Sau khi xuất hiện lần đầu năm 2012, xe chiến đấu đổ bộ Type 05 nhanh chóng được trang bị với số lượng lớn, và trở thành trang bị hạng nặng chủ lực trong hoạt động đổ bộ; có vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng tác chiến đổ bộ của quân đội Trung Quốc.
Thiết giáp lưỡng cư Type 05 có tổng trọng lượng chiến đấu 28 tấn, sử dụng động cơ tăng áp công suất cao và thiết bị treo kiểu mới, nên xe có khả năng cơ động trên bộ rất tốt. Về khả năng bơi, với 2 động cơ phản lực nước, xe có thể bơi với tốc độ đến 20 km/h trong điều kiện sóng cấp 3.
Trong những năm gần đây, phương tiện đổ bộ Type 05 đã liên tiếp thực hiện hàng loạt nâng cấp trọng tâm, như lắp đặt tên lửa phóng từ pháo, thay thế hệ thống dẫn đường GPS bằng Bắc Đẩu, hệ thống thông tin mới...
Xe tấn công đổ bộ Type 05 theo quảng cáo có năng lực tiến công tương đối mạnh, pháo chính của xe là loại pháo 105 mm, một bản sao của pháo 105 mm L7 của Anh. Loại pháo này trước đó đã được lắp trên xe chiến đấu đổ bộ Type 63A.
Pháo của Type 05 sử dụng hai loại đạn chính là đạn xuyên giáp và đạn nổ phá chống bộ binh; cơ số đạn là 38 viên. Loại đạn này về cơ bản có thể áp chế được bộ binh, nhưng dường như không thể gây tổn hại cho các loại xe tăng chủ lực hiện đại ngày nay.
Để nâng cao hiệu quả chống tăng, Type 05A nâng cấp khả năng phóng tên lửa qua nòng pháo, trước đó đã thử nghiệm trên xe tăng T-59D. Tên lửa sử dụng phương pháp dẫn đường bằng laser, tầm bắn tối đa của tên lửa có thể đến 5 km, xác suất trúng mục tiêu là 90%.
Tên lửa phóng từ nòng pháo, về lý thuyết là hoàn toàn có cơ may giúp Type 05 tiêu diệt xe tăng chủ lực của đối phương. Tuy nhiên trong bối cảnh các loại xe tăng chủ lực đều có năng lực tự vệ chủ động rất mạnh như hiện nay, cơ may mỏng manh này của chiếc Type 05 đang càng ngày càng giảm.
Ngay từ nhiều năm trước, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu cố gắng thay thế hệ thống định vị GPS bằng hệ thống định vị Bắc Đẩu do Trung Quốc tự phát triển trên xe Type 05.
Sau khi phương tiện tấn công đổ bộ Type 05 được thay thế bằng hệ thống định vị Bắc Đẩu, có thể giúp theo dõi các hoạt động huấn luyện hàng ngày, còn giúp cung cấp thông tin dẫn đường chính xác và an toàn hơn, nhất là khi xe bơi xa tàu đổ bộ.
Trung Quốc muốn hướng tới việc sử dụng hệ thống liên lạc, vệ tinh hoàn toàn nội địa, đảm bảo tối đa mức độ bí mật và không sợ bị nước ngoài tác động. Tuy nhiên tử huyệt của hệ thống này, lại tới từ độ phổ biến của nó. So với GPS của Mỹ, tỷ lệ phủ sóng của vệ tinh Bắc Đẩu trên thế giới là ít hơn rất nhiều lần.
Điều này khiến cho chiến lược đổ bộ của Hải quân Trung Quốc nếu diễn ra ở nước ngoài, có thể sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn, do độ phủ sóng của vệ tinh không cao, độ chính xác và khả năng bù trừ sai lệch, khó có thể hiệu quả được như khi sử dụng GPS.
Type 05 còn có một màn hình LCD lớn, giúp kiểm soát được thông tin tình hình chiến trường phức tạp và thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống này chưa được kiểm chứng, đặc biệt là trong trường hợp bị áp chế điện tử mạnh.
Với những nâng cấp như vậy, Trung Quốc hy vọng rằng Type 05A đã nâng cao khả năng xử lý thông tin và hiệu quả tác chiến toàn diện; đây có thể xem là mô hình thu nhỏ, của việc hiện đại hóa khả năng tác chiến đổ bộ của quân đội nước này.
Nhưng trên thực tế, Quân đội Trung Quốc chưa từng tổ chức thành công một cuộc tấn công đổ bộ quy mô lớn nào kể từ khi ra đời tới nay. Điều này khiến cho dù có được trang bị công nghệ "tận răng", các tình huống thực tế phức tạp và biến đổi không ngừng, vẫn có thể khiến những "tướng lý thuyết" của Trung Quốc bị bất ngờ, khó đối phó.
Ở chiều hướng ngược lại, Mỹ lại là quốc gia có kinh nghiệm tác chiến xuyên đại dương, có khả năng tiến hành đổ bộ đường biển và tiếp tế hậu cần vượt biển cực kỳ hiệu quả. Những kinh nghiệm xương máu mà Mỹ đúc rút được trong hàng thế kỷ chiến trận ở châu Âu, chắc chắn là thứ Trung Quốc không thể có được một sớm, một chiều. Nguồn ảnh: Pinterest.
Cuộc đổ bộ D-Day - chiến dịch đổ bộ xuyên đại dương lớn nhất lịch sử từng được Mỹ và quân đồng minh thực hiện trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nguồn: NTL.
Tiến Minh