Từ Khoán 10 đến Nghị quyết 10
Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ để trở thành một 'động lực quan trọng' của nền kinh tế và nhiều thành tựu kinh tế khác đều ghi nhận đóng góp của Ban Kinh tế của Đảng.
Trụ cột ngày càng lớn mạnh
Nhưng trên thực tế, khu vực DN ngoài nhà nước đã trở nên vượt trội về nhiều tiêu chí kinh doanh để thể hiện sự lớn mạnh của một trụ cột trong nền kinh tế nhiều thành phần.
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020, đến cuối 2018, khu vực DN ngoài nhà nước thu hút 22,25 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 57,2% vốn của toàn bộ khu vực DN, trong khi DN cả nước thu hút vốn cho sản xuất kinh doanh đạt 9,65 triệu tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng vốn.
Khu vực DN ngoài nhà nước năm 2018 có tổng doanh thu thuần cao nhất với 13,41 triệu tỷ đồng, chiếm 56,7% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN. Cả hai con số này đều cao vượt trội so với khu vực DN nhà nước đạt 3,41 triệu tỷ đồng, chiếm 14,4%.
Khu vực DN ngoài nhà nước là khu vực duy nhất tạo ra lợi nhuận trước thuế tăng so với năm 2017 với 323,64 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,1% lợi nhuận của toàn bộ khu vực DN. Các chỉ số này đều cao hơn nhiều so với khu vực DN nhà nước tạo ra 190,36 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 21,3%.
Trải qua nhiều thăng trầm, khu vực kinh tế tư nhân đã được công nhận là “động lực quan trọng để phát triển kinh tế”. Đến nay, khu vực này đã chiếm tới 42% GDP và phấn đấu tăng tỉ trọng lên khoảng 50% GDP năm 2020, khoảng 55% GDP năm 2025, khoảng 60 - 65% GDP đến năm 2030.
Đây là những mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” - một trong những dấu ấn mang tính bước ngoặt của Ban Kinh tế TƯ với sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ban Kinh tế TƯ ngày 30/9, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban cho hay, chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp quyết định chọn số 10 cho Nghị quyết với mong mỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức phấn đấu để đưa nghị quyết này vào cuộc sống, tạo bước đột phá mạnh mẽ như Nghị quyết về “Khoán 10” đã đạt được trước đây.
Những dấu ấn cải cách
Cách đây 70 năm, ngày 30/9/1950, Ban Thường vụ TƯ khóa 1 của Đảng đã ban hành Quyết nghị số 57-QN/TW về thành lập Ban Kinh tế TƯ. Theo đó, Ban có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các chủ trương, chính sách, đề án lớn của Đảng về kinh tế, tài chính để giúp TƯ lãnh đạo về kinh tế, tài chính.
Kể từ đó, Ban Kinh tế luôn có dấu ấn rõ ràng trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử như tham mưu ra Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/1/1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Đây được xem là một bước đột phá lớn về tư duy và chưa có tiền lệ trong hệ thống các nước XHCN lúc bấy giờ.
Sau đó, cũng Ban Kinh tế chủ động đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp vào năm 1988. Đây chính là kết quả của quá trình chủ động tìm tòi, học hỏi và đổi mới, đồng thời có thể được xem là cột mốc quan trọng, phát pháo lệnh mở đầu cho công cuộc Đổi mới đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Nghị quyết này luôn được nhân dân nhắc tới bằng tất cả tình cảm chân thành với tên gọi “Khoán 10”.
Tại Đại hội 6, Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới về kinh tế, phát triển sản xuất, thực hiện chính sách khoán trong nông nghiệp, xóa bỏ chế độ bao cấp, tự do lưu thông và điều hòa cung cầu lương thực - thực phẩm trên phạm vi cả nước, bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Đổi mới là một quá trình khó khăn, là một cuộc cách mạng về tư duy và hành động. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong lãnh đạo kinh tế của Đảng là phải đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi giai đoạn cách mạng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Giai đoạn thị trường hỗn loạn
Nguyên Trưởng Ban Kinh tế TƯ Vũ Oanh chia sẻ, ông có kỷ niệm sâu sắc khi được phân công trực tiếp tham gia nghiên cứu, tham mưu cho TƯ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, đi đến ban hành Chỉ thị số 100 về “Khoán sản phẩm trong nông nghiệp” của Ban Bí thư và tiếp đến ban hành Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị.
"Đây là một quá trình đấu tranh vô cùng gian nan, quyết liệt giữa tư tưởng bảo thủ trì trệ, giáo điều với tư duy đổi mới sáng tạo; trên chặng đường đi đến thành công gặp phải không biết bao nhiêu lực cản. Đây có lẽ là công việc khó khăn, gian nan nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi", ông nói.
