Từ hiểu đúng chương trình Ngữ văn đến đề minh họa để chủ động dạy, học, ôn luyện

Từ hiểu đúng chương trình đến hiểu đúng đề minh họa, giáo viên, học sinh sẽ chủ động trong quá trình dạy, học và ôn luyện chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới.

Chương trình Ngữ văn 2018 cấp trung học phổ thông được triển khai từ năm 2022. Cấu trúc, mục tiêu Chương trình 2018 khác so với Chương trình 2006 dẫn đến phương pháp dạy của giáo viên phải khác, yêu cầu học sinh học cũng khác nên giáo viên, phụ huynh đều quan tâm đến cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm 2025 sẽ thay đổi như thế nào. Vì thế, cuối năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề minh họa; năm 2024, Bộ công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp. Nhiều giáo viên bàn luận về hai khái niệm “minh họa” và “tham khảo”, không biết khác nhau như thế nào.

Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, minh họa là làm rõ thêm, sinh động thêm nội dung của tác phẩm văn học hoặc của bản trình bày, bằng hình vẽ hoặc những hình thức dễ thấy, dễ hiểu, dễ cảm”, “tham khảo” là tìm đọc thêm tài liệu, xem xét, nghe ngóng thêm ý kiến có liên quan để biết rõ hơn về vấn đề.

Xét về cơ bản, đề minh họa và đề tham khảo giống nhau về định dạng, cấu trúc gồm 2 phần: đọc hiểu và viết, điểm tương ứng là 4 - 6, thời gian làm bài là 120 phút; tỷ lệ % điểm 3 cấp độ tương đương nhau và đều đảm bảo đánh giá được năng lực người học theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Theo người viết, tên gọi dù khác nhau nhưng mục đích thì giống nhau, đề minh họa hay đề tham khảo đều giúp cho giáo viên và học sinh an tâm, chủ động trong hoạt động ôn tập; giúp nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, hướng đến kỳ thi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi Bộ công bố đề minh họa, theo người viết nhận thấy, nhiều giáo viên hiểu không đúng mục đích, tính chất của đề minh họa, dẫn đến những hoạt động ôn thi không đúng tinh thần, có thể ảnh hưởng đến chất lượng bài thi của học sinh.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cần hiểu đúng tính chất của đề minh họa

Theo Khoản 2 Điều 4 Quy chế Thi tốt nghiệp trung học phổ thông quy định: "Nội dung thi: Bám sát nội dung của Chương trình GDPT hiện hành cấp trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12". Có thể hiểu, nội dung đề thi có độ phủ rất rộng, không loại trừ loại văn bản nào (văn học, nghị luận, thông tin); không loại trừ loại hình văn bản nào (truyện, thơ, kịch, ký).

Nên hiểu đề minh họa chỉ là “dạng” đề thi tốt nghiệp, đề thi thật mức độ phân hóa có thể khác, cách đặt câu hỏi cũng khác tùy theo ngữ liệu được chọn. Những năm gần đây, dễ thấy ma trận đề thi tham khảo và đề thi thật có độ "chênh", có khi đề tham khảo dễ, đề thi khó và ngược lại. Vì thế, người dạy và người học không nên chủ quan chỉ ôn theo thể loại của đề minh họa. Chẳng hạn, đọc hiểu đề minh họa cho thơ, không nhất thiết phải ra thơ trong đề thi thật.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề minh họa lần 2, giáo viên đang dạy lớp 12 đều cảm thấy nhẹ nhõm, vui mừng bởi đề lần 2 “dễ thở” hơn lần 1. Cần hiểu đúng rằng nhiều đề minh họa giúp cho giáo viên và học sinh thấy sự đa dạng thiết kế, đa dạng lệnh hỏi trong đề thi. Giáo viên chỉ nên dựa vào chương trình và đặc điểm của từng thể loại để dạy học sinh ôn luyện 2 kỹ năng đọc và viết.

So sánh phần đánh giá năng lực đọc hiểu, ngữ liệu 2 đề minh họa và hệ thống câu hỏi kèm theo khác nhau. Ví dụ, đề minh họa năm 2023 cho đoạn trích Sử thi dân gian (trích trong Đăm Săn) kèm theo gồm 5 câu hỏi, trong đó có 3 câu hỏi liên quan đến đặc điểm thể loại (xác định ngôi kể; tìm từ ngữ, hình ảnh thể hiện một nội dung; nhận xét một phẩm chất của nhân vật trong đoạn trích), có 1 câu tiếng Việt (chỉ ra biểu hiện khác nhau của biện pháp tu từ so sánh trong 2 câu văn đề cho) và có 1 câu liên hệ (vận dụng) đến cuộc sống ngày nay từ nội dung ngữ liệu. Đề minh họa năm 2024 cho đoạn thơ hiện đại (trích trong Một thân cây một tàng lá một bông hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường) kèm theo 5 câu hỏi, trong đó có 4 câu hỏi liên quan đến đặc điểm của Thơ (dấu hiệu xác định thể thơ; xác định hình ảnh thơ; hiệu quả hình thức lời tâm sự của nhân vật trữ tình; nêu sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình) và 1 câu liên hệ (vận dụng).

