Từ Hiệp định Paris đến chiến thắng năm 1975: Những câu chuyện giờ mới kể
Những cảm xúc và câu chuyện đằng sau tiến trình đàm phán Hiệp định Paris năm 1973 - cột mốc quan trọng tiến đến đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn vẹn nguyên giá trị.
Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện vai trò quan trọng, tích cực và chủ động của mặt trận ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, trên cơ sở đề cao nguyên tắc hòa bình, độc lập, tự chủ, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sự ủng hộ đoàn kết của nhân dân thế giới, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân 1975.
Tuy nhiên con đường dẫn đến Hiệp định Paris và Hội nghị Paris không “trải hoa hồng” mà còn nhiều câu chuyện đằng sau đó.
Con đường gian nan
Điểm lại con đường dẫn đến Hiệp định Paris năm 1973, TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định đây là thắng lợi lớn của ngoại giao của Việt Nam, so với hai hiệp định trước là Geneve năm 1954 và Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.
Hiệp định đem lại nhiều “cái được” cho các bên tham gia kí kết. “Đất nước lúc đó vẫn chia cắt nhưng “Mỹ cút thì ngụy nhào”. Vấn đề Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam đạt được trong Hiệp định là vô cùng quan trọng”, ông Minh phân tích. Về thách thức, Mỹ lúc đó đẩy mạnh chiến lược 3 gọng kìm bao gồm ngoại giao, quân sự, truyền thông nhằm cô lập Việt Nam. Trong đó đặc biệt về truyền thông, Mỹ công khai các đàm phán bí mật, mục đích nhằm khẳng định với dân Mỹ là Việt Nam không có thiện chí đàm phán…
Bối cảnh này cho thấy sức ép lớn đối với việc đàm phán Hiệp định Paris. Tuy nhiên đến ngày 8/10/1972, có một sự đột phá lớn gần như là nền tảng cho văn bản ký năm 1973, đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu kết thúc chiến tranh, quân Mỹ và đồng minh phải rút khỏi Đông Dương trong vòng 60 ngày, trao trả toàn bộ tù binh, chính quyền Sài Gòn và Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục được tồn tại. Nội dung chính của văn bản dự thảo ngày 8/10 gần như được lặp lại hoàn toàn trong văn bản ký chính thức năm 1973. Lá bài cuối cùng được Mỹ tung ra là quyết định ném bom 12 ngày đêm tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc và sự thất bại hoàn toàn đã khiến Mỹ buộc phải quay lại ký Hiệp định lịch sử vào tháng giêng năm 1973 phải quay lại ký.
“Hiệp định Paris là nỗ lực ngoại giao của tất cả các bên. Đối với Việt Nam có 3 yếu tố để chúng ta thành công, đó là tỉnh táo, độc lập và mềm dẻo”, ông Quang Minh nói.
Dấu ấn Hồ Chí Minh trong đàm phán ngoại giao
Trong khi đó, Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhận định chiến thắng của ngành ngoại giao trong giai đoạn 1973-1975 là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có việc vận dụng thành công “dấu ấn Hồ Chí Minh” trong đàm phán ngoại giao.
Ông Nguyễn Dy Niên cho đến nay vẫn nhớ như in những diễn biến thúc đẩy tiến đến Hiệp định Paris lịch sử năm 1973. “Riêng yếu tố thời điểm, bác Hồ đã dạy phải chọn “đúng lúc, đúng điểm rơi” thì mới hiệu quả. Khi ấy chúng ta chịu nhiều sức ép từ đối phương lẫn cả đồng minh, muốn ép chúng ta hòa hoãn với Mỹ . Đàm phán “non” thì không thể thực chất bởi ý đồ của Mỹ là dùng đàm phán leo thang, kéo dài chiến tranh và củng cố vị trí của chính quyền Sài Gòn”, ông Nguyễn Dy Niên kể lại.
Theo Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tính toán của Đảng lúc đấy là chọn thời điểm ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ tiêu tan, kết hợp các cuộc đấu tranh miền Nam và miền Bắc vào những năm 1965-1967. Đỉnh cao là sự kiện Tết mậu thân năm 1968 - cuộc nổi dậy của quần chúng - vừa kết hợp đấu tranh vũ trang và chính trị, trở thành sự kiện quan trọng để Mỹ không còn ý chí kéo dài chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán nghiêm túc.
Một điều quan trọng khác mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy đó là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. “Những điều chúng ta có thể thỏa hiệp được thì thỏa hiệp nhưng cái cốt lõi thì không bao giờ được phép thỏa hiệp”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên khẳng định.
Ví dụ trong vấn đề Mỹ rút quân khỏi miền Nam miền Nam. Lúc bấy giờ chúng ta giữ luận điểm đanh thép là dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một cho nên ở đâu có giặc thì người Việt Nam có bổn phận đến đó bảo vệ tổ quốc. "Đây là một dân tộc nên không thể phân biệt hai miền”, ông Niên nhấn mạnh.
Ngay cả sau khi Hiệp định Paris được ký tắt, Kissinger vẫn hỏi ông Lê Đức Thọ, rằng vào thời điểm này hiệp định đã ký rồi – không gì có thể sửa đổi. Tôi chỉ muốn hỏi một câu Yes (Có) hay No (Không) rằng có quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam không? Lê Đức Thọ nhắc lại câu trả lời như trên, khiến Kissinger vô cùng thất vọng. Đó là nguyên tắc không thể suy chuyển, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Niên kể.
Có thể nói, Hiệp định Paris sự tổng hòa của nhiều yếu tố đáng chú ý trong quá trình đàm phán, như nắm vững và vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; chọn thời điểm đàm phán phù hợp, hiểu rõ nhân tố con người lịch sử và văn hóa, qua đó đưa đến thắng lợi trong tầm tay. Nhiều nguyên tắc đàm phán vận dụng tư tưởng của Bác cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.