Chuyên gia kinh tế Trần Đức Nguyên chia sẻ thêm, lúc đó có những quan điểm rất cổ hủ như bao lâu nay đi theo con đường mọi thứ nhà nước quyết thì làm sao buông ra được. Tình hình lúc đó nguy cấp lắm rồi, con đường duy nhất đó là phải đi từ thực tế của cuộc sống.GS Tạ Ngọc Tấn cho biết, lúc đó chúng ta suy nghĩ CNXH chỉ có một phương thức, một thành phần sở hữu duy nhất là sở hữu công cộng mà không chấp nhận sở hữu tư nhân gắn với nó là sản xuất hàng hóa.
Hình thức khoán sản phẩm lập tức phát huy hiệu quả nhanh chóng giúp người dân được no ấm. Thực tế đó đã thuyết phục những quan điểm trái chiều lúc bấy giờ. Chỉ thị 100 nhanh chóng được soạn thảo được Ban Bí thư thông qua ngày 13/11/1981.
Đến năm 1986, thị trường hỗn loạn sau 2 lần cải cách giá lương tiền, lạm phát vượt trên 700%, nguyên liệu sản xuất cạn kiệt trong khi đó mức khoán tăng lên hàng năm tiếp tục đè nặng khiến người nông dân một lần nữa phải rời bỏ đồng ruộng, nền kinh tế tiếp tục rơi vào khủng hoảng, cơ chế tập trung quan liên bao cấp vẫn còn trong hợp tác xã, thóc mang về nhưng hợp tác xã phân phối chứ không phải xã viên và đói vẫn cứ xảy ra.
Vì vậy, có thể nói, Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 góp phần đột phá xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp để thực hiện cơ chế mới, mở ra cục diện mới cho sản xuấn nông nghiệp. Đường lối kinh tế mới của Đảng là tiền đề tạo niềm tin, động lực cho tiến trình đổi mới thành công cơ chế quản lí kinh tế xã hội của đất nước sau này.
Trải qua những dấu mốc lịch sử khoán 100, khoán 10 qua các kì Đại hội Đảng với thước đo là cơ sở vững chắc từ thực tế cuộc sống, những quyết sách kịp thời đã đánh thức tiềm lực của toàn xã hội để nền kinh tế được bung ra đón nhận một thời kì mới.
Bản báo cáo Văn kiện Đại hội 6 với các thay đổi quan trọng chấp nhận tồn tại các thành phần kinh tế ngoài kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, đồng thời đổi mới cơ chế quản lí từ tập trung quan liêu sang nền kinh tế hạch toán kinh doanh vận dụng quan hệ hàng hóa tiền tệ.
Đến năm 1991, sự kiện LB Xô Viết giải thể đỉnh điểm trong chuỗi sụp đổ liên hoàn của khối các nước XHCN Đông Âu đã đặt Việt Nam vào tình thế khó khăn với những nguy cơ bất ổn về kinh tế xã hội. Đại hội Đảng 7 tiến hành vào cuối tháng 6/1991 đã thông qua chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000 với những biện pháp thúc đẩy kinh tế quyết liệt. Từ năm 1991 đến năm 2000, tổng sản phẩm trong nước tăng liên tục qua các năm với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 7,56% khi việc quản lí điều hành trở nên phù hợp với quản lí thị trường, siêu lạm phát cơ bản đã bị đẩy lùi.
Không liên tục đổi mới sẽ không bắt kịp tình hình
Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định, những đóng góp thiết thực và hiệu quả của Ban Kinh tế TƯ trong những năm qua đã tạo cơ sở vững chắc để Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái lập Ban Kinh tế TƯ vào 28/12/2012.
Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng 12, nhiều chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội đã đóng vai trò nền tảng, lâu dài cho sự phát triển của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 như các nghị quyết về: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển kinh tế tư nhân; đổi mới và cơ cấu lại các DN nhà nước; chính sách đất đai; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, chặng đường phát triển kinh tế tới đây đòi hỏi đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng gặp không ít thách thức, khó khăn.
Tình hình đó đặt ra yêu cầu cao hơn và nhiệm vụ nặng nề hơn đối với Ban Kinh tế TƯ trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng, thể chế hóa, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, tình hình thế giới và trong nước đang có nhiều diễn biến ngoài dự báo thông thường, trong đó kinh tế là lĩnh vực biến chuyển nhanh và sâu sắc nhất. Nếu không liên tục đổi mới, thì không thể theo kịp sự thay đổi đó của tình hình.
Do vậy, Ban Kinh tế TƯ cần chủ động, không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn phát hiện, đề xuất những vấn đề mới, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về kinh tế - xã hội, theo dõi sát tình hình thế giới, sâu sát với thực tiễn đất nước để nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, thẩm định, đề xuất với TƯ Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn, có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội.
“Ban Kinh tế TƯ phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác với chuyên gia trong nước và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta”, ông Vượng nói.