Tự hào về mẹ
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc có sự đóng góp to lớn của những bà mẹ. Các mẹ đã háo hức tiễn chồng, con lên đường khi Tổ quốc cần, rồi lặng thầm đón nhận tin dữ - chồng, con hy sinh. Hòa bình, theo công trạng các mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các mẹ là tấm gương sáng về đức hy sinh, sự cống hiến hết mình cho Tổ quốc.
ĐIỂM TỰA
Năm nay 92 tuổi nhưng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xứng, ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) vẫn còn mạnh khỏe và minh mẫn. Mẹ kể chúng tôi nghe chuyện hai người con trai anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mẹ Xứng chia sẻ: “Mẹ nhớ thương hai con, hai đứa ra đi khi còn quá trẻ”.
Năm 19 tuổi, mẹ Xứng lấy chồng, đến năm 20 tuổi, mẹ sinh anh Phan Văn Cháp. Hai năm sau mẹ sinh anh Phan Văn Bảnh. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhà của mẹ Xứng nằm trong vùng căn cứ cách mạng, dù giặc ném bom xăng cháy nhà 3 lần nhưng mẹ kiên quyết ở lại để che chở cán bộ, chiến sĩ. Mẹ Xứng kể: “Chồng mẹ làm giao liên, mẹ ở nhà làm ruộng, chà gạo nuôi chứa chiến sĩ cách mạng. Những khi giặc càn quét, bỏ bom, mẹ đưa các con xuống hầm trốn, có những gia đình không kịp trốn bị giặc ném bom chết cả nhà”.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xứng tưới cây. Ảnh: THU OANH
Nung nấu lòng căm thù giặc, anh, em trai của mẹ Xứng tham gia hoạt động cách mạng và cả 3 người anh dũng hy sinh. Khi anh Cháp 16 tuổi, mẹ đồng ý cho anh tham gia hoạt động cách mạng ở huyện Vĩnh Thuận. Một năm sau, anh Cháp rời Vĩnh Thuận đi bộ đội ở Cần Thơ. Hai năm sau, anh Bảnh xin mẹ đi hoạt động cách mạng, mẹ nói: “Con hãy vững tin lên đường đánh giặc cứu nước, mẹ tin quê hương sẽ sớm giải phóng”.
Mẹ Xứng kể: “Tôi nhớ năm đó Cháp và Bảnh hoạt động ở Giồng Riềng, rước tôi về ăn tết. Đó là lần đầu tiên tôi gặp lại Cháp sau 3 năm con đi hoạt động cách mạng…”. Nói tới đó, mẹ Xứng nghẹn ngào bởi niềm vui nào có trọn vẹn, hai tháng sau tết mẹ Xứng nhận được tin anh Cháp hy sinh. “Đến nay, mẹ không tìm được hài cốt của Cháp. Con hy sinh khi mới 20 tuổi, khi chưa có vợ, con…”, mẹ Xứng nói.
Năm 1977, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, anh Bảnh anh dũng hy sinh ở biên giới Hà Tiên khi 23 tuổi. Trước đó, anh Bảnh nói với mẹ sẽ kết hôn, chưa kịp tổ chức đám cưới... Nỗi đau nối tiếp đến với mẹ Xứng nhưng mẹ gạt nước mắt, nuôi 8 người con khôn lớn. Mẹ là điểm tựa, niềm động viên cho con, cháu noi theo về truyền thống cách mạng, tinh thần quật khởi.
Chị Hồ Kim Tíu - con dâu út của mẹ Xứng nói: “Mẹ dạy con cháu phải phát huy truyền thống cách mạng. Nghe lời dạy của mẹ, chúng tôi chăm lo cho các con, hiện hai con của tôi, cháu nội của mẹ đều công tác trong ngành công an. Con của chị thứ bảy là công chức công tác tại TP. Hà Tiên, con chị thứ tám cũng làm công an. Con, cháu trong nhà cố gắng lao động, học hành đàng hoàng để mẹ vui”.
NHƯỜNG CƠM CHO CON
Đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thận (84 tuổi), ngụ phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá (Kiên Giang), chúng tôi vui khi mẹ vẫn còn minh mẫn. 45 năm trôi qua mẹ vẫn nhớ chồng và con trai đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Không biết bao lần mẹ Thận khóc vì nhớ chồng, thương con hay khi nghe ai đó nhắc về chồng, con của mẹ.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thận (giữa) cùng con gái và cháu ngoại xem lại di ảnh của chồng. Ảnh: CẨM TÚ
Dáng người nhỏ nhắn nhưng ẩn chứa bên trong mẹ Thận là nghị lực phi thường. Mẹ kể, chồng và con trai mẹ tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nhận nhiệm vụ lái xe vận chuyển vũ khí ra chiến trường. Khoảng thời gian chồng, con trai tham gia kháng chiến là những tháng ngày mẹ thấp thỏm, lo lắng cho sự an nguy của người thân vì chiến tranh ác liệt. Một buổi chiều cuối tháng chạp năm 1978, nhận tin báo tử của chồng và con trai, mẹ Thận chết lặng. Đau đớn, mẹ có ý định quyên sinh nhưng nghĩ đến các con thơ dại, mẹ cố gắng gượng dậy.
39 tuổi trở thành góa phụ, mẹ Thận không đi bước nữa, một mình nuôi 11 người con. “Lúc đó khổ lắm, thiếu thốn, mẹ phải chạy ăn từng bữa. Hàng ngày mẹ gánh xôi đi bán, làm việc không nghỉ để lo cho các con. Nhìn các con ăn cơm nấu với chuối già ngon lành mà mẹ nghẹn ngào. Thương con, mẹ nhịn đói nhường cơm cho con ăn”, mẹ Thận nói. Nỗi đau chưa nguôi, 3 năm sau, mẹ Thận lại gánh chịu nỗi đau chia ly khi lần lượt mất thêm 3 người con vì bệnh tật. Hiểu sự hy sinh lớn lao, nỗi vất vả của mẹ, các con của mẹ chăm lo làm ăn, sống có ích cho xã hội. Các con hiếu thảo, hòa thuận, yêu thương nhau, mẹ Thận vui mừng, mãn nguyện.
Mẹ Thận sống cùng con trai út, trong gia đình mẹ giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng, sống hữu ích. Em Võ Thị Kim Xuyến - cháu mẹ Thận chia sẻ: “Em tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình, nhất là về ngoại. Ngoại kiên cường trải qua bao mất mát, đau thương nhưng vẫn trọn lòng chung thủy, hết lòng vì các con. Con mong ngoại luôn khỏe để mãi là điểm tựa tinh thần cho con cháu”.
Bài và ảnh:THU OANH - CẨM TÚ
Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//chinh-tri/tu-hao-ve-me-13606.html