Đẩy mạnh phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông

Ngày 25/12, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND về thực hiện Kế hoạch số 153-KH/TU ngày 9/7/2024 của Ban TVTU về việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (GDPT).

Kế hoạch đề ra một số mục tiêu cụ thể: đối với phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) tiếp tục duy trì 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt từ 99% trở lên; 100% trẻ 5 tuổi ra lớp được học 2 buổi/ngày; 98% trẻ hoàn thành chương trình GDMN; Trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục đạt từ 85%. Đến năm 2030: 100% trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi ra lớp và 100% trẻ ra lớp được học 2 buổi/ngày. 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN. 100% xã, phường, thị trấn và 100% huyện, thành phố duy trì vững chắc chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. 70% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục. Trên 40% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp, trên 98,4% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường.

Đối với phổ cập giáo dục tiểu học (GDTH): Tiếp tục duy trì 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập GDTH mức độ 3. Đến năm 2030: 100% trẻ em ở độ tuổi 6 tuổi vào lớp 1; 99,9% số trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, số trẻ em ở độ tuổi 11 tuổi còn lại đang học các lớp tiểu học; 100% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục. 100% xã, phường, thị trấn duy trì và phát triển chuẩn phổ cập GDTH mức độ 3. 100% huyện, thành phố duy trì và phát triển chuẩn phổ cập GDTH mức độ 3. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập GDTH mức độ 3.

Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS): Tiếp tục duy trì 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Đến năm 2030: Trên 98% số thanh niên, thiếu niên độ tuổi 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS. Khoảng 95% số thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15 đến 18 tuổi đang học chương trình GDPT, giáo dục thường xuyên (GDTX), giáo dục nghề nghiệp (GDNN). 100% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; khoảng 35% số học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề trình độ trung cấp. Phấn đấu có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Tỉnh Nam Định đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

Đối với công tác xóa mù chữ: Tiếp tục duy trì 100% xã, phường, thị trấn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 9/9 huyện, thành phố công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỉnh công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đến năm 2030: 100% người trong độ tuổi 15 đến 35 biết chữ giai đoạn 2, 99,9% người trong độ tuổi 15 đến 60 biết chữ giai đoạn 1 và 99,9% người biết chữ giai đoạn 2; 70% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 100% xã, phường, thị trấn duy trì chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 100% huyện, thành phố duy trì chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỉnh duy trì vững chắc chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Đến năm 2030 có 80% trường có cấp THCS, trường có cấp THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Có khoảng 15% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các trung tâm GDTX. Có khoảng 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ trung cấp. Có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng trở lên.

Để đạt mục tiêu đề ra, kế hoạch đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: (1) Tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong GDPT; xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài; hằng năm, đưa hoặc lồng ghép nội dung, nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị. (2) Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phong cách làm việc chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. (3) Củng cố bền vững kết quả phổ cập giáo dục, hạn chế người bỏ học và người mù chữ trở lại; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển GDMN, GDPT, GDTX, GDNN; có chính sách tháo gỡ việc phát triển mạng lưới trường; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn ở địa bàn khó khăn, kết quả chưa vững chắc. (4) Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập suốt đời. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí để củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã; tạo thuận lợi cho các trung tâm học tập cộng đồng tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, đào tạo nghề, xây dựng xã hội học tập thật sự hiệu quả. (5) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước; phát huy mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh sau trung học.

Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị hữu quan và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các nội dung được giao trong kế hoạch, khẩn trương triển khai thực hiện.

Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202412/day-manh-pho-cap-giao-duc-giao-duc-bat-buoc-xoa-mu-chu-cho-nguoi-lon-va-phan-luong-hoc-sinh-trong-giao-duc-pho-thong-91d335f/