Tự học là chìa khóa để GV đổi mới sáng tạo, thực hiện thành công CTGDPT mới

PGS Đặng Thị Thanh Huyền: Bên cạnh một số giáo viên chậm đổi mới thì đa số giáo viên hiện nay đang tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm và làm mới mình.

Đi cùng với đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa thì hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông VIGEF; Chuyên gia cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục Không Biên giới, cho biết, từ trước đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ ngành giáo dục.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông VIGEF; Chuyên gia cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục Không Biên giới. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông VIGEF; Chuyên gia cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục Không Biên giới. (Ảnh: NVCC)

Từ năm 2017 - 2022, Bộ đã và đang triển khai chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, nhiệm vụ chính của ETEP là bồi dưỡng cho giáo viên để triển khai thực hiện chương trình mới.

Chính vì vậy, chúng ta đã có sự chuẩn bị về đội ngũ trước khi triển khai chương trình mới, đến nay, các giáo viên được tập huấn để thực hiện các nội dung của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo cô Huyền, trong bối cảnh đang chuyển đổi từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra với giáo viên là các thầy cô phải phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thông qua chương trình ETEP đã thay đổi mô hình bồi dưỡng. Nếu trước đây giáo viên chú trọng học tập trung thì nay, các thầy cô chuyển sang tự bồi dưỡng.

Cụ thể, giáo viên và cán bộ quản lý sẽ tự bồi dưỡng thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán (đã được các trường đại học chủ chốt của chương trình ETEP bồi dưỡng) và thông qua hệ thống học trực tuyến LMS.

Về bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán, hơn 4 năm qua, các thầy cô đã được học 6 module, cụ thể là: Hướng dẫn thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; Sử dụng phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh; Đổi mới kiểm tra đánh giá theo phát triển phẩm chất năng lực học sinh; Xây dựng kế hoạch giáo dục theo phát triển phẩm chất năng lực học sinh; Tư vấn hỗ trợ học sinh; Xây dựng văn hóa nhà trường. Trong khi đó, tài liệu ba module còn lại cũng đã được chuẩn bị đầy đủ và sẽ triển khai bồi dưỡng cho giáo viên trong thời gian tới.

Đối với từng module, đội ngũ giáo viên cốt cán sẽ được tiếp cận trước 5 ngày, học trực tiếp tập trung trong 3 ngày và sau đó học online, hoàn thành các nhiệm vụ học tập trực tuyến trong 7 ngày.

Với đội ngũ giáo viên đại trà, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã áp dụng như mô hình bồi dưỡng giáo viên cốt cán. Đồng thời, hệ thống trực tuyến LMS và tài liệu, tài nguyên có sẵn luôn đáp ứng nhu cầu tự học, tự rèn luyện của giáo viên ở mọi nơi, mọi lúc. Tài liệu được chuẩn bị, biên soạn kỹ lưỡng bởi các trường đại học cùng sự hỗ trợ của chuyên gia trong nước và quốc tế, kết hợp với sự chỉ đạo của các vụ bậc học.

Có thể thấy, chương trình ETEP đã tạo động lực tự bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và giúp họ hoàn thành các nhiệm vụ học tập được đặt ra, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mới.

“Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục phải tự học thường xuyên, liên tục và học tập tại nhà trường.

Thầy cô tự học và học tại trường thông qua hệ thống LMS, sự hỗ trợ của tổ chuyên môn hay thông qua cộng đồng, mạng lưới giáo viên.

Ví dụ đội ngũ giáo viên môn Toán trong một huyện hoặc một tỉnh cùng trao đổi online qua hệ thống trực tuyến LMS và thông qua sinh hoạt chuyên môn trong trường và các cụm trường. Điều này giúp chúng ta tạo thành cộng đồng học tập trong trường và trong một địa bàn, khu vực. Đây cũng là phương thức hiện đại tiên tiến trên thế giới mà chúng ta đã áp dụng trong công tác đào tạo giáo viên”, cô Huyền phân tích.

