Tự hào, xúc động về những ngày tham gia xây dựng Lăng Bác

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Ðình (Hà Nội) được mệnh danh là 'công trình lòng dân', bởi không chỉ được xây dựng bằng những vật liệu quý do Nhân dân tuyển chọn đưa về từ khắp mọi miền của Tổ quốc, mà còn có sự đóng góp của những người thợ giỏi ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh Hưng Yên cũng vinh dự có những người thợ đóng góp công sức nhỏ bé tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Gần 50 năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về những ngày tham gia xây dựng Lăng Bác không bao giờ quên với cựu công nhân Nguyễn Văn Ðán, hiện đang sinh sống ở khu phố Bắc Lê Hồng Phong, phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên). Nâng niu trên tay kỷ vật minh chứng cho thời gian tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Ðán bồi hồi nhớ lại: Sau thời gian hoạt động cách mạng, năm 1969 tôi phục viên trở về địa phương và là công nhân Công ty xây lắp 2 Hải Hưng. Từ tháng 3/1973 đến tháng 11/1975, tôi được công ty lựa chọn, cử đi xây dựng Lăng Bác Hồ. Tiêu chuẩn để được lựa chọn tham gia xây dựng Lăng Bác phải là những người có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, tay nghề giỏi.

Trước khi tham gia xây dựng Lăng, ông Ðán và các công nhân khác được bố trí chỗ ở tại khu Quần Ngựa, quận Ba Ðình (Hà Nội) khoảng nửa tháng. Sau đó, công nhân được phổ biến và phát 1 quyển sổ tay cá nhân để ghi chép về các quy chế và nội quy cần tuân thủ khi làm việc. Trong đó lưu ý, công nhân làm việc phải có tác phong nhanh nhẹn, gọn gàng, đúng giờ. Mỗi công nhân sẽ có giấy ra, vào khu vực mình làm việc, ví dụ như: Khu A, B hoặc C. Công nhân chỉ được ra, vào và làm việc ở khu vực ghi trong giấy ra, vào… Khi ấy, ông Ðán được phân công vào đơn vị mộc, làm việc cùng với hàng trăm người ở khắp các tỉnh trên cả nước để làm cửa ra, vào Lăng. Ông Ðán xúc động bày tỏ thêm: Thời gian tham gia xây dựng Lăng Bác, tôi chỉ được về thăm gia đình 1 lần. Chúng tôi dành toàn bộ tâm trí, sức lực và lòng thành kính để tập trung hoàn thiện các hạng mục của Lăng Bác. Mọi người đều làm việc hăng say không biết mệt mỏi. Có thời điểm, chúng tôi phải làm tăng ca đến 40 công/tháng để bảo đảm tiến độ nhưng mọi hoạt động vẫn được các tốp thợ phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với quyết tâm xây dựng nơi an nghỉ vĩnh hằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách tốt nhất, bảo đảm kỹ thuật khắt khe, tuyệt đối an toàn và bền vững với thời gian.

Với nhiệm vụ xây dựng khu vực đại lộ Bắc Sơn - con đường lớn dẫn đến quảng trường Lăng Bác, ông Phan Tiến Thinh ở thôn Cẩm Sơn, xã Cẩm Xá (thị xã Mỹ Hào) cùng những người thợ trong đơn vị luôn tâm niệm, dồn tất cả tâm trí và sức lực để xây dựng các hạng mục thuộc Lăng Bác. Ông Thinh nhớ lại: Tháng 6/1975, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ tham gia xây dựng Lăng Bác. Nhiệm vụ của chúng tôi là chở đất, cát để đầm nền, san mặt đường. Kỷ niệm nhớ nhất trong thời gian tham gia xây dựng Lăng Bác là tôi giành giải Nhất hội thao gánh đất do đơn vị tổ chức. Khi ấy, hội thao diễn ra trong vòng 1 giờ, tôi đã gánh đất với tần suất 1 phút/chuyến với khối lượng khoảng 70kg/chuyến. Tôi được Bộ trưởng Bộ Xây dựng tặng danh hiệu Kiện tướng gánh đất. Ngoài việc xây dựng đại lộ Bắc Sơn, chúng tôi còn xây dựng các bồn hoa bên cạnh Lăng Bác. Xung quanh Lăng là một khuôn viên thoáng rộng, trồng nhiều loài cây và hoa đặc trưng của từng vùng, miền từ Nam ra Bắc như: Tre, chò nâu, hoa ban… Ðây là biểu trưng cho lòng thành kính của Nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ. Mỗi một khuôn viên chúng tôi lại xây dựng làm sao cho phù hợp với từng nhóm cây bóng mát, cây ăn quả hay hoa trang trí. Khi ấy, chúng tôi tuân thủ kỷ luật lao động như kỷ luật quân đội và động viên nhau, tập trung cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Văn Đán ở phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên)ôn lại kỷ niệm tham gia xây dựng Lăng Bác

Ông Nguyễn Văn Đán ở phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên)ôn lại kỷ niệm tham gia xây dựng Lăng Bác

Mặc dù chỉ được tham gia công việc phía bên ngoài Lăng Bác nhưng đối với ông Nguyễn Quang Vinh, xã Hưng Long (thị xã Mỹ Hào), đây là niềm vinh dự và tự hào vô cùng to lớn trong cuộc đời. Ông Vinh kể lại: Công việc chính của chúng tôi là mài và đánh bóng đá hoa cương ốp phía ngoài Lăng Bác. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao để các đường chỉ ốp liền mạch, bảo đảm tính thẩm mĩ nên thường được những người thợ có tay nghề bậc cao thực hiện. Sau khi đá ốp xong, chúng tôi chủ yếu vệ sinh và xảm các mạch đá bằng chì, đánh bóng mặt đá. Ngoài ra, đơn vị tôi còn phối hợp với các đơn vị khác được giao nhiệm vụ xây dựng một số công trình phụ trợ của Lăng Bác như: Bồn hoa, các ô đất trồng cỏ tạo cảnh quan…

Ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Ðây không chỉ là công trình có ý nghĩa chính trị và tư tưởng vô cùng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của dân tộc Việt Nam đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, mà còn là công trình văn hóa đặc biệt, là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của đất nước. Ngày nay, những người con Hưng Yên vinh dự được đóng góp công sức nhỏ bé hoàn thành công trình lịch sử giữa Thủ đô Hà Nội ấy vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân và gia đình sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thái Hà

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tu-hao-xuc-dong-ve-nhung-ngay-tham-gia-xay-dung-lang-bac-3175040.html