ trong kho hình đã duyệt, Thùy nhận ngay bức bộ đội ta phất cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng” trên nóc hầm Đờ cát - Sở chỉ huy Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp.
Thùy kể lại: “Khi thấy bức hình, một lần nữa trong em trỗi lên niềm tự hào quê hương vô cùng, nói thật to với tất cả các bạn rằng đây là quê mình. Em nhận vẽ bức hình lên một ô tường Nghĩa trang Liệt sĩ quận Hà Đông. Hoạt động này làm em nhớ đến các nghĩa trang liệt sĩ tại quê nhà, biết ơn và trân trọng mỗi người lính đã anh dũng chiến đấu và hi sinh. Mỗi nét bút, em đều cố gắng trau chuốt, mang cả tình yêu và niềm tự hào vào đó, với mong muốn có thể vẽ 1 bức tranh đẹp trong khả năng bản thân, góp phần tô điểm cho nơi yên nghỉ của các liệt sĩ thêm sinh động, ý nghĩa”. Tự hào về mảnh đất lịch sử, Thùy cũng như bao sinh viên khác đến từ Điện Biên đều ra sức học tập, tích cực tham gia các hoạt động xã hội để trau dồi, hoàn thiện bản thân, có thể góp sức cho quê hương, đất nước.
Niềm tự hào quê hương được hình thành từ khi thơ ấu. Nhất là ngày nay các gia đình, cơ sở giáo dục từ cấp mầm non, tiểu học đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động thực tế, giáo dục truyền thống, đưa lịch sử địa phương vào bài học. Việc các lớp, các trường tổ chức cho học sinh thắp hương nghĩa trang liệt sĩ, tham quan, trải nghiệm, nghe thuyết minh tại bảo tàng hay các di tích lịch sử đã trở nên phổ biến, thường xuyên. Qua đó, hiểu biết về lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử nơi mình sinh ra và lớn lên nói riêng trong các em được tăng cường, củng cố. Tình yêu, niềm tự hào cũng được vun đắp ngày càng lớn.
Mới đây, em Nguyễn Đức Thành, Trường THCS xã Pom Lót, huyện Điện Biên cùng các bạn trong khối được nhà trường phối hợp cùng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tổ chức cho trải nghiệm “Chúng em làm Chiến sĩ Điện Biên”. Thành được nghe, được tìm hiểu, được hóa thân làm người lính, người dân công hỏa tuyến năm xưa thông qua các trò chơi tư duy, vận động, đẩy xe đạp thồ… Thành chia sẻ: “Đây là hoạt động về lịch sử ý nghĩa, thú vị nhất em từng tham gia. Qua các hoạt động, em cảm nhận, hiểu được phần nào khó khăn, vất vả, hiểm nguy của những người lính, người làm công tác phục vụ, hậu cần cho chiến trận, cụ thể là Chiến dịch Điện Biên Phủ, để làm nên chiến thắng và hòa bình ngày nay. Em thấy quê hương mình thật đẹp, nhưng đẹp nhất là lịch sử hào hùng”.
Thắp sáng trong mình niềm tự hào quê hương với lịch sử “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chắc chắn mỗi người con Điện Biên sẽ có thêm niềm tin, trách nhiệm để vượt qua khó khăn, nỗ lực học hỏi và phấn đấu, góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/205602/tu-hao-ve-manh-dat-lich-su