Từ khát vọng tự do đến phồn thịnh
Có niềm vui nào lớn hơn ngày quê hương được giải phóng? Có khát vọng nào cháy bỏng hơn khát vọng độc lập, tự do? Sự kiện tỉnh Lào Cai giải phóng ngày 1/11/1950 đã chấm dứt mấy mươi năm tối tăm nô lệ, đập tan chế độ thực dân, phong kiến. Tất thảy người dân Lào Cai như vỡ òa khi được làm chủ cuộc đời mình, làm chủ giang sơn, gấm vóc quê hương mình. Niềm vui lớn lao, khát vọng ấy phải cụ thể hóa bằng xương máu, mồ hôi của ngàn vạn người con Lào Cai và cả dân tộc Việt!
Thời gian qua nhanh, chiến thắng đồn Phố Ràng, Phố Lu, Khau Co; những trận đánh ác liệt của quân, dân Lào Cai và bộ đội chủ lực ở hầu khắp các huyện, thị trong tỉnh; những Soi Cờ, Soi Giá; tiếng trống võ trang Cam Đường… đã trở thành một phần lịch sử quê hương, tô thắm thêm tinh thần dũng cảm, ý chí chiến đấu quật cường của quân, dân Lào Cai 73 năm trước.
Quê hương giải phóng, những ngày tháng tự do, độc lập mở ra, lịch sử tỉnh Lào Cai bước sang trang mới gắn với cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân. Sử sách còn ghi: Chiến thắng giải phóng Lào Cai có ý nghĩa lịch sử to lớn, từ một tỉnh chịu kẻ thù áp bức, thống trị, các tổ chức đảng, chính quyền mới thành lập, với sức mạnh quân sự kết hợp với sức mạnh của chiến tranh nhân dân cùng với phong trào cách mạng cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang Lào Cai đã cùng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắc phục khó khăn, vận dụng linh hoạt đặc điểm, tình hình địa phương, tích cực đấu tranh vũ trang, tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và giành thắng lợi to lớn.
Xưa “kiên gan bền chí”, anh dũng chiến đấu giải phóng quê hương, nay quân, dân Lào Cai tiếp tục phát huy truyền thống, đồng lòng, sáng tạo dựng xây quê hương giàu mạnh, phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc và làm rạng rỡ thêm thành quả cách mạng trong suốt 73 năm qua. Từ khi tái lập tỉnh (1/10/1991) đến nay, Lào Cai đã bứt phá ngoạn mục, từng là 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất nước thời điểm đó trở thành địa phương đứng đầu khu vực Tây Bắc, tỉnh phát triển của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1991 - 2022 đạt gần 10%; thu ngân sách nhà nước tăng nhanh; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp; thu nhập bình quân người dân đạt gần 90 triệu đồng/năm, thuộc tốp đầu trong các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế… được quan tâm. Hệ thống trường dân tộc nội trú được đầu tư, tạo cơ hội cho con em các dân tộc được học tập, tạo nguồn nhân lực quan trọng cho tỉnh. Công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo được triển khai sâu rộng và hiệu quả; quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, khó khăn…
An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố; chủ quyền quốc gia bảo đảm; quan hệ đối ngoại được mở rộng, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 50% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã có đường giao thông kiên cố và điện lưới đến trung tâm xã. Đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao được cải thiện…
Trước thời cơ, vận hội và yêu cầu phát triển mới, tỉnh Lào Cai xác định lộ trình đi tới tương lai bằng những hoạch định cụ thể. Rằng Lào Cai đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước. Xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; là trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu, công nghiệp luyện kim, hóa chất, phát triển dược liệu của vùng và cả nước. Nhiệm vụ chung xuyên suốt sự phát triển của tỉnh Lào Cai là “giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ Nhân dân, giữ biên giới” để vừa ổn định nguồn sinh kế cho đồng bào, vừa góp phần phát triển bền vững cho cả vùng.
Mọi hoạch định phát triển của Lào Cai trước mắt và lâu dài đều đi cùng và là một phần trong quy hoạch chung của vùng và cả nước. Đó là bước tiến quan trọng về tư duy chiến lược, Lào Cai đã sẵn sàng vươn ra “biển lớn” với sự hội nhập ngày càng sâu toàn cầu. Hiện thực mục tiêu lớn, Lào Cai đã lượng hóa toàn bộ những lợi thế có được từ vị trí địa chính trị, địa kinh tế và vốn văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú cùng hệ thống di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trong hệ giá trị: Một trục động lực; hai cực phát triển; ba vùng kinh tế; bốn trụ cột phát triển kinh tế; năm nhiệm vụ trọng tâm để bám sát, làm kim chỉ nam cho sự phát triển vững bền.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai tiếp tục chủ động, sáng tạo hơn nữa, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh để xây dựng Lào Cai phát triển theo đúng mục tiêu đã xác định; cần khai thác, huy động mọi nguồn lực xã hội, động viên đồng bào các dân tộc hăng hái thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là đối với đồng bào dân tộc; quan tâm nhiều hơn việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cao đẹp của các dân tộc, xây dựng đời sống mới, xóa bỏ tập tục lạc hậu; chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phấn đấu giảm hơn nữa số hộ nghèo, nâng cao mức sống của Nhân dân, để “tỉnh Lào Cai ngày thêm phồn thịnh và sung sướng”, như mong muốn của Bác Hồ khi lên thăm Lào Cai 65 năm trước.
Mong muốn của Bác cũng là mong muốn, là khát vọng của các thế hệ người Lào Cai trong dòng chảy không ngừng của lịch sử. Là hành trình tiếp nối từ những ngày tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân, phong kiến, giải phóng quê hương ngày 1/11/1950, giành lại độc lập, tự do đến tinh thần đoàn kết, sáng tạo xây dựng cuộc sống phồn thịnh hôm nay.
Nội dung: Thành Phú
Trình bày: Khánh Ly
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tu-khat-vong-tu-do-den-phon-thinh-post375469.html