Từ bỏ tư duy “học một lần dùng cả đời”

Trong hai năm học qua, việc dạy học tích hợp ở bậc trung học cơ sở là vấn đề được quan tâm, nhiều giáo viên chia sẻ khó khăn khi phải dạy học từ 2-3 môn học, dù họ chỉ được đào tạo đơn môn. Theo Phó Giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền, điều này là do tư duy giáo viên chúng ta trước đây nghĩ rằng: học một lần dùng cả đời.

Suy nghĩ này hoàn toàn sai vì dù chúng ta học đại học, học thạc sĩ hay tiến sĩ thì cũng không thể chỉ bằng lòng với chừng ấy kiến thức đã có. Giáo viên thời đại 4.0 phải đổi mới tư duy, thay đổi hành động, trở thành những giáo viên năng động, sáng tạo, bởi trong thế giới bùng nổ tri thức như ngày nay, kiến thức nhanh chóng trở nên lạc hậu, nếu giáo viên không tự học, tự bồi dưỡng, không cập nhật và làm mới bản thân thì sẽ bị lùi lại phía sau, không thể đảm nhận được nhiệm vụ của giáo dục.

“Đối với dạy học tích hợp cũng vậy, một hiện tượng trong cuộc sống xảy ra đâu phải là vấn đề của riêng môn Vật lý hay môn Hóa học.

Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng bao gồm những kiến thức từ Vật lý, Hóa học, Sinh học. Vậy nếu thầy cô không trang bị đủ kiến thức thì làm sao giảng dạy cho học sinh, làm sao giúp các em giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

Chủ trương đổi mới giáo dục của chúng ta là phải gắn liền với thực tiễn chứ không đơn thuần học thuật sách vở như trước đây.Vì vậy, thay vì than phiền, giáo viên nên chủ động học tập, tích cực đổi mới, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và sáng tạo trong các phương pháp dạy học để thực hiện được nhiệm vụ đặt ra”, Phó Giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền nêu quan điểm.

Đồng thời, nhà trường cũng cần tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên, tổ chức cho giáo viên tự học, tìm hiểu trên mạng, thông qua chương trình bồi dưỡng tại nhà trường, cụm trường, cùng nhau trao đổi kiến thức hoặc mời chuyên gia về bồi dưỡng thêm cho thầy cô.

Nếu thay đổi tư duy và có các giải pháp đúng hướng thì đội ngũ giáo viên sẽ cùng nhau vượt khó để tạo nên chất lượng giáo dục.

Như trường trung học phổ thông Võ Thành Trinh – là một trường huyện ở An Giang nhưng đã được Microsoft Education công nhận là 1 trong 3 Microsoft Showcase Schools (trường học điển hình Microsoft).

Cô Thanh Huyền cũng đánh giá cao về sự thay đổi của đội ngũ giáo viên hiện nay. Mặc dù vẫn còn một số giáo viên chậm đổi mới nhưng đa số giáo viên tích cực học tập và sáng tạo.

Qua tinh thần học tập và phản hồi của các giáo viên, qua đánh giá của tổ chức độc lập cũng như đánh giá của chương trình ETEP, có thể thấy hầu hết giáo viên có nguyện vọng học tập, khát khao đổi mới.

“Xu hướng của giáo viên hiện nay là chủ động học tập và tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới. Thầy cô đã nhận thức đúng về vai trò của người thầy trong nền giáo dục hiện đại, quyết tâm và ra sức học tập, bồi dưỡng, để mỗi thầy cô là một nhân tố quan trọng, góp phần vào bước chuyển mình của chất lượng giáo dục Việt Nam.

Tôi đã tham gia nhiều mạng lưới giáo viên, mạng lưới quản lý giáo dục và thấy được tinh thần học tập của giáo viên, nhiều thầy cô còn tự đăng ký để học các chương trình quốc tế. Chính điều này cho chúng ta đặt nhiều kỳ vọng, tin tưởng về chất lượng đội ngũ giáo viên sẽ ngày một nâng cao, để chúng ta thực hiện thành công chương trình giáo dục mới”, cô Huyền khẳng định.

Linh Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tu-hoc-la-chia-khoa-de-gv-doi-moi-sang-tao-thuc-hien-thanh-cong-ctgdpt-moi-post232426.gd