Tự học, thích ứng - bí quyết giúp sĩ tử vượt 'vũ môn' THPT

Giai đoạn nước rút này, học sinh lớp 12 ở Hải Dương đang tăng tốc ôn luyện, nâng cao tinh thần tự học để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.

Nhiều học sinh lớp 12 ở Hải Dương đang tăng tốc tự ôn luyện cho kỳ thi sắp tới

Nhiều học sinh lớp 12 ở Hải Dương đang tăng tốc tự ôn luyện cho kỳ thi sắp tới

Chủ động

Cũng như hàng chục nghìn học sinh khác ở Hải Dương, em Đặng Đức Minh, lớp 12 Trường THPT Nam Sách đang nỗ lực ôn luyện với mong muốn đạt kết quả cao trong kỳ tuyển sinh năm 2025. Minh cho biết để tăng cơ hội trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, ngoài tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, em còn tham gia cả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa.

Theo Minh, để có kết quả tốt ở những kỳ thi này ngoài sự giảng dạy, hỗ trợ từ thầy cô thì tự học là quan trọng nhất. Em tận dụng tối đa thời gian học chính khóa để lĩnh hội kiến thức, tranh thủ hỏi và nhờ thầy cô giải đáp, hướng dẫn.

“Thời gian ở nhà em hoàn thành tốt bài tập thầy cô giao. Tìm hiểu thêm tài liệu trên mạng để mở rộng kiến thức và tăng cường luyện đề theo cấu trúc đề thi minh họa. Em nghĩ rằng, các bạn nênxác định rõ mục tiêu của việc tự học. Mục tiêu càng rõ ràng, các bạn sẽ càng có động lực phấn đấu và tự giác thực hiện thay vì chờ người khác nhắc nhở”, Minh nói.

Tương tự, em Đặng Văn Duyệt, Trường THPT Phúc Thành (Kinh Môn) cũng đang ngày đêm ôn luyện để có thể trúng tuyển vào Học viện Quân y. Duyệt không tham gia kỳ thi riêng nào mà đặt tất cả hy vào kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học. Qua khảo sát, Duyệt thấy số điểm 3 môn toán, vật lý, hóa học chưa thể đỗ Học viện Quân y.

Học sinh lớp 12 học thêm tại một trung tâm tại TP Hải Dương

Học sinh lớp 12 học thêm tại một trung tâm tại TP Hải Dương

“Sau khi thời gian học thêm ở trường ít hơn, em đã thay đổi kế hoạch học tập. Ngoài học trên lớp, để hiểu sâu bài giảng của thầy cô, em đã chủ động tìm hiểu thêm các tài liệu liên quan đến bài học từ sách nâng cao, tài liệu trên mạng, thậm chí cả ở ngoài đời sống... Em nghĩ đây là phương pháp tự học hiệu quả giúp nắm chắc và mở rộng vốn hiểu biết của mình”, Duyệt nói.

Đồng quan điểm, em Bùi Đức Hưng Hiệp, Trường THPT Ninh Giang cho biết để trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thời gian này em phải nỗ lực rất nhiều. Hiệp cũng đã sớm thay đổi kế hoạch học tập, phân bổ thời gian hợp lý trên lớp cũng như ở nhà. Ngoài tiếp thu tốt kiến thức trên lớp, Hiệp tìm hiểu và mua thêm sách luyện đề trên mạng.

Hiện nay, học liệu rất phong phú nên học sinh phải biết chọn lọc kiến thức để ghi nhớ chính xác và dễ dàng hơn. Hiệp cho rằng để biết thông tin nào thật sự cần thiết, em luôn xác định đúng vấn đề và thu hẹp phạm vi cần làm sáng tỏ. Cùng với đó là rèn tính kiên trì và kỷ luật khi tự học.

Hiệp khẳng định với bối cảnh này, tự học sẽ là “chìa khóa” để vượt "vũ môn" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Thầy cô hỗ trợ

Giáo viên Trường THPT Nam Sách tích cực hỗ trợ học sinh vượt "vũ môn"

Giáo viên Trường THPT Nam Sách tích cực hỗ trợ học sinh vượt "vũ môn"

Có thể khẳng định, tự học có vai trò quan trọng trong tình hình hiện tại. Tự học còn giúp học sinh hình thành kỹ năng, thái độ cho định hướng học tập lâu dài trong tương lai. Tuy nhiên, để tự học, tự ôn thi hiệu quả, vai trò của nhà trường, giáo viên rất quan trọng.

Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Nam Sách có hơn 1.500 học sinh, trong đó có hơn 500 học sinh lớp 12. Trường đang tổ chức dạy thêm trong nhà trường theo đúng tinh thần Thông tư 29. Thầy cô nhiệt tình hỗ trợ các em.

Thầy Trần Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách cho biết trường đã chỉ đạo giáo viên nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, tranh thủ tối đa thời gian trên lớp để hướng dẫn, giao bài tập, sửa bài cho học sinh. Các thầy cô tích cực động viên, khuyến khích các em nâng cao tinh thần tự học. Trường cũng tạo điều kiện tối đa để các em tham gia thi thử, khảo sát chất lượng trong và ngoài tỉnh trên các nền tảng và của một số trường đại học tổ chức.

“Giáo viên đã tích cực hướng dẫn, sửa bài online cho học sinh. Thầy cô hỗ trợ tối đa khi các em cần. Điều kiện học tập ở tuyến huyện khó khăn hơn so với khu vực thành thị nên các em đã chủ động tự học, mua các gói học online. Phụ huynh cũng đồng hành cùng nhà trường định hướng nghề nghiệp, ổn định tâm lý cho học sinh”, thầy Khoa chia sẻ.

Năm 2025, lần đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018

Năm 2025, lần đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018

Thầy Trương Hồng Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Lộc II cho biết năm đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, với nhiều đổi mới trong quy chế tuyển sinh đại học, giáo viên, phụ huynh và học sinh sẽ không tránh khỏi những lo lắng. Ngoài sự định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ từ thầy cô thì tự học vẫn là “chìa khóa” quan trọng để các em đạt kết quả cao nhất ở kỳ thi sắp tới.

“Các em cần xây dựng kế hoạch học tập và ôn luyện dài hạn, thay vì học dồn, học tủ như trước đây. Việc phân bổ thời gian hợp lý giữa các môn, tăng cường luyện tập thực tế và nâng cao khả năng trình bày, lập luận cũng là những yếu tố quan trọng”, thầy Phương nói.

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho rằng trong bối cảnh kỳ thi đang thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn giáo dục hiện đại, nỗi lo của học sinh, phụ huynh là điều dễ hiểu. Nhưng nếu coi đây là cơ hội để thay đổi cách học, học vì hiểu và biết áp dụng, thay vì chỉ học để thi, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có thể sẽ trở thành cột mốc quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành thực sự của một thế hệ học sinh mới.

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tu-hoc-thich-ung-bi-quyet-giup-si-tu-vuot-vu-mon-thpt-409447.html