So sánh phần viết của 2 đề minh họa cũng khác nhau. Đề năm 2023, câu 1 yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích đặc điểm của nhân vật thần thoại trong đoạn trích Thần Mưa (ngữ liệu khác phần đọc hiểu), câu 2 yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội khoảng 600 chữ về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ. Đề năm 2024, câu 1 yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ Một thân cây một tàng lá một bông hoa (dùng lại ngữ liệu phần đọc hiểu), câu 2 yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội khoảng 600 chữ về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ.

Từ 2 đề minh họa, có thể hiểu đề thi thật đa dạng về thể loại ngữ liệu đọc hiểu; câu viết đoạn văn có thể cho ngữ liệu khác hoặc dùng lại ngữ liệu đọc hiểu, có thể là nghị luận văn học hoặc nghị luận xã hội; câu viết bài văn cũng có thể là nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học, miễn là trong 2 câu viết có 1 câu nghị luận xã hội và 1 câu nghị luận văn học.

Cần hiểu đúng mục đích đổi mới đề thi môn Ngữ văn

Mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018, có đoạn:

Góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Đặc biệt, môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học: rèn luyện các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe; có hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về tiếng Việt và văn học, phát triển tư duy hình tượng và tư duy logic, góp phần hình thành học vấn căn bản của một người có văn hóa; biết tạo lập các văn bản thông dụng; biết tiếp nhận, đánh giá các văn bản văn học nói riêng, các sản phẩm giao tiếp và các giá trị thẩm mỹ nói chung trong cuộc sống.

Xuất phát từ Chương trình dạy theo năng lực học sinh nên đề thi phải đánh giá theo năng lực của học sinh.

Hiện nay, có nhiều quan niệm về năng lực nhưng Chương trình Giáo dục phổ thông mới theo quan niệm của tác giả Leen Pil (2011). Theo đó, đánh giá theo năng lực được coi là bước phát triển cao hơn so với đánh giá kiến thức, kỹ năng; là đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ người học trong những bối cảnh có ý nghĩa.

Đối với môn Ngữ văn, bối cảnh có ý nghĩa là những văn bản ngữ liệu mới và hệ thống câu hỏi yêu cầu đọc, viết tương đương với văn bản, yêu cầu đã học.

Có thể hiểu, đánh giá năng lực không chỉ là việc đo lường, rút ra nhận xét về khả năng thực hiện nhiệm vụ hoặc hành động học tập mà còn bao hàm việc đo lường, nhận xét về khả năng tiềm ẩn của học sinh và đo lường, nhận xét việc sử dụng những kiến thức, kỹ năng, thái độ để thực hiện nhiệm vụ học tập tới một chuẩn nào đó.

Như vậy, mục đích của việc đổi mới đề thi là để đánh giá đúng năng lực của người học. Mà muốn đánh giá đúng năng lực người học thì phải có bối cảnh có ý nghĩa, tức là văn bản ngữ liệu mới (đây là yêu cầu bắt buộc) chứ mục đích không chỉ là chống học văn mẫu.

Nếu đề thi sử dụng lại ngữ liệu đã học với hệ thống câu hỏi đã thực hành, thì học sinh chỉ nhắc lại cái đã học; đó là dạy học, đánh giá theo kiến thức, kỹ năng chứ không phải đánh giá theo năng lực.

Trên trang cá nhân, thầy Đỗ Ngọc Thống từng chia sẻ: “Với môn Ngữ văn, tình huống mới chính là ngữ liệu mới tương tự các văn bản theo thể loại và kiểu văn bản đã học. Trước đề văn kiểu mới, học sinh phải biết vận dụng kỹ năng đọc để hiểu 1 văn bản mới (không có trong sách giáo khoa), biết vận dụng kỹ năng viết văn bản theo các kiểu bài để tạo ra 1 đoạn văn, bài văn. Như thế học sinh không thể chỉ trông chờ vào trí nhớ, không thể làm bài theo kiểu học thuộc… Do có 3 bộ sách Ngữ văn nên chỉ có thể đánh giá theo yêu cầu cần đạt của chương trình, không dựa vào sách giáo khoa nào cả. Hệ quả của việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá này là chống được hiện tượng giáo viên dạy tủ, đoán đề; khắc phục được tình trạng học sinh học thuộc, chép lại văn mẫu; học sinh học bộ sách nào cũng được, khuyến khích sự sáng tạo…”.

Năm nay là năm đầu tiên thi tốt nghiệp theo Chương trình mới, đề minh họa được công bố sớm hơn so với những năm trước. Từ hiểu đúng Chương trình đến hiểu đúng đề minh họa, mong rằng giáo viên, học sinh sẽ chủ động trong quá trình dạy, học và ôn luyện chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tu-hieu-dung-chuong-trinh-ngu-van-den-de-minh-hoa-de-chu-dong-day-hoc-on-luyen-post247914.gd